Đặc sứ Mỹ đổ tội Nga gây ‘chiến tranh nóng’ ở đông Ukraine

Quốc tế - Ngày đăng : 19:11, 24/07/2017

Đặc sứ Mỹ đổ tội Nga gây "chiến tranh nóng" ở đông Ukraine, sau những cuộc giao chiến mới giữa quân chính phủ Ukraine với quân nổi dậy ở khu vực này.

Tối 24.7 (giờ châu Âu) sẽ có cuộc nói chuyện (qua điện thoại) giữa các lãnh đạo Nga, Pháp, Đức và Ukraine để bàn về cuộc chiến ở đông Ukraine lại bùng phátvài ngày qua, khiến 11 lính Ukraine chết trong một tuần lễ đẫm máu, buộcĐức và Pháp phải khẩn trương thúc đẩy tiến trìnhtuân thủ thỏa thuận ngưng bắn mà Nga - Ukraine từng ký ở Belarus hồi năm 2015.

Ông Kurt Volker được Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ định làm đặc sứ Mỹ tham gia đàm phán từ ngày 7.7, nhằm chấm dứt chiến tranh ở miền đông Ukraine đã kéo dài 3 năm qua, làm chết hơn10.000 người.

Ngày 23.7, ông Volker mặc áo chống đạn, đi thăm thành phố Kramatorsk do chính phủ Ukraine kiểm soát ở vùng Donetsk tan hoang vì chiến tranh.

Tại đây, ông nói: “Đây không phải một cuộc chiến đóng băng, đây là một cuộc chiến tranh nóng, một cuộc khủng hoảng mà tất cả chúng tôi cần xử lý nhanh chóng. Tôi muốn đến đây và đã xem xét tình hình”.

Khi được hỏi ông có nghĩ cuộc chiến là hậu quả Nga xâm lược Ukraine, chứ không phải là nội chiến Ukraine, đặc sứ Mỹ đồng ý với câu hỏi này:

“Chúng tôi hiểu cách cuộc chiến này bắt đầu, hiểu cách xử lý nó và đó là lý do tại sao Mỹ càng trở nên liên quan”.

Ngày 24.7, ông Volker sẽ nói chuyện với chính quyền Ukraine tại Kiev. Kế đó, ông sẽ đến Pháp, Bỉ, Áo và Anh rồi trở về Mỹ để “có vài kiến nghị Mỹ có thể liên quan tốt hơn đến mức nào”, theo ông cho biết.

Ukraine và phương Tây cáo buộc Nga lén đưa quân và vũ khí qua biên giới để thổi bùng chiến tranh ở sân sau của châu Âu. Moscow phủ nhận cáo buộc Nga dính líu và ủng hộ quân ly khai.

Mỹ và EU đã có nhiều lệnh cấm vận Nga, nhưng nỗ lực đạt được một thỏa thuận hòa bình cho Ukraine bị bế tác, và cuộc chiến tranh vẫn kéo dài kể từ khi bắt đầu hồi tháng 2.2014.

Cuộc chiến này cũng khiến quan hệ Nga với phương Tây bị xuống cấp thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Mỹ nói cuộc chiến là một rào cản lớn cho mục tiêu cải thiện quan hệ tốt hơn với Nga.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hồi đầu tháng 7 nói: Nga cần đi bước trước để tạo hòa bình cho Ukraine, khiến Tổng thống Petro Poroshenko nói đây là tín hiệu Mỹ ủng hộ Ukraine mạnh mẽ.

Theo Reuters, ông Volker từng là trợ lý của Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain, người muốn Mỹ cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine.

Trung Trực (theo Reuters)

Trần Trí