TS Phạm Sỹ Liêm: Đã bôi trơn thì thích lên mấy tầng cũng được
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 18:05, 13/12/2017
Sáng 13.12, Bộ Xây dựng phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp hoàn thiện pháp luật về đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng.
Di chuyển nhà vệ sinh cũng phải xin phép
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu cho biết, hiện naykhi triển khai một dự án có rất nhiều thủ tục phức tạp, đến đổi nhà vệ sinh từ chỗ này sang chỗ kia cũng phải xin phép.
“Tôi tình cờ nhìn thấy giấy phép xây dựng từ thời Pháp thuộc năm 1921. Nội dung của giấy phép chỉ quy định ranh giới đất, mặt tiền, còn bên trong người ta muốn làm gì thì làm, vì đây là đất nhà họ, miễn là không xâm phạm nhà khác. Còn hiện nay, chỉ riêng việc sửa cái toilet, chuyển toilet từ vị trí nọ sang vị trí kia cũng phải điều chỉnh giấy phép xây dựng”, ông Hiệp nói.
Nói về một dự án của mình, trong đó có 42 cái nhà liền kề và một cái nhà 9 tầng. Quy định là nhà 9 tầng thì Sở Xây dựng cấp phép còn thấp tầng thì quận cấp phép. Đưa lên Sở thì Sở bảo quận, quận thì lại yêu cầu lên Sở. “Thế là lằng nhằng mấy tháng trời mới xong thủ tục. Do đó, phải quy định rõ ở mức độ công trình như thế nào thì được cấp giấy, ai được quyền khai báo. Nên rõ ràng để doanh nghiệp có thời gian phản ứng”.
Theo ông Hiệp, ví dụ nhưnghị định 09 nói về chuyển đổi mục đích sử dụng với đất đấu giá nhưng chỉ thiếu mỗi câu là “những doanh nghiệp nào, nguồn gốc đất trên 50% nhà nước thì mới phải đấu giá”, như vậy, chỉ thiếu một câu ấy thôi là các dự án ở Hà Nội nằm trong khoảng 1 năm này không thể cử động được,kể cả có giấy phép, nên những văn bản mà các quan soạn thảo, các bộ soạn thảo thì chỉ cần một từ thôi cũng làm cho người ta hiểu khác đi.
Ông Trần Hùng, Hiệp hội Quảng cáo cho hay, các hoạt động quảng cáo ngoài trời hiện rất bế tắc. Việc xin cấp phép xây dựng các công trình quảng cáo liên quan đến nhiều luật, quy định của nhiều ngành.
“Đến nay nói đúng thì các công trình quảng cáo làm theo đúng Luật Quảng cáo, Luật Xây dựng... thì hầu như các công trình quảng cáo hiện nay đều vi phạm, thậm chí 100% vi phạm. Nhưng người ta vẫn phải làm và làm chui và bôi trơn, sẵn sàng bị xử lý, bị xử phạt nhưng vẫn phải làm vì đó là nhu cầu”, ông Hùng cho hay.
Tuy nhiên, vị này cho rằng người ta vẫn làm, bôi trơn, sẵn sàng chịu xử phạt. Ở Hà Nội, TP.HCM 4 năm nay vẫn không có quy hoạch quảng cáo. Tuy nhiên, chính quyền yêu cầu dừng lại, bao giờ có quy hoạch mới được làm tiếp. “Nói như vậy thì không khác gì bắt người ta nhịn cơm".
Bên cạnh đó, ông Hùng cho rằng có tình trạng chồng chéo trong cấp giấy phép quảng cáo. "Khi xin giấy phép thì ngành xây dựng yêu cầu phải có chấp thuận ở ngành văn hóa. Điều đó cũng như 'con gà và quả trứng', không biết cái gì có trước. Trong khi các địa phương thì hầu hết chỉ biết thực hiện máy móc theo luật".
