Dù Trung Quốc đột phá, Mỹ vẫn có quân bài khống chế cục diện
Quốc tế - Ngày đăng : 07:05, 29/07/2017
Cuộc họp diễn ra trong tuần này của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đang là một dẫn chứng điển hình cho tầm ảnh hưởng thực sự của FED đối với khu vực Châu Á, lần đầu tiên trong vòng 15 năm qua. Trong khoảng thời gian ấy, nền kinh tế Trung Quốc đã phát triển từ một mức ngang ngửa với quy mô của Italia để vượt qua lần lượt cả Đức lẫn Nhật Bản để trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới.
Và với quy mô ở thời điểm hiện tại, những biến động có thể diễnra trong nền kinh tế -tài chính của Trung Quốc sẽ có một tác động lớn với không chỉ Mỹ mà với các nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới, buộc FED phải lên những kịch bản ứng phó khi cần thiết. Tuy nhiên, điều này về một khía cạnh nhất định lại đang thừa nhận một thực tế rằng: tại nền kinh tế Châu Á, FED chứ không phải Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) mới là người cầm trịch.
Mỹ hiện vẫn đang là nền kinh tế lớn nhất thế giới, cộng với quy mô và tầm ảnh hưởng của thị trường vốn (với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn bất cứ nền kinh tế nào trên thế giới) vượt trội hơn bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới. Hầu hết các nền kinh tế trên khắp thế giới nói chung, và các nền kinh tế Châu Á nói riêng đều đang chịu ảnh hưởng lớn và có tính tức thời một cách đáng kể đối với những thay đổi trong chính sách tiền tệ của Mỹ hơn bất cứ nền kinh tế lớn nào khác như Nhật Bản hay Trung Quốc.
Hầu hết các đồng tiền chủ chốt tại Châu Á vẫn đang được xác định tỷ giá dựa trên đồng USD với những mức độ neo giá khác nhau, chưa kể phần lớn dự trữ ngoại tệ của các nước trong khu vực vẫn bằng đồng bạc xanh của Mỹ, ngoài ra khá nhiều ngân hàng trung ương can thiệp định kỳ để quản lý tỷ giá hối đoái bằng đồng USD. Rộng hơn, thì hiện tại gần 90% giao dịch tiền tệ trong thương mại toàn cầu là bằng đồng USD.
Cũng vì điều này, nên mỗi lần FED điều chỉnh lãi suất đồng USD là mỗi lần các nền kinh tế Châu Á đều ngay lập tức phải có những động thái cần thiết để thích nghi, kể cả Trung Quốc. Ở thời điểm hiện tại, thị trường trái phiếu của Trung Quốc đang xếp thứ ba thế giới về quy mô và vẫn đang tăng trưởng với tốc độ rất nhanh. Michael Spencer, chuyên gia kinh tế Châu Á tại Deutsche Bank AG, cho rằng một trong những hiểu lầm phổ biến nhất trên thế giới là việc cho rằng thị trường vốn của Trung Quốc vẫn đang khép cửa và ít có liên quan đến các thị trường nước ngoài.
Thực tế là ngược lại, ảnh hưởng của Trung Quốc đối với dòng vốn và tăng trưởng nói chung đang ngày càng tăng ở khu vực và trên thế giới. Nhiều nhà quan sát và phân tích cũng đang đánh giá sai về lập trường chính sách của PBOC. Spencer cho rằng: “Các nhà đầu tư dường như không mấy quan tâm đến PBOC vì họ cho rằng cơ quan này có sự thiên vị lớn đối với việc nới lỏng và ít có khả năng thắt chặt chính sách. Tuy nhiên, vấn đề tiền tệ đang ngày càng trở nên trầm trọng hơn ở Trung Quốc với việc lạm phát cơ bản vẫn tiếp tục tăng trong suốt những năm qua, và đạt mức khá cao là 2,2% trong 5 năm trở lại đây. Viễn cảnh về sự xiết chặt thanh khoản và dòng vốn chảy vào và ra khỏi Trung Quốc đang không còn dễ dàng nữa''.
Bất kể những vấn đề trên, sự dịch chuyển về kinh tế-thương mại của các quốc gia Châu Á hướng về phía Trung Quốc có vẻ như đang là một xu hướng không thể ngăn cản ở thời điểm hiện tại. Ngoài Ngân hàng Cơ sở Hạ tầng và Đầu tư Châu Á (AIIB), thì các sáng kiến kinh tế như “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc cũng đang nhận được sự hưởng ứng từ các nước trong khu vực, kể cả các đồng minh của Mỹ. Có rất ít nhà kinh tế nghi ngờ việc Trung Quốc sẽ sớm vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, ít nhất là về quy mô GDP.
Tuy nhiên, xét về phương diện tiền tệ, FED sẽ vẫn là kẻ thống trị thực sự tại khu vực Châu Á cho dù kinh tế Trung Quốc có ra sao đi nữa trong tương lai gần. Khả năng quốc tế hóa đồng nhân dân tệ ở mức mà Bắc Kinh mong muốn vẫn còn rất xa vời, và đồng USD vẫn sẽ giữ vai trò chủ đạo tại các nền kinh tế Châu Á bao gồm cả Trung Quốc trong vòng ít nhất là 15 năm tới.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg)