Nữ diễn viên Iran, Golshifteh Farahani: thành công vang dội ở Hollywood, bị truy nã ở trong nước

Văn hóa - Ngày đăng : 16:33, 02/08/2017

Nữ diễn viên Iran, Golshifteh Farahani được biết đến như một ngôi sao Hollywood nổi tiếng nhưng chính công việc nghệ thuật mà cô lựa chọn lại là nguyên nhân khiến cô bị hành hạ và trục xuất khỏi chính quê hương Iran của mình.

Mọi hành động cử chỉ đều bị để ý

Mọi hành động cử chỉ, những mối quan hệ cũng như cách ăn mặc của Golshifteh Farahani nay có thể xem như vấn đề nóng liên quan đến chính trị chứ không đơn thuần là vấn đề cá nhân. Ngay cả việc cô chọn khách sạn Amour ở Paris cho cuộc phỏng vấn với SPIEGEL cũng bị chính quyền Teheran cho là một sự khiêu khích bởi nó từng là một nhà thổ.

Golshifteh Farahani trong trang phục thời trang hiện đại

Với Farahani, tự do có nghĩa là cô được quyền làm những gì mình yêu thích mà không cần phải lo sợ bị cảnh sát Iran phán xét về mặt “đạo đức” dựa theo những tiêu chuẩn của một quốc gia Hồi giáo. Ở tuổi 30, cô từng là một nữ diễn viên sáng giá ở Iran và được công chúng phương Tây biết đến qua vai diễn chung với diễn viên Hollywood Leonardo DiCaprio. Nhưng đã bốn năm nay, cô sống lưu vong ở Paris và bản thân cũng chưa có ý định quay về: “Tôi hy vọng tôi không phải là một mục tiêu chính trị”. Farahani tiết lộ câu chuyện của mình về những buổi thẩm vấn của cảnh sát và cuộc hành trình ly kì đưa cô đến kinh đô phim ảnh của thế giới. Để rồi, cô thành công vang dội ở khắp mọi nơi, nhưng bị ghẻ lạnh ở nước mình.

Bộ phim độc diễn nổi tiếng của Farahani

Farahani mang hình ảnh mỏng manh của một người mẫu song giọng nói cô hùng hồn như một nhà hoạt động nhân quyền. Cô chỉ đội khăn trùm đầu truyền thống khi cần thiết, như buổi ra mắt bộ phim nổi tiếng “The Patience Stone” công chiếu ở Đức.

Lấy bối cảnh ở Afghanistan, bộ phim như một câu chuyện tự sự của một phụ nữ kiên cường do Farahani thủ vai. Cô vừa chăm sóc hai đứa con thơ cùng người chồng bị thương nặng. Người chồng hơn cô rất nhiều tuổi, bị hôn mê do một viên đạn trúng vào cổ song hai mắt vẫn mở to không khép được. Tiếng súng đạn giao tranh vẫn diễn ra thường xuyên ở bên ngoài nhà.

Người phụ nữ không ngừng trò chuyện với chồng dù ông ta bất tỉnh. Cô hàn huyên về đủ mọi điều: cuộc hôn nhân từ năm cô 17, những ước mơ và khát vọng cháy bỏng thầm kín, và cả những vấn đề khó nói, những vấn đề nhạy cảm trong mọi mối quan hệ… Người phương Tây có thể cho rằng, điều đó cần thiết cho một gia đình hạnh phúc, vui vẻ song ở Afghanistan, người phụ nữ mở miệng phát biểu đồng nghĩa với việc cô ta sẽ chuốc lấy hậu quả khôn lường…

Xuất thân từ gia đình nghệ thuật

Cô sinh trưởng trong gia đình có cha là giám đốc nhà hát và các thành viên còn lại trong gia đình đều tham gia nghệ thuật. “Nhưng điều ngộ nghĩnh là tôi lại bị cấm theo đuổi diễn xuất”- Farahani cười. Gia đình muốn cô trở thành một nghệ sĩ piano. Song, với cá tính mạnh mẽ và tham vọng diễn xuất rõ rệt, Farahani đã lựa chọn con đường riêng của mình.

Cô bắt đầu sự nghiệp diễn xuất năm 14 tuổi. Năm 20, cô kết hôn và tiếp tục phát triển sự nghiệp điện ảnh. Những bộ phim cô tham gia dù một số bị cấm phát hành trong nước nhưng chúng rất nổi tiếng ở thị trường DVD và các liên hoan phim quốc tế.

