TGĐ Công nghệ Uber Thuận Phạm: Các startup đừng trông chờ vào tài trợ
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 16:52, 26/07/2017
Bên lề buổi nói chuyện với cộng đồng startup vào ngày 25.7 tại Hà Nội, TGĐ Công nghệ Uber toàn cầu Thuận Phạm đã có cuộc trao đổi cùng báo chí. Theo đó, ông Thuận Phạm nhận định: “Giới trẻ Việt Nam rất tài năng, có chí tiến thủ và có sự khao khát vươn lên mạnh mẽ cho thấy tiềm năng khởi nghiệp ở Việt Nam rất lớn”.
Tuy nhiên, vị TGĐ Công nghệ Uber toàn cầu cũng cho rằng cộng đồng khởi nghiệp nên có tư duy, cách nghĩ đúng đắn và luôn luôn phải hướng đến sự thay đổi bởi bản chất của khởi nghiệp là phải luôn sẵn sàng làm những thứ chưa từng tồn tại; phải có cách suy nghĩ mới, thoát ra khỏi những khuôn khổ truyền thống và nên có sự táo bạo trong cách nghĩ, cách làm để sẵn sàng chớp lấy cơ hội, chứ không nên lo sợ trước những rủi ro.
Ông Thuận Phạm tại buổi nói chuyện với cộng đồng khởi nghiệp ở Hà Nội - Ảnh: BTC
Chính phủ không nhất thiết phải đầu tư vốn cho startup
Năm2016 được biết đến là năm “Quốc gia khởi nghiệp” với nhiều chính sách giúp thúc đẩy sự phát triển của phong trào khởi nghiệp từ phía Chính phủ. Nói về vai trò của nhà nước, ông Thuận Phạm cho biết trong môi trường khởi nghiệp ở Mỹ và một số quốc gia, các startup không dựa vào nguồn lựctừ Chính phủ trong vài trò nhà đầu tư.
“Tôi cho rằng Chính phủ có vai trò quan trọng với cộng đồng khởi nghiệp nếu ban hành nhữngquy định thông minh, khuyến khích sự cạnh tranh, đổi mới sáng tạo, tạo nền tảng công bằng và tinh thần kinh doanh bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp. Chính phủ không nhất thiết phải đầu tư vốn cho startup vì rủi ro cao; việc tài trợ cho cộng đồng startup nên là vai trò của các nhà đầu tư”, ông Thuận Phạm nhận định.
Theo ông Thuận, việc Chính phủ tạo nền tảng để đảm bảo sự công bằng, tạo ra tinh thần kinh doanh bình đẳng cho tất cả doanh nghiệp, bao gồm cả những doanh nghiệp khởi nghiệp chính là cơ sở giúp cộng đồng khởi nghiệp cạnh tranh dựa trên ý tưởng, chất lượng hàng hóa, dịch vụ màhọ đem lại.
Trước nhận định cộng đồng khởi nghiệp đang đối mặt với khá nhiều rủi ro về mặt chính sách từ phía Chính phủ khi chính sách của Việt Nam luôn đi sau các xu hướng phát triển trên thế giới, vị chuyên gia cho rằng trong giai đoạn đầu của khởi nghiệp, các startup cần tập trung chú trọng tìm ra vấn đề mình muốn giải quyết và sản phẩm dịch vụ sẽ cung cấp; đừng trông chờ vào tài trợ của Chính phủ hay một bên nào khác.
Bởi theo ông Thuận Phạm, tiền không thiếu và cũng có rất nhiều nhà đầu tư sẵn sàng bỏ tiền cho các startup, cái thiếu chính là những ý tưởng tốt, thực sự khả thi để cho ra những sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường. Khi ý tưởng tốt đã được chứng minh, được thị trường chấp nhận thì không thiếu các nhà đầu tư sẵn sàng bỏ vốn đầu tư. Quan trọng, các startup buộc phải vượt qua trở ngại đầu tiên liên quan tới những quan niệm của bản thân, gạt bỏ những giới hạn và hãy vượt ra khỏi khuôn khổ của chính mình.
Ông Thuận Phạm trao đổi cùng các chuyên gia trong buổi làm việc tại Hà Nội - Ảnh: BTC
Nằm trong chuỗi sự kiện của Uber EXCHANGE, ông Thuận Phạm cùng các chuyên gia đã tư vấn trực tiếp 1:1 với các đơn vị khởi nghiệp. Trong ngày làm việc ở Hà Nội, ông Thuận Phạm đã gặp gỡ 2 đơn vị có ý tưởng sáng tạo và tiềm năng phát triển tốt được chọn từ cộng đồng khởi nghiệp, bao gồm:
Vexere: Hệ thống đặt vé xe trực tuyến đầu tiên ở Việt Nam, ra mắt vào năm 2013 và hiện tại vẫn là hệ thống đặt vé xe lớn nhất cả nước với hơn 2.000.000 hành khách truy cập hàng tháng. Hệ thống Vexere cung cấp chi tiết về lịch trình, thông tin xe để hành khách so sánh, lựa chọn chuyến đi, vị trí chỗ ngồi, nhận thông báo qua tin nhắn, email và thực hiện thanh toán tại phòng vé theo nhiều cách khác nhau.
Beeketing: Với kinh nghiệm 6 năm làm việc trong ngành công nghiệp thanh toán trực tuyến, thực hiện hỗ trợ hơn 150.000 cửa hàng trực tuyến giúp cung cấp các công cụ, các ứng dụng hỗ trợ việc phát triển doanh số bán hàng cho các cửa hàng trực tuyến của khách hàng.
Thu Anh