Theo bà Vũ Đặng Hải Yến, Công ty Luật SMIC, ví dụ thủ tục thẩm định PCCC, thẩm định thiết kế, thẩm định về môi trường phải thực hiện ở 3 cơ quan khác nhau. Bà Yến đề xuất cần thu về một cửa tạo sự thuận lợi cho doanh nghiệp. “Doanh nghiệp chỉ cần nộp hồ sơ tại một cơ quan. Các cơ quan sau đó phối hợp với nhau và trả lời doanh nghiệp”, bà Yến đề xuất.
Tiền phạt còn rẻ hơn tiền bôi trơn
TS Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, nước Mỹ thường sử dụng dịch vụ thanh tra xây dựng chứ không có lực lượng thanh tra của chính quyền. Theo đó, khi cấp giấy phép xây dựng, chính quyền sẽ thu một khoản phí, phí đấy sẽ dùng để thuê dịch vụ thanh tra. Khi cần kiểm tra một công trình, chính quyền chỉ cần gọi cho một anh nào đó đến kiểm tra xem chủ đầu tư có làm đúng giấy phép không. Cho nên họ không cần biên chế. Ở Mỹ có cả trăm nghìn người làm dịch vụ thanh tra xây dựng.
Đề cập về việc cấp giấy phép xây dựng, ông Liêm cho biết hiện nay chúng ta chỉ có quy định cấp giấy phép mà không có quy định kiểm tra việc thực hiện giấy phép nên việc vi phạm giấy phép rất phổ biến.
“Chỉ khi nào báo chí, người dân phát hiện thì cơ quan chức năng mới vào cuộc còn bình thường cơ quan chức năng không phát hiện ra. Nhất là khi đã bôi trơn cấp dưới thì muốn lên mấy tầng thì lên. Tôi nghe ở thành phố nọ, anh muốn lên 1 tầng thì xin mời anh thêm 25.000 USD. Như ông Mường Thanh, ông ấy vi phạm pháp luật, nhưng tiền bị phạt còn rẻ hơn tiền đi bôi trơn. Pháp luật phải ngăn chặn chuyện như vậy”, ông Liêm nhấn mạnh.
Một trong những điểm đáng chú ý của Dự thảo “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị”, là việc sửa đổi Khoản 2, Điều 89 Luật Xây dựng theo hướng: Bổ sung đối tượng được miễn giấy phép xây dựng bao gồm các công trình thuộc dự án đã có quy hoạch chi tiết 1/500 được phê duyệt, đã được cơ quan chuyên môn thẩm định thiết kế xây dựng hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định đầu tư; một số công trình quy mô nhỏ khác.
Đánh giá về quy định sửa đổi này, ông Liêm cho rằng trên thực tế các sự cố xây dựng lại thường hay xảy ra ở nhà thấp tầng, rẻ tiền chứ không phải ở các công trình quy mô mấy chục tầng. Ông lấy ví dụ về công trình tại một số trường học vừa qua bị sập lan can, khiến hàng chục học sinh phải nhập viện và cho rằng, công trình 2 tầng có cả công trình dùng làm trường học có thể gây nguy hiểm nếu không được kiểm soát chất lượng. Do vậy, việc miễn giấy phép cho các công trình này là chưa hợp lý.
“Nói rằng nhà hai tầng, nhà đơn giản không cần kiểm tra hay quan tâm lắm về vấn đề chất lượng là không phải. Bây giờ những nhà này mình miễn giấy phép thì chỉ lợi cho cai thầu, lợi cho dân chứ không phải lợi cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào lại loanh quanh xây mấy cái nhà hai tầngrẻ tiền đấy! Đừng có nghĩ rằng hễ cứ đơn giản là miễn giấy phép. Sinh sự là ở đấy”.
Theo ông Liêm, vấn đề chỉ là quy định giấy phép do ai cấp để cho đơn giản và nhanh chóng, chứ “giấy phép xây dựng đối với các công trình đó không phải là vô dụng để chúng ta có thể bỏ đi dễ dàng”.
Hoài Phong