Càng nhiều scandal, càng bị ghét sẽ khiến nghệ sĩ càng nổi tiếng và giàu có
Văn hóa - Ngày đăng : 09:36, 31/07/2017
Truyền thông toàn cầu ngày nay đang bộc lộ không ít mảng tối giả tạo, gai góc. Giá trị nghệ thuậtvì thế đứng trước nguy cơ bị đảo lộn. Khả năng gây chú ý theo hướng tiêu cực, lại chính là “tiêu điểm” hút khách nơi một bộ phim sắp công chiếu. Điều tương tự dễ dàng xảy ra với các dự án truyền hình, MV ca nhạc, chương trình giải trí nói chung. Cảm thấy kích thích trước lời phê bình từ số đông công luận, đủ làm nhiều người muốn xem tường tận thứ chịu “mổ xẻ” kia.
Vậy hành vi này biểu trưng cho hội chứng “hùa theo”? Câu trả lời là: đúng, nhưng chưa đủ. Chúng có thể bắt đầu dưới vô số hình thái. Câu chuyện “càng ghét-càng xem” còn xoay quanh hàng loạt nhân vật trong giới giải trí.
Công chúng biết đến Taylor Swift như một “thỏi nam chân” scandal tại Hollywood. Nữ ca sĩ 27 tuổi thậm chí từng được cánh anti-fan tặng cho danh hiệu “ngôi sao bị ghét nhất nước Mỹ.” Khoan bàn cãi về những tin đồn thật giả lẫn lộn liên quan đến cô, Taylor đã tạo nên nét lôi cuốn riêng ngay cả khi bị ghét bởi nhiều người. Các album nhạc cô cho ra đời đều bán chạy, bất kể vì mục đích thưởng thức, khen ngợi hay soi mói, chê bai nội dung. Hoạt động quảng cáo, tour ca nhạc có sự xuất hiện của Taylor, cũng không ngoại lệ.
Sức hút từ “kẻ bị ghét” ở đây tuy chua chát nhưng đem lại hiệu ứng chẳng kém điều fan hâm mộ của họ tạo ra. Britney Spears liên tục chịu mỉa mai như một ca sĩ không biết hát, nhưng đến nay vẫn là ngôi sao danh tiếng và đắt show tại Hoa Kỳ. Tài tử James Franco luôn có dự án điện ảnh ra rạp đều đặn, mặc cho loạt phê bình không mấy tích cực về chất lượng nội dung của chúng. Tiểu thuyết 50 sắc thái bị ví như “dâm thư,” vẫn bán đắt kỉ lục khi lần đầu xuất bản. Tương tự, thương hiệu phim chuyển thể dẫu chịu chỉ trích nặng nề từ cánh phê bình, vẫn giúp nhà phát hành Universal rinh về nửa tỉ đô lợi nhuận.
Giữa thời đại khi thông tin đã tràn lan - quá dễ tiếp cận, phim ảnh cho đến nhân vật của công chúng thường xuyên trở thành tâm điểm bình phẩm, dẫu thông qua hình thức tiêu cực. Thế nhưng khác với thỏa mãn trí tò mò giây lát, đắm chìm trong thói quen “xem để ghét” hoặc “xem vì ghét” có thể hủy hoại ý nghĩa tốt đẹp của việc thưởng thức nghệ thuật.
Những ca khúc lan truyền nhanh chóng trên internet đơn thuần do có ca từ chói tai, sáo rỗng. Những ngôi sao tài năng đi liền tiếng xấu, được “săn đón” chỉ bởi lượng anti-fan khổng lồ họ sở hữu. Hoặc vài trường hợp đặc biệt như 50 sắc thái. Bộ phim lẫn sách đều bị chê bai là “dở tệ.” Tuy nhiên cộng đồng người xem căm ghét - mỉa mai quá lớn, vô tình giúp danh tiếng tác phẩm được công nhận rộng rãi hơn.
Dẫn lời phóng viên trang tin BBC, thực trạng “càng ghét-càng xem” hệt như “trò tiêu khiển không lối thoát.” Rằng khán giả hiện nay tìm thấy nỗi khoái cảm riêng, cả khi họ xem chỉ để săm soi và cảm thấy chán ghét thêm thứ gì, hay ai đó, trên màn hình tivi.
Joli Jensen, một học giả và nhà nghiên cứu văn hóa người Mỹ, chia sẻ thêm về vấn đề gây tranh cãi này. Bà nói: “Văn hóa truyền thông hiện nay chứa đầy sự mỉa mai, hoài nghi và thô thiển. Các mạng xã hội cho chúng ta khả năng sáng tạo nhưng cũng khiến mọi người trở nên gắt gỏng chỉ vì ai đó không làm tốt điều chúng ta nghĩ họ nên làm tốt. Mỗi người đều cảm thấy mình có quyền phán xét và phê bình.”
Như Ý (Theo BBC)