Dừng dự án mỏ sắt Thạch Khê, 1.600 tỉ đồng của TIC khó lấy lại
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 11:22, 31/07/2017
Nhiều hệ lụy về môi trường, dân sinh
Theo Bộ KH-ĐT, năng lực tài chính của Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê không đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư Tổ hợp dự án theo tiến độ, cho dù tổng mức đầu tư của dự án trong 3 năm có tới 2 lần điều chỉnh giảm.
Tháng 12.2014, dự án điều chỉnh phê duyệt có tổng mức đầu tư là hơn 14.500 tỉ đồng. Đến tháng 4.2016 giảm còn hơn 13.000 tỉ đồng, trong đó giai đoạn 1 là hơn 6.600 tỉ đồng.
Đến tháng 3.2017, theo đề nghị của Bộ KH-ĐT, Công ty Sắt Thạch Khê đã tính toán lại hiệu quả kinh tế dự án và tổng mức đầu tư dự án giảm còn hơn gần 12.200 tỉ đồng.
Tuy nhiên, sau 2 lần điều chỉnh (giảm 2.300 tỉ đồng), dự án vẫn chưa tính hết chi phí liên quan vào tổng mức đầu tư của dự án.
Bên cạnh đó, dự án điều chỉnh phê duyệt năm 2014 chưa tính đủ chi phí vào tổng mức đầu tư và chưa dự báo giá quặng sắt trong dài hạn nên không đủ cơ sở tính toán hiệu quả dự án.
Trong đó, việc tiêu thụ quặng sắt tại mỏ sắt Thạch Khê mới có Hòa Phát ký thỏa thuận nguyên tắc mua bán quặng sắt Thạch Khê với khối lượng 2017-2021 là 3 triệu tấn/năm, giai đoạn 2022-2027 chưa có cam kết cụ thể.
Trong khi đó, Formosavớitổng nhu cầu quặng sắt từ 7-14 triệu tấn/năm vẫn chưa có ý định mua quặng sắt mỏ Thạch Khê, cho nên phương án tiêu thụ quặng sắt Thạch Khê trong dài hạn là “chưa chắc chắn”.
Bộ KH-ĐT cũng cho biết còn một số quan ngại về vấn đề môi trường của dự án, đồng thời dự án cũng không được sự đồng thuận của địa phương do còn nhiều băn khoăn về tính khả thi, hiệu quả kinh tế - xã hội, đầu tư cảng biển vận chuyển quặng sắt, phương án bảo vệ người dân....
Bộ KH-ĐT nhìn nhận, nếu dự án tiếp tục tạm dừng, khoản đầu tư gần 1.600 tỉ đồng mà chủ đầu tư TIC đã bỏ ra sẽ chậm cơ hội hoàn vốn, đồng thời lãng phí cơ sở vật chất, thiết bị đã đầu tư.
Ngoài ra, các hộ dân đã được di chuyển đến khu tái định cư và các hộ dân chưa được giải quyết tái định cư đều bị ảnh hưởng, nguy cơ trở thành điểm nóng về an ninh trật tự, mất niềm tin người dân nếu như địa phương không sớm công bố rõ về quan điểm và hướng triển khai dự án.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Tĩnh, số hộ dânbị ảnh hưởng là gần 3.000 hộ, không được cấp đất mới, không được tách hộ, 3-4 thế hệ cùng ở trong một nhà.
Vì thế, để xử lýcác hệ lụy nêu trên, Bộ KH-ĐT đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Tổ công tác liên ngành do Bộ KH-ĐT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, tỉnh Hà Tĩnh, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, Công ty Sắt Thạch Khê để đánh giá tổng thể và đề xuất phương án xử lý tồn tại về tài chính, đất đai, hoàn thổ, công trình đầu tư dở dang của Đề án 946.
Quá nhiềulo lắng!
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, GS-TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi cho biết, nơi khai thác quặng là vùng đồi cát, giao nhau giữa bờ biển với dãy núi cao đang bò dần về hướng biển. Trong khu vực đãtừng xảy ra động đất (6,1 độ richter), dấu vết của sóng thần (những cồn cát tự nhiên còn lại từ xa xưa). Khu vực này dễ tổn thương bởi tác động của biển như hải lưu, sóng, nước dâng do sóng, là vùng hứng chịu bão, áp thấp nhiệt đới thường xuyên.
Ông Hồng cũng băn khoăn rằng liệu có sự thông nhau về thủylực dưới đáy mỏ và biển hiện nay không, vìkhi có sóng thần tiến gần ven biển, đáy mỏ sẽ biến thành vòi phun nước khổng lồ. Cùng với đó là xem xét có đứt gãy nào đang hoạt động không? Vì khi hình thành hồ chứasẽ có động đất kích thích, sạt lở bờ hồ.