Vai diễn đổi đời đầy tranh cãi

Nhưng bộ phim Hollywood khiến tên tuổi cô sang trang mới là phim “The Body of Lies” đóng cùng Leonardo do Ridley Scott làm đạo diễn. Khi đó, đạo diễn đang tìm kiếm một nữ diễn viên trẻ vùng Trung Đông vào vai nữ chính, một y tá mà điệp viên CIA do Leonardo thủ vai yêu say đắm. Vai diễn đã thuộc về Farahani một cách ngoạn mục bởi khi ấy, chính phủ Mỹ đang ra lệnh cấm các hoạt động hợp tác với Iran. Công tác đàm phán với Lãnh sự quán Mỹ gặp rất nhiều trở ngại nhưng cuối cùng mọi việc thuận lợi khiến Golshifteh Farahani trở thành nữ diễn viên Iran đầu tiên làm việc cho Hollywood kể từ sau cuộc cách mạng Hồi giáo 1979.

Song, có một cảnh trong phim, Farahani không đội khăn trùm đầu truyền thống và có những cử chỉ thân mật với nam chính. Điều đó đi ngược với truyền thống Hồi giáo. Tuy cảnh quay không có trong phim trình chiếu mà chỉ xuất hiện vài giây trong trailer song cảnh sát Iran cho hay, những điều đó là quá đủ để lên án cô. Vì thế khi Farahani đang trên đường sang London quay bộ phim “Hoàng tử Persia” cô đã bị chính quyền Iran tịch thu hộ chiếu ở sân bay Tehran và bị giữ lại điều tra.

Nhớ lại những ngày tháng ác mộng ấy, cô tiết lộ cô không ngừng bị triệu tập và tra hỏi bởi cảnh sát. Họ cho rằng cô đang bắt tay với các thế lực “ma quỷ” phương Tây chống lại truyền thống Hồi giáo, hoặc bộ phim “Body of Lies” là một phần kế hoạch truyền bá văn hóa của CIA… Họ cáo buộc cô đang đe dọa an ninh quốc gia và có thể bị treo cổ.

Cuộc thẩm tra kéo dài suốt 7 tháng ròng rã. Trong thời gian chờ kết luận, Farahani tham gia bộ phim “About Elly” của đạo diễn từng đoạt giải Oscar Asghar Farhadi dù cô không được sự cho phép của Bộ Văn hóa Iran.

Nụ cười đầy căng thẳng trên thảm đỏ

“About Elly” đã thắng giải Silver Bear năm 2009 và Farahani, diễn viên chính trong bộ phim ấy đã tham dự lễ trao thưởng với một nụ cười đầy căng thẳng về việc phán quyết. Cuối cùng, thẩm phán quyết định buộc cô phải rời khỏi Iran.

Từ đấy, Farahani sống ở Paris. Cô nhập quốc tịch Pháp và dù cuộc hôn nhân tan vỡ vì cô bị trục xuất, sự nghiệp điện ảnh của cô tiếp tục phát triển rực rỡ, đặc biệt là các phim “Chicken with Plums”, “The Patience Stone”, “My Sweet Pepper Land”, “Little Brides”… Các vai diễn do cô thủ vai thường về những nhân vật nữ mạnh mẽ chống lại những quy định hà khắc của các nước Hồi giáo hoặc giúp đỡ những nạn nhân của những luật lệ ấy.

“Quyền lực nằm trong tay thủ lĩnh tôn giáo”

Farahani vì thế hiểu rõ tường tận những gì đang diễn ra ở xã hội Iran. Tuy cô rất hy vọng vào đường lối cởi mở của tổng thống mới Hassan Rohani, song cô cho rằng những thay đổi ở Iran sẽ không đáng kể. “Lúc nào những tổng thống cũng hoặc chọn giải pháp cứng rắn hoặc mềm dẻo với các luật lệ Hồi giáo. Họ không thể làm gì hơn bởi quyền lực thực sự thuộc về những người thống lĩnh tôn giáo”.

Gia đình Farahani từng nhận một cuộc điện thoại đe dọa trả thù cô khi Farahani để lộ ngực của mình trong một đoạn phim quảng bá cho giải thưởng điện ảnh quốc gia Pháp Cesars.

Farahani khẳng định, cô không thể sống ở Iran được nữa và phim ảnh sẽ trở thành vũ khí mạnh mẽ thể hiện khát vọng cá nhân mãnh liệt của cô. Bộ phim Mỹ “Rosewater” cô tham gia gần đây lấy bối cảnh ở Iran và phần nào giống với câu chuyện của chính cô. Bộ phim về câu chuyện của một nhà báo bị bỏ tù và thẩm vấn tàn nhẫn bởi chống đối với thế giới Hồi giáo…

Nguyễn Hưng-T.T (Theo WC)

CTV Nguyễn Hùng