Người dân 'tự xử' vụ nghi bắt cóc trẻ em: Mức cao nhất có thể tù chung thân
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 09:52, 24/07/2017
Trong mấy ngày gần đây, liên tục xảy ra nhiều vụ việc người dân do nghi ngờ người lạ mặt vào làng bắt cóc trẻ em nên đã hô hoán tạo đám đông và tự xử một cách thái quá khiến nhiều người bị đòn oan. Điển hình là vụ việc hôm 20.7 tại Hải Dương dân làng bủa vây, đòi đánh, lật xe ôtô xuống ruộng rồi đốt và mới đây nhất là 2 người phụ nữ nghèo bán tăm đã bị dân làng bắt, đánh đập tại xã Mai Đình (Sóc Sơn) vào trưa 22.7.
Liên quan đến vấn đề này, trả lời phỏng vấn phóng viên, luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty luật Minh Bạch nói: “Tôi rất bức xúc về sự hành xử vô pháp luật của người dân”.
Luật sư Trần Tuấn Anh cho biết: Dưới góc độ pháp luật, đây là hành vi vi phạm pháp luật hết sức nghiêm trọng bởi những người dân này đã vô cớ xâm phạm tới sức khỏe và tính mạng của những người mình không quen biết. Cho dù 2 người phụ nữ kia có phạm tội thì những người dân cũng không được phép tự cho mình quyền được xâm phạm tới sức khỏe và tính mạng của họ mà chỉ được phép tạm giữ họ lại và báo cơ quan chức năng để xử lý. Những hành vi như thế này sẽ để lại hậu quả rất nghiêm trọng.
Luật sư Tuấn Anh cho hay, cách đây không lâu, cũng xảy ra câu chuyện tương tự như vậy khi người dân đã hủy hoại tài sản là chiếc xe ô tô hàng tỉ đồng khi nghi ngờ việc bắt cóc trẻ em, gây hoang mang cho dư luận. Những hành vi này chỉ có trong một xã hội vô pháp, tức là không có sự điều chỉnh của pháp luật, mọi người hành xử với nhau theo bản năng, không có bản án có hiệu lực nào của pháp luật quy kết tội của những hành vi đó. Vô hình chung, người dân đang sử dụng hành vi vi phạm pháp luật để trấn áp hành vi phạm pháp khác.
Nói về hình phạt đối với những người tham gia đánh hai người phụ nữ bán tăm tại xã Mai Đình (Sóc Sơn), luật sư Tuấn nhấn mạnh: “Sức khỏe và tính mạng con người, kể cả đối với tử tù trước khi tử hình đều được bảo vệ tuyệt đối, không ai có quyền được xâm phạm. Việc mọi người hành hung như sự việc vừa rồi là bị cấm. Hai người phụ nữ sẽ được đưa đi giám định thương tật làm căn cứ để khởi tố vụ án về việc cố ý gây thương tích.
Những người tham gia hành hung có nguy cơ chịu phạt, nhẹ nhất là xử lý hành chính với những trường hợp không gây hậu quả nghiêm trọng, nặng hơn thì có thể chịu trách nhiệm hình sự đối với trường hợp gây thương tích hoặc vu khống người khác.Pháp luật là công bằng với tất cả mọi người, không ai có quyền xâm phạm sức khỏe, tính mạng của người khác, trừ cơ quan thực thi pháp luật khi bản án có hiệu lực đối với người phạm pháp”.
Luật sư Tuấn Anh phân tích: Qua theo dõi clip, tôi nhận định những người có hành vi đánh hai người phụ nữ này có dấu hiệu phạm tội cố ý gây thương tích theo Điều 104 luật Hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009.
“Người nào gây tổn hại sức khỏe, tính mạng của người khác tỉ lệ thương tật từ 11% trở lên thì hình phạt nặng nhất là chung thân” - luật sư Tuấn nêu rõ.
Trong trường hợp trên, nếu giám định tỉ lệ thương tật dưới 11% thì người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo nghị định 167 về xâm phạm sức khỏe, tính mạng của người khác.
Bình luận về các vụ việc xảy ra trong thời gian qua, luật sư Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: “Tôi cho rằng, nhận thức pháp luật trong quần chúng nhân dân chưa sâu sắc, tính chất làng xã của người Việt rất cao, kèm theo đó là tâm lý đám đông. Tôi cảm thấy hình như thời gian vừa qua người Việt Nam mình hung hăng hơn, bỏ qua những quy định của pháp luật, người dân có những hành vi cực kỳ đáng báo động.
Chúng ta đang là nạn nhân của mặt trái mạng xã hội khi những thông tin đưa lên mạng không được kiểm chứng. Người dùng mạng xã hội không chọn lọc xử lý thông tin. Với xã hội phát triển như thế này, thông tin là rất đa chiều”.
Theo luật sư Tuấn Anh, Bộ Thông tin và Truyền thông nên làm việc với các trang mạng xã hội để có thể hạn chế được những thông tin bịa đặt, sai sự thật.
Các cơ quan quản lý như Bộ Công an nên tăng cường theo dõi, xác nhận những thông tin sai sự thật. Tại Việt Nam, hiện không có điều luật nào về tin đồn, kể cả về mặt hành chính hay hình sự để xử lý, nhưng lại có những tội danh, hành vi tương xứng.
Theo luật sư Tuấn Anh, chúng ta cần phải có nhiều biện pháp kết hợp và thực hiện quyết liệt, triệt để. Chúng ta có thể làm việc với chủ các trang mạng xã hội tại Việt Nam nhằm có những cam kết để tránh đưa những thông tin thất thiệt. Ví dụ như vừa qua, Bộ thông tin và Truyền thông đã làm việc với youtube và facebook về việc tránh đưa những thông tin sai sự thật, đó là một trong những biện pháp giải quyết từ gốc.
Đặc biệt, chúng ta cần có hình thức xử lý thích đáng đối với những đối tượng đưa thông tin sai sự thật lên mạng xã hội. Những người có hành vi quá khích, phạm pháp cần phải xử lý nghiêm để có tác dụng ngăn đe.
Như luật sư Tuấn Anh phân tích ở trên, đối với những tội cố ý gây thương tích, hình phạt cao nhất là chung thân, như vậy cũng không phải nhẹ. Vấn đề là do người dân không biết được hậu quả lớn như vậy. Ví dụ như việc trộm chó, người dân cứ nghĩ có quyền đánh người trộm chó mà không biết là hành vi đánh người đó cũng là vi phạm pháp luật.
Luật sư Tuấn Anh nêu quan điểm: Mạng xã hội vừa có ưu điểm và nhược điểm rất lớn. Vì vậy, người dùng phải sử dụng nó một cách thông minh.
“Tôi rất bất bình vì bản thân cũng là người sử dụng mạng xã hội. Giờ ai cũng có quyền tiếp cận thông tin, những thông tin sai trái cũng làm mọi người bị ảnh hưởng tâm lý. Khi một thông tin được đưa ra, lặp lại nhiều lần thì sẽ nhiều người quan tâm, làm cho xã hội rối loạn.
Một số kẻ trục lợi về việc này, lợi dụng những trang mạng xã hội để câu view nhằm bán được hàng. Nếu ta không có biện pháp mạnh để xử lý thì hậu quả vô cùng nguy hiểm. Tất nhiên việc đề phòng là tốt nhưng phải ở mức độ vừa phải, người dân cần tiếp nhận tư duy chính thống và chọn lọc hơn”- luật sư Tuấn Anh nói.
Thu Thủy - VOV