'3 tỉ USD sang Mỹ kẹt ở bất động sản là điều rất đáng lo'
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 14:13, 24/07/2017
Báo cáo "Hồ sơ hoạt động quốc tế về bất động sản tại Mỹ năm 2017" của Hiệp hội các Nhà môi giới Bất động sản toàn nước Mỹ (National Association of Realtors - NAR) vừa công bố cho thấy, từ tháng 4.2016 đến tháng 3.2017, người nước ngoài đã chi 153 tỉ USD để mua 284.455 bất động sản tại Mỹ. Số tiền này tăng 49% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, số tiền người Việt đã bỏ ra chiếm 2%, tương đương 3,06 tỉ USD.
Theo đó, Việt Nam tiếp tục là 1 trong 10 quốc gia có công dân mua nhà đất tại Mỹ nhiều nhất thế giới. Việt Nam đã đứng trong danh sách này 5 năm liên tiếp, từ năm 2013.
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, Mỹ là một siêu cường quốc, an sinh xã hội, giáo dục, môi trường đầu tư, quyền tự do cá nhân… đều ở mức cao. Do đó, nhân lực chất lượng cao cũng như những người giàu có ở nhiều nước trên thế giới muốn nhập tịch Mỹ cũng không có gì lạ.
“Đây là xu thế chung trên thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Mua nhà, có thu nhập ổn định, đầu tư kinh doanh… cũng là một trong những cách để có thể trở thành công dân Mỹ”, ông Thịnh nói.
Ông cho rằng nguyên nhân có thể là thể chế trong nước còn nhiều vấn đề khiến những người giàu có cảm thấy không thỏa mãn. Ví dụ như môi trường kinh doanh không thuận lợi, cơ chế trường chưa thực sự hình thành đầy đủ, việc kinh doanh thường xuyên bị nhũng nhiễu, thanh tra, nhiều giấy phép con... Họ ra đi vì mong muốn một thể chế, môi trường kinh doanh ổn định, thông thoáng hơn.
Bên cạnh đó, ông Thịnh cho biết, cũng có những người giàu muốn tìm đến những nơi khác để xóa đi những "vết mờ" trong con đường làm giàu của họ.
Còn có một lý do nữa là để bảo vệ tài sản, nên người ta chuyển tài sản ra nước ngoài, bởi vì nhiều người lo sợ trong tương lai sẽ có những chính sách khiến tài sản của họ ở trong nước bị ảnh hưởng, thậm chí mất hết.
Ngoài ra, PGS Thịnh cho biết, ngoại tệ “chảy” ra nước ngoài qua nhiều con đường. Một phần trong số đó đi ra bằng con đường chính thức như du học, du lịch… còn phần khác là con đường chợ đen hoặc qua các tài khoản xuất nhập khẩu.
Tuy nhiên ông lại nói rằng việc một lượng lớn ngoại tệ chảy ra nước ngoài là điều rất nghiêm trọng đối với các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là Việt Nam, nhất là nếu đầu tư vào bất động sản. “Ngoại tệ ra nước ngoài bị kẹt ở bất động sản, không sinh lời vì người ta mua nhà chứ không phải đầu tư kinh doanh hay mua sắm máy móc. Đây là điều rất đáng lo”, ông nói.
Ông cho biết thêm “chảy máu” ngoại tệ trong vấn đề này cũng đồng nghĩa với việc “chảy máu” nhân lực chất lượng cao, vì chỉ người giàu có mới có thể mua được nhà tại Mỹ.
Theo PGS Thịnh, muốn hạn chế việc chảy máu ngoại tệ, Nhà nước phải cởi mở hơn trong chính sách đối đãi với doanh nghiệp, để họ cảm thấy thuận lợi hơn trong sản xuất, kinh doanh. Thậm chí, Nhà nước phải cải cách về mọi mặt của đời sống để những người có tiền cảm thấy thoải mái ở Việt Nam và những nhu cầu của họ được đáp ứng. Điều này thì cần thời gian dài và mất nhiều công sức, nhưng chí ít phải làm cho người ta cảm thấy đang có sự thay đổi và họ tin tưởng vào sự thay đổi này.
Chảy máu ngoại tệ không chỉ riêng việc mua nhà
Ngoại tệ sang Mỹ không chỉ là mua nhà. Về giáo dục, Báo cáo Open Doors năm 2016 về trao đổi giáo dục quốc tế cho thấy số lượng người Việt Nam theo học tại Mỹ tăng “chóng mặt”. Tính tới tháng 11.2015, sinh viên người Việt ở Mỹ lên đến 28.883 người. Việt Nam hiện xếp thứ 6 trong thống kê về số học viên, sinh viên nước ngoài tại Mỹ.
Về y tế, theo Sách trắng 2016 do Eurocham công bố ngày 2.3.2016 cho thấy tính tới năm 2015, khoảng 40.000 người Việt ra nước ngoài chữa bịnh và tiêu tốn khoảng 2 tỉ USD.
Lam Thanh