Theo vị này, đặc điểm địa chất, thủy văn của vùng này cũng có nhiều bất lợi cho việc thi công. Đó là tiêu nước hố móng thi công khi mái là cát xen kẹp sét dễ gây sạt trượt vì yêu cầu thoát nước của 2 lớp này khác nhau: cát cần thoát nước nhanh để tăng hệ số ma sát, ngược lại sét lại yêu cầu thoát nước chậm để tránh gây ra áp lực kẽ rỗng. Mạch nước ngầm thông với nước mặn, nước thải từ mỏ có nồng độ kim loại cao sẽ gây ô nhiễm nguồn nước sạch trong vùng.
Bên cạnh đó, công trình chứa đất đá thải được đổ lên bờ biển, sẽ phải hứng chịu những tác động từ phía biển: sóng do gió, dòng hải lưu và nước dâng do sóng. Dòng hải lưu sẽ đưa những chất thải bị sóng lôi đi, ảnh hưởng tới hàng trăm km bờ biển. Sự ô nhiễm bởi nồng độ kim loại sẽ xử lý như thế nào?
“Dòng thuỷ triều vào các lạch xung quanh thay đổi và mất dần. Môi trường sống cho các loài thuỷ sinh và con người bị thay đổi. Sự phát triển tự nhiên của bờ biểnvà dòng thuỷ triều bị can thiệp, điều kiện tự nhiên của cả vùng biến đổi”, ông Hồng nhấn mạnh.
Ông Hồng cho rằng “Di sản” của dự án để lại là một hồ chứa nước khổng lồ với chất lượng nước nhiều độc hại (nước mặn, nước có độ pH thấp, nước có nồng độ kim loại cao, dầu mỡ thi công, chất độc hại từ thuốc nổ…) tạo ra một hồ “chết”. Đây là hậu quả khôn lường cho nguồn nước sinh hoạt của con người, cho vật nuôi, cho cây trồng trong một vùng dân cư rộng lớn. Dung tích hồ chứa gần 3 triệu m3, với chiều sâu trên 500m. Nếu bị động đất, bờ hồ đổ sậpsẽ gây sóng lớn, quét cả một vùng dân cư.
“Sau khi xem xét báo cáo thẩm định thì tôi thấy tiêu chí khả thi chưa đạt”, ông Hồng chia sẻ.
Tại hội thảo do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức sáng 25.7 vừa qua, GS-TSKH Đặng Trung Thuận - Chủ tịch Hội Địa hóa Việt Nam cũng bày tỏ lo ngại về dự án này. Tuy nhiên, ông cũng đưa ra 3 phương án cho mỏ sắt Thạch Khê.
"Một là nối lại hoạt động khai thác, chấp nhận các rủi ro. Hai là chấm dứt khai thác, chịu mất phần vốn đầu tư đã bỏ ra. Ba là tạm dừng hoạt động của dự án", ông Thuận nói.
Theo ông, phương án thứ ba - dừng dự án cho đến khi có cách xử lý tốt nhất các vấn đề môi trường (tự nhiên và xã hội), khắc phục các khó khăn về kỹ thuật và công nghệ - là lựa chọn tốt nhất hiện nay. Cách này tuy không tránh khỏi thiệt hại về kinh tế nhưng nhìn chung cả 52 năm thực hiện dự án, doanh nghiệp và xã hội sẽ giảm được rủi ro, tổn thất. Dự án chỉ đem lại lợi ích thực sự khi hội tụ đủ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.
Liên quan đến dự án này, trong cuộc làm việc với Bộ KH-ĐT, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cũng đề nghị Trung ương xem xét dừng dự án mỏ sắt Thạch Khê, khi nào có đủ điều kiện mới thực hiện, mặc dù dự án này bước đầu có thể tăng thu ngân sách, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống cho người dân. Lý do dừng dự án là lo ngại vấn đề ô nhiễm môi trường, sa mạc hóa, bão cát, sụt giảm nguồn nước ngầm… có thể gây ra những hậu quả khó lường; dải du lịch ven biển Hà Tĩnh sẽ ảnh hưởng nặng.
Bên cạnh đó, Hà Tĩnh cũng lo về năng lực tài chính của nhà đầu tư. Thực tế, đã gần 10 năm trôi qua, dù đã nhiều lần cải tổ cổ đông, nhưng đến nay Công ty TIC vẫn chưa lo đủ dù chỉ là phần vốn đối ứng như cam kết.
Hoài Phong