CB Bank - 'con cờ' của Phạm Công Danh bây giờ ra sao?

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 07:00, 04/08/2017

Không chỉ thất thoát hơn 9.000 tỉ đồng dưới thời Phạm Công Danh, Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB nay là CB Bank) còn chịu cảnh "lỗ chồng lỗ" khi kết quả kinh doanh âm tới 27.000 tỉ đồng... Và cái kết cho sự thất bại một thời của CB Bank chính là cái giá "0 đồng" khi được sang tay cho Ngân hàng Nhà nước.

Tái cấu trúc, vẫn chịu cảnh "lỗ chồng lỗ"

Ngân hàng Xây dựng Việt Nam tiền thân là Ngân hàng Đại Tín (Trust Bank) có 23 năm hoạt động. Tháng 5.2013, Tập đoàn Thiên Thanh cùng một số cổ đông tham gia góp vốn và tái cấu trúc Trust Bank, đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (CB Bank). Tôn chỉ hoạt động của CB Banklà ngân hàng đa năng đầu tiên tập trung ưu tiên phục vụ lĩnh vực xây dựng với vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng, tổng tài sản hơn 28.000 tỉ đồng.

Trước đó, vào tháng 7.2012, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước kết luận Trust Bank lỗ 6.000 tỉ đồng, không những không còn vốn điều lệ mà còn bị âm 2.854 tỉ đồng.

Năm 2013, Trust Bank được đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng lỗ hơn 11.000 tỉ đồng. Thời điểm khởi tố vụ án Phạm Công Danh làm thất thoát 9.000 tỉ đồng tại ngân hàng là tháng 7.2014, vốn chủ sở hữu của ngân hàng âm hơn 18.000 tỉ đồng.

Trong khi đó, Báo cáo kiểm toán độc lập tính đến ngày 30.11.2014, việc kinh doanh của CB Bank đã âm khoảng 27.000 tỉ đồng.

Sang đầu năm 2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định mua lại CB Bank với giá0 đồng/cổ phần. Theo đó, NHNN trở thành chủ sở hữu (100% vốn điều lệ) của CB Bank, chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông đối với các cổ đông hiện hữu của CB Bank.

Bị mất trắnghơn 9.000 tỉ đồng

CB Bank có cái kết thảm hại không chỉ đến từ kết quả kinh doanh "bết bát", mà nguyên nhân chủ yếu còn đến từ việc Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh) rút tiền trái phép, làm hợp đồng khống để tiêu xài... gây thiệt hại cho CB Bank hơn 9.000 tỉ đồng.

Cụ thể, trong thời gian là Chủ tịch HĐQT CB Bank, ông Danh đã chỉ đạo cấp dưới tạo hồ sơ khống để rút hơn 63 tỉ đồng, nâng tỷ lệ mua sắm tài sản của ngân hàng vượt quá 50% vốn điều lệ, rút tiền trên 5 tỉ đồng mà không báo cáo Tổ giám sát.

Cuối năm 2012 đến tháng 7.2013, Phạm Công Danh tiếp tục lập hồ sơ cho một nhóm đối tượng vay tiền bằng hình thức cầm cố sổ tiết kiệm, giải ngân hơn 17.700 tỉ đồng vào tài khoản của nhóm đối tượng này tại CB Bank. Trong đó hơn 16.260 tỉ đồng đã được chuyển lại vào tài khoản của Phạm Công Danh để trả nợ, đảo nợ.

Giữa năm 2013 và đầu 2014, Phạm Công Danh tiếp tục ký hợp đồng khống thuê mặt bằng với hai công ty của mình để chuyển hơn 600 tỉ đồng. Số tiền này sau đó được chuyển nhiều lầnqua các tài khoản cá nhân rồi rút ra trả nợ cho 6 công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và tiền chăm sóc khách hàng.

