Không thể đảo ngược xu hướng sử dụng trí tuệ nhân tạo
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 14:38, 31/07/2017
Xu hướng gây hại cho tương lai?
Trong những năm gần đây, mọi người nói rất nhiều về những câu chuyện xoay quanh công nghiệp 4.0 với các thành tựu của trí tuệ nhân tạo với học máy tự động và thông minh như ô tô tự lái, in 3D, IoT, công nghệ sinh học và công nghệ nano…
Tại sự kiện Innovatube Frontier Summit (IFS) là sự kiện đầu tiên tại Việt Nam tập trung vào cả 4 mảng tiêu biểu của công nghệ tiên phong vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Bùi Thành Đô – Giám đốc phát triển sản phẩm tại CO-WELL Asia nhận định: “Sử dụng công nghệ tiên phongtrong thời đại công nghệ số sẽ trở thành xu hướng trong tương lai và Google, Facebook, Microsoft… đang là những tấm gương tiên phong”.
Theo ông Danny Goh - đồng sáng lập vườn ươm Innovatub, mới tuần trước, Elon Musk (CEO SpaceX và Tesla Motors)đã “đối đầu” với rất nhiều doanh nhân khi cho rằng trí tuệ nhân tạo (AI) thực sự có thể gây ra nguy hại cho loài người.
Tuy nhiên, nhìn sự việc từ quan điểm công nghệ, xu hướng sử dụng AI là không thể đảo ngược. Loài người cần phải nâng cao chất lượng cuộc sống của mình và AI là cách duy nhất có thể giúp họ làm việc này.
Trước những lo ngại về việc AI có thể gây ra mối đe dọa của con người, ông Danny Goh chia sẻ: “Cách duy nhất để tránh thảm họa do AI gây ra là kiểm soát hành vi của con người bằng việc đưa ra các luật lệ, quy định và các nhà khoa học không được phép vượt ra ngoài khuôn khổ này. Nhưng hiện chúng ta đang tiếp xúc nhiều với AI “yếu”, còn AI “thực sự” thì chưa thực sự trở thành mối đe dọa với con người”.
Sự kiện IFStập trung vào cả 4 mảng tiêu biểu của công nghệ tiên phong:AI, IoT, Blockchain, VR/AR
Nhiều kỹ sư Việt còn xa rời thực tế
Ông Bách Nghiêm – Giám đốc khu vực của Cinnamon AI Labs nhận định về nguồn nhân lực công nghệ 4.0 hiện nay tại Việt Nam: “Thị trường 4.0 ở Việt Nam còn rất nhỏ so với thế giới. Với chất xám của kỹ sư Việt, nếu kết nối được thị trường quốc tế và chọn lựa được lộ trình phát triển công nghệ phù hợp, các công ty khởi nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam hoàn toàn có cơ hội tạo nên cơn sốt”.
Tuy nhiên, ông Bách Nghiêm cũng chỉ ra rằng suy nghĩ của nhiều kỹ sư, nghiên cứu viên tại Việt Nam còn xa rời thực tế bởi để làm ra sản phẩm, giải quyết vấn đề thực tế của người dùng thì còn cần nhiều định hướng, đào tạo và kinh nghiệm tiếp xúc với dữ liệu thô của doanh nghiệp -“Khó khăn lớn nhất của các công ty công nghệ cao luôn là con người bởi xây dựng một công ty công nghệ cao cần nhiều kỹ sư giỏi, mô hình kinh doanh đủ thông minh và lộ trình phát triển sản phẩm rõ ràng”.
Trước câu hỏi giới trẻ Việt Nam nên làm thế nào để đón làn sóng AI, anh Lê Công Thành - Giám đốc Topica AI Lab nhận định: “Qua thời gian dài làm việc với các bạn sinh viên, tôi thấy rằng nền tảng Toán học của các bạn trẻ rất tốt và hoàn toàn có thể làm việc, nghiên cứu về AI không kém gì các bạn trẻ ở nước ngoài bởi chúng ta có những nguồn tài nguyên online, những khóa học online hướng dẫn về AI…”.
Tuy nhiên, trên cương vị Giám đốc Topica AI Lab, anh Thành cũng chỉ ra những điểm yếu của giới trẻ Việt Nam như thiếu định hướng khi không biết dùng nó để làm gì, phục vụ vào mục đích nào cũng nhưchúng ta đang thiếu tài nguyên tính toán. Để làm được những mô hình chạy trên mạng nơron,Việt Nam cần hệ thống tính toán ngang cỡ với những siêu máy tính nhưngở Việt Nam gần như là không có.
Thu Anh