Đừng để công lý đến quá muộn
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 12:44, 27/07/2017
Báo Thanh Niên điện tử ngày 24.7 có bài “Không gây thiệt hại, nhưng vẫn bị siết nhà đem bán đấu giá” phản ánh trường hợp bà Trần Thị Kim Phượng (ngụ quận 10, TP.HCM là bị đơn trong một vụ án dân sự) bị Chi cục THADS Quận Gò Vấp kê biên, bán đấu giá căn nhà A15 đường Quang Trung để thi hành bản án phúc thẩm của TAND TP.HCM.
Mặc dù sau đó, bản án này đã bị hủy bỏ theo quyết định giám đốc thẩm của TAND Tối cao, và khi cấp sơ thẩm thụ lý lại vụ án, phía nguyên đơn đã rút yêu cầu khởi kiện, nhưng tài sản là căn nhà trên của bà Phượng đã không còn nữa.
Trước đó không lâu, Báo Pháp luật TP.HCM ngày 26.6 cũng có bài phản ánh trường hợp của bà Nguyễn Thị Bình (ngụ huyện Đức Hòa, Long An). Sau nhiều năm kiện tụng, cuối cùng cũng được TAND tỉnh Long An tuyên thắng kiện trong một vụ án tranh chấp đất đai. Tuy nhiên, khi được xử thắng kiện thì căn nhà của gia đình bà đã không còn nữa, vì cơ quan thi hành án đã tháo dỡ để thi hành bản án phúc thẩm trước đó.
Từ hai vụ án nêu trên (và nhiều trường hợp tương tự khác) cho thấy, tính kịp thời trong việc thực thi công lý của Tòa án là hết sức quan trọng.
Quan niệm “Công lý đến muộn còn hơn không” ở một mức độ nào đó, phản ánh sự nỗ lực của các cơ quan tư pháp trong việc hạn chế oan sai, nhưng nó cũng thể hiện sự gian nan, vất vả của người dân trong hành trình đi tìm công lý và lẽ phải. Và đó, không phải là cái đích cho một nền tư pháp văn minh, hiện đại hướng tới.
Thông thường, sứ mệnh của các tòa án được nhìn nhận từ góc độ chất lượng xét xử. Theo đó, người ta cho rằng, điểm mấu chốt trong hệ thống tư pháp là sự hiện diện của một đội ngũ thấm phán vô tư và giỏi về luật để giải quyết các tranh chấp tại tòa án một cách độc lập, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của các bên đương sự cũng như không để xảy ra các trường hợp oan sai.
Tuy nhiên, với một nền tư pháp ưu việt, các yêu cầu và đòi hỏi như trên là chưa đủ, mà những khía cạnh khác cũng cần phải được tính đến trong việc thực thi công lý. Đó là, các tòa án phải ra quyết định một cách không chậm trễ, thủ tục tố tụng không gây phiền hà, tốn kém cho công dân. Đồng thời, chất lượng và tính chặt chẽ, mạch lạc của các bản án, quyết định của tòa án phải bảo đảm sự rõ ràng về mặt pháp lý.
Thực tiễn tố tụng ở ta cho thấy, hành trình tố tụng trong các vụ án dân sự là một hành trình lê thê. Có vụ án kéo dài hàng chục năm, trong khi đương sự là những người đã quá lớn tuổi, già yếu, nên không theo đuổi được vụ kiện đến cùng. Và cứ mỗi lần có đương sự chết, vụ án lại càng trở nên phức tạp, thậm chí bế tắc.
Cũng có trường hợp, khi vụ án có quyết định giám đốc thẩm thì tài sản của người phải thi hành án đã được cơ quan thi hành án phát mãi giao cho bên được thi hành án hoặc tài sản là nhà ở, công trình xây dựng trên đất bị tháo dỡ để bàn giao quyền sử dụng đất cho bên được thi hành án (như hai trường hợp nêu trên chẳng hạn).
Trong khi đó, quá trình tố tụng lại vụ án với kết quả sau cùng là người phải thi hành án thắng kiện. Thế nhưng tài sản, nhà cửa đất đai của họ đã không còn nữa, quyền và lợi ích hợp pháp của họ đã không được pháp luật bảo vệ một cách kịp thời…
Mặc dù Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) 2015 có bổ sung một số quy định về việc giải quyết hậu quả của việc thi hành án. Theo đó, đối với trường hợp bản án, quyết định có hiệu lực của tòa án đã thi hành được một phần hoặc toàn bộ, nếu bị hủy, sửa theo thủ tục giám đốc thẩm thì Hội đồng xét xử giám đốc thẩm phải giải quyết hậu quả của việc thi hành án đó. (điều 346 và khoản 2 điều 347 BLTTDS)
Nếu vụ án được xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm sau khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm mà tòa án quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án thì tòa án đồng thời phải giải quyết hậu quả của việc thi hành án… (khoản 4 điều 217 BLTTDS).
Tuy nhiên, cách thức để giải quyết hậu quả của việc thi hành án đó như thế nào thì hiện nay vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào hướng dẫn. Mà nếu có hướng dẫn thì đây cũng là một vấn đề hết sức phức tạp, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức.
Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho các bên đương sự, thiết nghĩ, tòa án các cấp cần rút ngắn thời gian giải quyết vụ án. Đặc biệt là các tòa án có thẩm quyền giám đốc thẩm, cần nhanh chóng thực hiện thủ tục kháng nghị đối với những vụ án mà người có thẩm quyền xét thấy có căn cứ giám đốc thẩm.
Riêng đối với những vụ việc xảy ra trước thời điểm BLTTDS 2015 có hiệu lực, thì các cơ quan hữu quan cần sớm đưa ra đường hướng giải quyết để đảm bảo quyền lợi của những người phải thi hành án “oan”.
Đừng để câu thành ngữ phương Tây “Công lý bị trì hoãn là công lý bị từ chối” hay “ Chậm có công lý là không có công lý” trở thành một hiện tượng phổ biến trong nền tư pháp của chúng ta.
Luật sư HỒ NGỌC DIỆP, Đoàn luật sư TP.HCM