Vào tháng 5.2013, dù báo cáo tài chính năm 2012 không có lãi, không được cấp có thẩm quyền phê duyệt Dự án trọng điểm Khu phức hợp Thương mại dịch vụ Thiên Thanh Đà Nẵng, nhưng Phạm Công Danh vẫn chỉ đạo lập hồ sơ phát hành 2.500 trái phiếu.

Sau đó bán 1.000 trái phiếu cho 3 công ty thông qua Quỹ Lộc Việt. Sau khi phát hành trái phiếu, Phạm Công Danh ủy thác cho Quỹ Lộc Việt 900 tỉ đồng để đầu tư mua 900 trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh từ nguồn tiền của CB Bank rồi chuyển tiền cho chính ông sử dụng.

Từ cuối năm 2012 đến tháng 3.2014, Phạm Công Danhcòn sử dụng pháp nhân của 12 công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và 2 pháp nhân của công ty đối tác làm hồ sơ mua bán nguyên vật liệu khống, phương án trả nợ khống; lập các biên bản họp HĐQT khống, định giá nâng giá các lô đất thuộc sân vận động Chi Lăng và lô đất tại TP.Đà Nẵng lên nhiều lần làm tài sản đảm bảo vay 5.000 tỉ đồng của CB Bank.

Sau khi thẩm định lại giá trị hai lô đất mà Phạm Công Danh sử dụng để vay thế chấp 5.000 tỉ đồng và cấn trừ, CB Bank xác định bị thiệt hại thêm khoảng hơn 2.000 tỉ đồng. Như vậy, Phạm Công Danh đã gây thiệt hại hơn 9.000 tỉ đồng cho CB Bank. Với các tội danh trên, Phạm Công Danh đã bị tuyên án 30 năm tù - mức án cao nhất của hình phạt có thời hạn.

"0 đồng" vẫn lựa nhà đầu tư

Sau khi về tay NHNN với giá 0 đồng, CB Bank đã có những thay đổi theo chiều hướng khả quan. Từ một "ngân hàng 0 đồng", mất thanh khoản vào tháng 3.2015, nhưng đến tháng 6.2016 ngân hàng đã đạt số dư huy động vốn đạt 29.552 tỉ đồng với doanh số huy động vốn tăng ròng trong 6 tháng đạt 2.497 tỉ đồng.

Hoạt động xử lý nợ xấu được chú trọng với 500 tỉ đồng bán cho VAMC năm 2015 và tiếp tục bán nợ thêm trong năm 2016. CB Bank cũng đã tiến hành xử lý nợ xấu tồn đọng từ thời Trust Bank để thu về 3.000 tỉ đồng.

Chỉ sau 120 ngày kể từ khi được mua lại với "giá 0 đồng", tháng 7.2015 đánh dấu sự trở lại đồng loạt các hoạt động kinh doanh của CB Bank.

Cho đến nay, ngân hàng đã được mở đầy đủ phạm vi hoạt động nghiệp vụ với tất cả các mảng hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng đối với một ngân hàng thương mại như huy động vốn, sử dụng vốn, cấp tín dụng, trung gian tài chính, cho vay khách hàng cá nhân, bảo lãnh, phát triển các dịch vụ ngân hàng bán lẻ và đổi mới mạng lưới hoạt động...

Đáng chú ý, một tin vui với CB Bank mới đây được đại diện NHNN tiết lộ là hiện nay đang có nhà đầu tư quan tâm đến việc mua lại ngân hàng này. Cụ thể, đó là những nhà đầu tư trong nước và ngoài nước đang ở bước đầu đặt vấn đề tham gia tái cơ cấu để xem xét mua lại. Dưới sự bảo đảmcủa NHNN, CB Bank đang được kỳ vọng sẽ có một triển vọng lạcquan hơn sau một thời gian dài "trầy trật", là "con cờ" bị các đối tượng lợi dụng để làm ăn phi pháp.

Tuyết Nhung

tuyetnhung