Hàn Quốc điều tra tham nhũng trong vụ mua chiến đấu cơ F-35 của Mỹ
Quốc tế - Ngày đăng : 16:34, 25/07/2017
Theo Công tố viên Hàn Quốc thì cựu Giám đốc Công ty Hàng không vũ trụ Hàn Quốc (KAI) là Ha Sung-yong và cựu Giám đốc Cơ quan Quản lý chương trình mua sắm quốc phòng (DAPA) Chang Myoung-jin về những cáo buộc tham nhũng và lơ là để thất thoát công quỹ trong các hợp đồng vũ khí lớn.
Nhiều người tin rằng vụ điều tra mới này không đơn giản chỉ là một vụ riêng lẻ mà là một mảnh ghép liên quan đến cựu Tổng thống Park Geun-hye, người đã bị phế truất và đang bị xét xử vì tội tham nhũng.
Cụ thể hai dự án quốc phòng FX và KF-X trị giá nhiều tỉ USD đang bị các nhà điều tra Hàn Quốc nghi ngờ có tham nhũng. FX là dự án mua máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ được thông qua hồi năm 2014 dưới thời bà Park có trị giá lên tới 6,48 tỉ USD. Còn KF-X là dự án chế tạo máy bay chiến đấu nội địa của Hàn Quốc nhằm thay thế máy bay chiến đấu F-4 và F-5 của Mỹ với tổng kinh phí 4,48 tỉ USD.
Những nhân vật chủ chốt trong cả hai dự án này đều có liên quan đến Kim Kwan-jin cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc và Choi Soon-sil bạn thân lâu năm của bà Park. Cả hai nhân vật này đều là trung tâm của bê bối chính trị, tham nhũng làm rúng động Hàn Quốc từ cuối năm ngoái đến nay.
Vụ điều tra được tiến hành bởi Giám đốc Văn phòng Công tố Quận trung tâm Seoul, Yoon Seok-youl người chỉ mới được Tổng thống Moon Jae-in bổ nhiệm hồi tháng 5 vừa qua.
Ông Ha Sung-yong hiện đang bị nghi là tham nhũng hàng tỉ won khi để cho tập đoàn sản xuất máy bay duy nhất của Hàn Quốccố tình làm tăng chi phí phát triển các mẫu máy bay quân sự mới gồm cả máy bay trực thăng Surion và máy bay huấn luyện phản lực T-50. Trong khi đó ông Chang Myoung-jin thì bị nghi lơ là trong công tác giám sát khi để KAI tiếp tục cung cấp mẫu máy bay trực thăng Surion bất chấp những lỗi lớn nhỏ gồm cả lỗi động cơ.
Dự án FX được xem là dự án gây tranh cãi nhất tại Hàn Quốc dưới thời bà Park. Việc chính quyền thúc đẩy mua máy bay F-35 vốn vừa giá đắt vừa không đáng tin cậy thay vì mua F15-SE như khuyến cáo ban đầu của DAPA luôn là tâm điểm của sự chỉ trích.
Thời điểm khi dự án được phê duyệt, Bộ trưởng Quốc phòng Kim Kwan-jin đã bảo vệ quyết định mua F-35 và nói với các trợ lý của ông rằng "chúng ta cần phải đưa ra một quyết định chính trị" trong việc mua máy bay mới cho quân đội.
Các nhà phê bình chính trị cho rằng "quyết định chính trị" mà ông Kim nhắc tới là áp lực từ cựu Tổng thống Park Geun-hye.
Sau đó việc mua F-35 còn khiến dư luận phẫn nộ hơn khi biết rằng Lockheed Martin sẽ không trao cho Hàn Quốc 4 công nghệ lõi chế tạo F-35 để nước này có thể áp dụng vào dự án chế tạo máy bay chiến đấu nội địa. Theo kế hoạch ban đầu, Hàn Quốc sẽ nhận được công nghệ liên quan tới radar dò tìm điện tử tích hợp (AESA), dò tìm và theo dõi hồng ngoại (IRST), máy dò hồng ngoại (EOTGP) và RF jammer từ Mỹ, nhưng chính quyền Mỹ sau đó đã cấm Lockheed Martin chuyển giao các công nghệ trên với lý do "an ninh quốc gia".
Trong một báo cáo hồi cuối năm ngoái, bà Choi được cho là đã giúp Lockheed Martin "vận động hành lang" để đạt được hợp đồng với chính quyền của bà Park và nhận lại một khoản hoa hồng lớn. Dù vậy, Lockheed Martin khi đó bác bỏ thông tin và nói rằng họ không nhận được bất kỳ sự giúp đỡ nào từ bà Choi hoặc bà Park.
Ái Vi (theo Korea Times)