Hà Nội: Sốt xuất huyết tăng đột biến, nhiều người tử vong

Thông tin Y học - Ngày đăng : 15:56, 25/07/2017

Với con số 17 người chết vì sốt xuất huyết trên cả nước khiến không ít người cảm thấy sợ hãi.

Tại Hà Nội đã phát hiện có tới 1.000 ổ dịch sốt xuất huyết ở các địa bàn, thậm chí những quận huyện Hà Nội có tỷ lệ người mắc sốt xuất huyết cao như Đống Đa, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Cầu Giấy, Hoài Đức, Thường Tín, Thanh Xuân, Ba Đình, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Thanh Oai… đã có những đợt tuyên truyền, phòng ngừa căn bệnh này.

Các trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết tại Hà Nội ghi nhận 1 trường hợp tử vong tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa và 2 trường hợp tử vong có liên quan đến bệnh sốt xuất huyết tại phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai và phường Cống Vị, quận Ba Đình. Các quận, huyện có số mắc cộng dồn cao là Đống Đa (1.407 người), Hoàng Mai (1.344 người), Hai Bà Trưng (508 người), Thanh Trì (427 người), Thanh Xuân (420 người), Hà Đông (406 người).

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, trong 7 tháng đầu năm 2017 số ca mắc sốt xuất huyết được ghi nhận là 58.888 ca, trong đó miền Bắc hơn 4.500 ca, Miền Trung hơn 12.100 ca, Tây Nguyên hơn 5.300 ca. Đáng lưu ý tại miền Nam gần 27.000 ca, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2016. Riêng tại Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng đã tiếp nhận gần 4.000 trường hợp đến khám và cũng đã có trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết ở bệnh viện này.

Mặc dù các cấp chính quyền, các ban ngành đoàn thể tại địa phương đã vào cuộc trong công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết nhưng đến thời điểm này, dịch vẫn gia tăng, ghi nhận thêm các trường hợp tử vong. Lý giải nguyên nhân dịch bệnh diễn biến phức tạp, Sở Y tế Hà Nội cho rằng, sốt xuất huyết là bệnh đang có xu hướng gia tăng trên toàn cầu, và hiện Việt Nam chưa có vaccine cũng như thuốc điều trị đặc hiệu.

Chia sẻ với phóng viên, bác sĩ Đỗ Duy Cường - Trưởng khoa truyền nhiễm bệnh viện Bạch Mai cho biết theo nhận định của các chuyên gia y tế, trong những tháng cuối năm 2017, dự báo dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp do năm nay mùa hè đến sớm, nhiệt độ trung bình tăng cao dẫn đến véc tơ truyền muỗi phát triển mạnh. Bên cạnh đó là quá trình đô thị hoá nhanh, nhiều công trình xây dựng phát sinh các ổ bọ gậy khó xử lý; Việc triển khai các biện pháp phun hoá chất và diệt loăng quăng ở khu vực thành thị gặp nhiều khó khăn…

Đáng lo ngại nữa là do tập quán tích trữ nước của người dân, sự phối hợp của người dân chưa cao. Trong khi bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Thông thường, đỉnh dịch sốt xuất huyết rơi vào tháng 9 và tháng 10. Nhưng năm nay, mới tháng 7 mà Hà Nội đã rơi vào đỉnh dịch. Dịch sốt xuất huyết trên địa bàn còn có thể kéo dài đến cuối năm 2017.

PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội cho biết, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do vi rút Dengue (D) gây nên. Có 4 type vi rút gây bệnh (gồm D1, D2, D3, D4). Điều đáng chú ý, nếu như năm 2016, qua giám sát cho thấy, các bệnh nhân mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội là do vi rút type D1, thì năm nay đã phát hiện thêm vi rút type D2 và D4.

Do xuất hiện 3 type vi rút nên số người mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội gia tăng mạnh, thậm chí nhiều trường hợp khi tái nhiễm, bệnh sẽ nặng hơn. Hiện việc phun thuốc diệt muỗi là phun xông hơi và chỉ có tác dụng nhất thời. Vì vậy, biện pháp quan trọng nhất vẫn là tích cực vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, lăng quăng.

Thêm vào đó, Hà Nội là thành phố có dân số đông, tốc độ đô thị hóa cao, nhiều dân ngoại tỉnh đến làm ăn và sinh sống trên địa bàn (ghi nhận có khoảng 40% người mắc sốt xuất huyết là học sinh sinh viên và lao động ngoại tỉnh); Điều kiện vệ sinh môi trường hạn chế, mật độ dân cư cao, một số khu vực thiếu nước sạch, người dân phải tích trữ nước để sinh hoạt. Nhiều khu vực bãi đất trống, tiếp giáp, xen kẹt, khu nhà chưa có người ở, công trường xây dựng chứa nước... tạo điều kiện cho muỗi vằn truyền bệnh sinh sản.

Với diễn biến phức tạp của bệnh sốt xuất huyết, Bộ Y tế đã huy động toàn thể các ban ngành, gia đình, địa phương tham gia vào công tác phòng, chống dịch mà cụ thể là tham gia vào các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh; Cần cương quyết xử lý, xử phạt các cá nhân, đơn vị, tập thể không hợp tác (trước mắt cần xử lý nghiêm các chủ công trường, cơ quan, xí nghiệp, trường học, chủ nhà cho thuê trọ…) trong các chiến dịch vệ sinh môi trường, phun hóa chất; Đề nghị các xã, phường, thị trấn thành lập các tổ tình nguyện viên tham gia công tác phòng chống dịch, tự bảo vệ sức khỏe của mình và cho cả cộng đồng tại địa phương.

Về vấn đề chuyên môn kỹ thuật, ngành y tế đề nghị giám sát điều tra xử lý ổ dịch tại cộng đồng, thực hiện sớm công tác cấp cứu điều trị cho người bệnh mắc sốt xuất huyết để hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong.

Dạ Thảo

Hải Yến