Đàm phán tiền lương: Công đoàn hạ mức đề xuất tăng lương tối thiểu xuống 8%

Sự kiện - Ngày đăng : 16:02, 28/07/2017

Trong Phiên họp thứ 2 Hội đồng tiền lương quốc gia về lương tối thiểu vùng năm 2018 diễn ra sáng 28.7, các bên tham gia đều đưa ra mức đề xuất mới sau 4 giờ thương lượng căng thẳng. Đại diện Tổng liên đoàn lao động Việt Nam (LĐLĐVN) đã hạ mức đề xuất tăng lương tối thiểu từ 13,3% xuống 8%.

Trước phiên họp, LĐLĐVN đã đề xuất tăng giao động từ 370.000 - 450.000 đồng, tương đương mức tăng 13,3% so với năm 2017. Đầu buổi họp, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN vẫn kiên quyết “nếu không tăng lương tối thiểu năm 2018 với mức 13,3% sẽ đề xuất dừng phiên họp”, nhưng rồi lại bất ngờ đưa ra phương án 2 khi hạ mức đề xuất tăng lương tối thiểu xuống 10%.

Báo Thanh Niên dẫn lời ông Mai Đức Chính: “Mức đề xuất 13,3% mà chúng tôi đưa ra là kỳ vọng để chấm dứt lộ trình tiền lương tối thiểu phải chạy đuổi theo mức sống tối thiểu. Tuy nhiên, có lẽ chúng ta phải xem xét đến các yếu tố khác để đảm bảo lợi ích hài hòa giữa người lao động và doanh nghiệp, trong đó có tính đến khả năng chi trả của doanh nghiệp. Khi đưa xuống mức 10%, chúng tôi đã cân nhắc để đảm bảo hài hòa khả năng chi trả của doanh nghiệp, cũng như đảm bảo lợi ích của người lao động được cải thiện”.

Trong khi đó, phía đại diện doanh nghiệp lại đề xuất không tăng hoặc tăng ở mức dưới 5%: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ đề xuất tăng 1 - 2%; đại diện Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đề xuất 5%, đại diện Hiệp hội dệt may đề xuất không tăng...

Tuy nhiên, sau khi các bên trình bày quan điểm, cả phía người lao động và chủ sử dụng lao động đều chấp nhận nhượng bộ.

Theo đó, LĐLĐVN chấp nhận giảm mức tăng lương tối thiểu từ 13,3% theo đề xuất ban đầu xuống còn 8%. Ông Mai Đức Chính lý giải rằng tình hình kinh tế xã hội 2017 tươi sáng hơn 2016 nên không thể tăng thấp hơn mức 7,3% của năm ngoái.

Trong khi đó, theo Tiền Phong, VCCI cũng đồng ý tăng lương tối thiểu từ 1 - 2% lên 5%. Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu năm 2018 là cần thiết, nhưng các bên cũng cần chia sẻ với doanh nghiệp bởi nhiều khó khăn hiện tại. Đặc biệt là những doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, giày da, thủy sản, điện tử…

“Cần thiết điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng. Nhưng nếu tăng cao, nguy cơ doanh nghiệp phải điều chỉnh cơ cấu, cắt giảm lực lượng lao động, tăng số lượng thất nghiệp...”, ông Hoàng Quang Phòng nói.

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, sau khi kết thúc phiên 2 của Hội đồng tiền lương quốc gia, các bên đã quyết định thay đổi mức đề xuất so với ban đầu. “Mức đề xuất mới đưa ra đã kéo giảm khoảng cách chênh lệch giữa đại diện chủ sử dụng lao động và đại diện người lao động. Tuy nhiên giảm bao nhiêu theo quy định không được công bố”, ông Diệp cho biết.

Mặc dù cả 2 bên đã nâng lên, hạ xuống nhưng do khoảng cách giữa vẫn ở mức 3% nên Hội đồng tiền lương đã quyết định dừng để các bên củng cố thêm cứ liệu, bảo vệ luận điểm của mình. Dự kiến ngày 7.8, Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ họp phiên thứ 3 để quyết định mức lương tối thiểu.

4 phương án mới của Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương Quốc gia

Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương Quốc gia đề xuất 4 phương án mới để các bên tham khảo. Theo đó, mức điều chỉnh năm 2018 thấp nhất là 5% và cao nhất là 8% theo các phương án sau:

Phương án 1, tăng mức lương tối thiểu từ 130.000 – 180.000 đồng, tương đương 4,8 - 5,2% (bình quân 5%).

Phương án 2, tăng mức lương tối thiểu tăng từ 160.000 – 220.000 đồng, tương đương 5,9 - 6,2% (bình quân 6%).

Phương án 3, tăng mức lương tối thiểu tăng từ 180.000 – 250.000 đồng, tương đương 6,6 - 7,0% (bình quân 6,8%, bằng mức điều chỉnh phương án 1 và cải thiện thêm 1,8% theo mức đóng góp tối đa của lao động vào GDP).

Phương án 4, tăng mức lương tối thiểu tăng từ 220.000 – 280.000 đồng, tương đương 7,5 - 8,5% (bình quân 8,0%).

T.H - Q.N

Tố loan