Phó Thủ tướng: Tàu cá chất lượng hay không là do người đóng
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 18:28, 01/08/2017
Tại hội nghị tổng kết thực hiện Nghị định 67/2014 của Chính phủ tổ chức sáng 1.8, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Bộ NN-PTNT cho biết, theo báo cáo của các địa phương, 27/28 tỉnh ven biển đã phê duyệt danh sách các chủ tàu đủ điều kiện vay vốn đóng mới, nâng cấp cho 1.948/2.284 tàu.
Cho đến ngày 31.7, các địa phương đã có 671 tàu cá đóng mới đi vào hoạt động. Trong đó có 31 tàu vỏ thép, 53 tàu composite, 407 tàu vỏ gỗ đóng mới và 105 tàu cá nâng cấp đi vào sản xuất.
Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng tín dụng để đóng mới, nâng cấp 993 tàu (593 tàu vỏ gỗ, 333 tàu vỏ thép và 67 tàu vỏ vật liệu mới), chiếm 92% tổng số hồ sơ đề nghị vay vốn của chủ tàu.
Tổng số tiền cam kết cho vay là 9.814 tỉ đồng; giải ngân cho vay theo tiến độ đóng mới, nâng cấp tàu đạt 8.928 tỉ đồng, dư nợ đạt 8.762 tỉ đồng, tăng 14% so với 31.12.2016.
Với nguồn vốn này, tính đến 31.7.2017 đã có 761 tàu cá đóng mới đi vào hoạt động, trong đó có 301 tàu vỏ thép, 53 tàu composite, 407 tàu vỏ gỗ đóng mới và 105 tàu cá nâng cấp đi vào hoạt động sản xuất.
Theo ông Tám, Nghị định 67 có nhiều đột phá, phù hợp với nguyện vọng của người dân. Tuy nhiên, sau 3 năm đi vào hoạt động, chính sách này có một số bất cập.
Bộ NN-PTNT thống kê có 40 tàu cá vỏ thép theo Nghị định 67 bị hư hỏng. Trong đó, tỉnh Bình Định nhiều nhất với 19 tàu, tỉnh Thanh Hóacó 18 tàu, tỉnh Phú Yên có 2 tàu, tỉnh Quảng Nam có 1 tàu. Các hư hỏng của tàu chủ yếu là gỉ sét phần vỏ tàu, mặt boong, ca bin, van ống. Một số tàu hỏng cả máy chính, máy phát điện, trang thiết bị và hầm bảo quản.
“Các tàu cá bị hỏng hiện đang được sửa chữa. Dự kiến đến cuối tháng 8 sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động trở lại. Ưu tiên lớn nhất hiện nay là giúp ngư dân sớm có phương tiện đảm bảo an toàn, chất lượng để khôi phục sản xuất, sau đó là xem xét trách nhiệm để xử lý nghiêm các cá nhân có liên quan”, ông Tám nói.
Về chính sách tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu cá, thời gian đầu, tiến độ đóng mới tàu cá còn chậm do một số ngân hàng thương mại còn yêu cầu thêm tài sản thế chấp như: sổ đỏ hoặc tài sản khác bổ sung; ngư dân còn lúng túng chọn cơ sở đóng tàu, tư vấn thiết kế và công tác giám sát thi công; công tác đăng kiểm còn thiếu về nguồn lực, yếu về trình độ.
"Một số tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định, Quảng Nam, Thanh Hóa, Ninh Thuận bị gỉ sét nặng phần vỏ, máy tàu bị hư hỏng, trang thiết bị khai thác, hàng hải như máy dò, hầm bảo quản, bóng đèn hoạt động kém... gây thiệt hại cho ngư dân và ảnh hưởng lớn đến chính sách", Thứ trưởng Tám nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội nghị,Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết tàu cá có chất lượng hay không là do người đóng tàu, chứ không thể đứng ngoài giám sát hay giao cho ngư dân đứng vào giám sát.
"Tôi chỉ biết mua tàu theo tiêu chuẩn thế nào, mua về là sử dụng phải an toàn. Chúng ta mua ô tô, xe máy có đến tận nơi giám sát không? Tôi chỉ biết mua xe, nếu xe máy đó hỏng mà lỗi do người sản xuất thì người sản xuất phải đền bù" - Phó thủ tướng nêu ví dụ và nhấn mạnh: "Nếu vi phạm, sai phạm thì phải xử lý nghiêm. Cần nâng cao tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, lương tâm của người đóng tàu".
Với các địa phương ven biển, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu tiếp tục triển khai đồng bộ các nhóm chính sách theo Nghị định 67, kịp thời tháo gõ khó khăn vướng mắc theo thẩm quyền.
"Địa phương nào còn để tàu hỏng thì địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ và người dân. Rút kinh nghiệm, kiểm điểm sâu sắc từ sự cố tàu thép đóng mới hư hỏng. Thực hiện khắc phục theo văn bản của Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn. Nếu sau này thực hiện không được, Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn phải chịu trách nhiệm" - Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Hoài Phong