Quy tắc để tiền bạc không phá hủy hôn nhân của bạn

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 08:59, 26/07/2017

Tiền bạc vô cùng quan trọng trong cuộc sống gia đình, nhưng đừng để nó chi phối hạnh phúc của gia đình bạn.

Tất nhiên không có bất kì một công thức kỳ diệu nào cho một cuộc hôn nhân thành công. Nhưng có rất nhiều cặp vợ chồng đã có một cuộc sống lâu dài và hạnh phúc bên nhau nhờ vào kế hoạch tài chính rõ ràng của họ. Vậy bí quyết là gì?

Công khai các vấn đề tiền bạc cá nhân trước khi kết hôn

Đó có thể là số tiền bạn tiết kiệm được, số tiền được bố mẹ cho hoặc số tiền bạn còn phải trả do vay mượn, số tiền bạn phải chu cấp cho gia đình hàng tháng hay mục tiêu, nguyện vọng tài chính bạn mong muốn trong tương lai… tất cả đều phải công khai, rõ ràng để tạo nên sự tin tưởng, thông cảm lẫn nhau giữa hai vợ chồng ngay từ đầu, đây cũng chính là nền tảng cơ bản để vấn đề tiền bạc không chi phối hạnh phúc gia đình của bạn đấy.

Quy tiền bạc về một mối

Cuộc sống gia đình bên cạnh những chi tiêu cá nhân của từng người còn rất nhiều các khoản chi khác đòi hỏi cả hai vợ chồng cùng chung tay chung sức lo lắng, đặc biệt trong việc mua sắm các tải sản lớn, nuôi dạy con cái… Do đó nếu khi cưới nhau rồi mà các cặp vợ chồng vẫn tiền chồng chồng giữ, tiền vợ vợ giữ thì sẽ không tránh khỏi những xung đột xảy ra khi cần chi tiêu cho những việc chung. Đó là chưa kể đến thái độ hạch sách, kể công rằng chồng làm nhiều tiền hơn hay vợ làm ra nhiều tiền hơn.

Lập ngân quỹ chi tiêu chung

Với cuộc sống sau khi kết hôn,thiếu thốn về tiền bạc rất dễ xảy ra, khi cuộc sống trở nên bế tắc, gia đình dễ bị đảo lộn, con người thường thay đổi cảm xúc thất thường. Đó là một trong những nguyên nhân khiến hạnh phúc tan rã.

Ngay từ đầu, bạn nên lập ngân quỹ chi tiêu chung, có thể là gửi tiền tiết kiệm, bỏ ống heo… để dành dụm, tiết kiệm ngân sách cho gia đình. Nếu có túng thiếu hay bế tắc, hãy xem đó như là một cách giải quyết hữu hiệu nhất để vượt qua những khó khăn. Đừng nên để vấn đề tiền bạc trong hôn nhân gây ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình bạn.

Có kế hoạch, quy định tài chính cụ thể

Hãy lên những kế hoạch và những quy định về cách quản lý tiền riêng phù hợp với đời sống, cá tính cũng như hoàn cảnh công việc của cả hai vợ chồng. Ví dụ như:

- Tiền chi tiêu chính trong nhà sẽ do ai nắm giữ và chi tiêu.

- Các mục tiêu tài chính hai bạn cần phấn đấu và hướng tới là trong bao lâu.

- Trước khi quyết định những vấn đề lớn liên quan tới tiền nong phải có sự đồng ý của cả hai.

- Số tiền dùng trong việc đối nội, đối ngoại.

- Trao đổi về những mục tiêu cũng như lập kế hoạch dài hạn về tiền bạc cùng nhau..

Một người không bao giờ kiểm soát mọi thứ

Là người một nhà, việc phân chia trách nhiệm là hoàn toàn tự nhiên, tức người này làm việc này, người kia làm việc kia hoặc luân phiên nhau. Trong rất nhiều vấn đề khác, công thức này rất hiệu quả. Nhưng những quyết định lớn về tài chính cần phải được cả hai cùng nhau đưa ra. Nếu quyền kiểm soát quá lớn thuộc về một trong hai người, điều đó sẽ hủy hoại cuộc sống hôn nhân.

Luôn có những khoản tiền riêng

Ngoài việc cho phần lớn số tiền kiếm được vào ngân quỹ chung, bạn luôn luôn phải có một ít tiền riêngđủ để bạn có thể chi tiêu hàng ngày phục vụ cho công việc và nhu cầu thiết yếu của cá nhân như tiền xăng xe, điện thoại, ăn sáng, giao lưu bạn bè…Có như thế bạn mới cảm thấy thoải mái, chứ không phải cần chi tiêu bất cứ việc gì cũng phải ngửa tay xin tiền người quản lý tiền bạc của gia đình (vợ hoặc chồng). Không những thế, những khoản tiền riêng ấy, bạn có thể sử dụng để tiết kiệm mua tặng đối phương một món quà nho nhỏ vào những ngày kỷ niệm hay mua cho gia đình một vật dụng nào đó cần thiết, nó sẽ góp phần hâm nóng tình cảm của vợ chồng bạn.

Hãy thật sự thoải mái với nhau

Vấn đề tài chính một lúc nào đó sẽ khiến cả hai vợ chồng căng thẳng. Tiền bạc có thể là nguyên nhân khiến hai vợ chồng tranh cãi nhưng các cặp đôi hạnh phúc không để tiền phá hoại mối quan hệ của họ. Tiền không phải mục tiêu khi họ kết hôn mà tiền chỉ là phương tiện để học thực hiện các mục tiêu khác. Hãy luôn nhắc nhở bản thân rằng mục đích ban đầu kết hôn của bạn là gì, lúc đó tiền sẽ không còn là vấn đề quan trọng nhất.

Sau tất cả, tiền bạc không phải là nguồn gốc của vấn đề tiền bạc trong hôn nhân mà sự ích kỷ và cái tôi quá lớn mới là nguyên nhân cần được để ý đến nhất. Hãy sẵn sàng thỏa hiệp để bảo toàn hạnh phúc, nhưng không cho phép bản thân bị lợi dụng. Thay vì tập trung vào vấn đề, hãy tập trung vào các giải pháp và làm thế nào bạn có thể cải thiện mối quan hệ của bạn.

Lam Hạ (tổng hợp)

Thùy Vân