Pháp cấm quan chức tuyển người nhà và 'người tình' làm trợ lý
Quốc tế - Ngày đăng : 13:01, 02/08/2017
Luật mới có hiệu lực với các bộ trưởng và nghị sĩ. Người vi phạm sẽ có thể bị kết án 3 năm tù và nộp số tiền phạt 45.000 euro.
Ban đầu, dự luật đề xuất không cấm tuyển dụng người tình và bất kỳ ai “có quan hệ tình cảm” với một nghị sĩ để làm trợ lý cho họ. Nhưng đề xuất này bị bác sau khi nhiều chính khách nói nó sẽ buộc họ mô tả một mối “quan hệ tình cảm” là thế nào: người tình cũ, ông bà hoặc con cháu...
Nghị sĩ Julien Aubert của đảng bảo thủ Những người Cộng hòa (Les Républicains) chỉ trích luật mới là “quá đáng”.
Luật được trình Tổng thống Pháp Emmanuel Macron như một phần phản ứng với vụ tai tiếng của ứng cử viên Tổng thống Francois Fillon. Ông Fillon bị tố cáo đã chi gần 1 triệu euro tiền công quỹ để trả lương cho vợ và con ông làm trợ lý cho ông mà thực ra họ chẳng hề làm việc gì.
Vụ tai tiếng khiến ông Fillon mất cơ hội tranh cử hồi tháng 5 và một thẩm phán phụ trách mảng tài chính đang điều tra vụ "tuyển người nhà hưởng lương cao" này.
Luật mới cũng có thể gây ra sự ghen tuông trong gia đình các nghị sĩ, nếu như bạn đời của một nghị sĩ bị mất nguồn thu nhập từ lương làm trợ lý. Người vợ có thể nghi chồng đuổi việc mình nhưng bí mật "nuôi người tình" làm trợ lý.
Nghị sĩ Yannick Favennec đã phải sa thải người vợ mà ông từng chọn làm trợ lý. Ông nói với báo Ouest France rằng vợ ông là "nạn nhân phụ" của ông Fillon.
Ông nói: “Chúng ta đang trừng phạt những người có học, có khả năng làm việc hiệu quả. Khoảng 20 nghị sĩ sẽ phải đuổi trợ lý dù thừa nhận công sức của các trợ lý. Vợ tôi làm trợ lý suốt 9 năm, nhưng nay phải trả giá vì lỗi của người khác. Vợ tôi sẽ bị sa thải mà không có bất cứ lý do chuyên môn nào”.
Ông Favennec còn nói được làm việc với người nhà đáng tin cậy sẽ giúp việc làm đại biểu quốc hội hiệu quả hơn.
Theo Independent, hiện cứ 6 nghị sĩ Pháp thì có 1 người có người nhà hưởng lương trợ lý nghị sĩ.
Luật mới có thể làm vài nghị sĩ và gia đình của họ “buồn”. Phe chỉ trích cũng cáo buộc Tổng thống Macron là “đạo đức giả” sau khi ông đề nghị lập vai trò Đệ nhất phu nhân Pháp cho vợ ông - bà Brigitte. Hiến pháp Pháp không có quy định nào về vai trò của Đệ nhất phu nhân.
Luật mới về việc cấm tuyển dụng người nhà làm trợ lý nghị sĩ là cách giữ lời hứa khi tranh cử tổng thống của ông Macron: Công chức phải giữ đạo đức, chấm dứt những chiêu trò “ăn” công quỹ khiến lòng dân bất mãn, mất lòng tin với chính phủ. Ông Macron còn đang lên kế hoạch thanh tra các nghị sĩ “vung” tiền ngân sách quá tay.
Hiện mỗi nghị sĩ được cấp số tiền 130.000 euro/năm, nhưng chính phủ Tổng thống Macron nói khoản chu cấp này không được giám sát kỹ lưỡng.
Theo Luật cải thiện đạo đức, ngoài việc không được tuyển dụng người trong gia đình để làm trợ lý, các nghị sĩ, quan chức địa phương và công chức cao cấp sẽ chỉ được thanh toán nếu họ xuất trình hóa đơn hợp lệ, chứng minh được khoản tiền được cấp đã được chi tiêu hợp lý.
Các quan chức, nghị sĩ cũng bị cấm tái ứng cử vào cùng một vị trí hơn một lần. Các bộ trưởng cũng bị cấm kiêm nhiệm các chức vụ tại địa phương. Các nghị sĩ cũng sẽ chỉ được tối đa 3 nhiệm kỳ. Người nào từng bị buộc tội tham nhũng, gian lận thì sẽ bị cấm giữ các chức vụ trong chính quyền suốt 10 năm.
Vĩnh Thụy (theo Independent)