90% người bị viêm mũi dị ứng mắc phải sai lầm này
Thông tin Y học - Ngày đăng : 12:14, 07/08/2017
Không biết rõ mình dị ứng với cái gì
Nhiều người bị viêm mũi dị ứng thường nghĩ liều rằng họ phải uống thuốc chống dị ứng ngay trước khi xác định thủ phạm gây hắt hơi. Đây là lý do tại sao các bệnh nhân thường phàn nàn rằng thuốc mà họ tự mua (không kê đơn) lại kém hiệu quả trong một nửa số lần như vậy.
Hãy gặp bác sĩ chuyên về viêm mũi dị ứng. Bác sĩsẽ có giải pháp cho bạn.
Không loại bỏ hoàn toàn tác nhân gây dị ứng
Thuốc men không phải là cách duy nhất để đối phó với các triệu chứng dị ứng. Bằng mọi cách hãy tránh xa các tác nhân gây dị ứng trước khi bạn hắt hơi, sổ mũi. Điều đó cũng quan trọng như việc uống thuốc.
Chẳng hạn, nếu dị ứng phấn hoa, hãy đóng cửa sổ bất cứ lúc nào có thể.Còn nếu dị ứng với bụi, hãy loại bỏ những tấm rèm trên tường phòng ngủ. Dùng máy hút bụi thường xuyên...
Bạn chờ quá lâu mới dùng thuốc
Đừng chờ đến khi bắt đầu hắt hơi, sổ mũi mới uống thuốc. Các loại thuốc có hiệu quả nhất trong việc ngăn ngừa triệu chứng xảy ra, chứ không phải điều trị khi bạn đã xuất hiện triệu chứng.
Ăn các loại thực phẩm, đồ ăn có thể kích thích hắt hơi, sổ mũi
Cứ 20 người dị ứng phấn hoa thì có một người trong đó còn dị ứng cả đường miệng, nghĩa là hệ miễn dịch của người đó nhầm lẫn rằng các chất trong thực phẩm là phấn hoa. Một số loại thực phẩm như quả lê, táo, dưa hấu, các loại hạt… cũng có thể gây ngứa ở họng hoặc quanh miệng.
Hãy kiểm tra dị ứng nếu bạn từng bị các triệu chứng này sau khi ăn loại thực phẩm nào đó. Nếu bạn bị dị ứng đường ăn, nên tránh hoa quả tươi và các loại hạt trong mùa dị ứng, mặc dù nấu lên hoặc gọt vỏ cũng có thể giúp hạn chế phản ứng này.
Phòng ngừa viêm mũi dị ứng
Giữ nhà sạch
Giữ nhà khô sạch, thoáng khí, hút bụi thường xuyên, không nuôi chó mèo, diệt chuột, gián. Cần loại bỏ nấm mốc, những con mạt, những nơi thiếu ánh sáng, giày cũ, sách báo cũ, cây cảnh, giấy dán tường, chiếu, mền, thảm trải nền nhà, các loại hoa khô.
Tăng cường sức đề kháng
Tăng cường vận động như tập thể dục, bảo vệ mũi khỏi các tác nhân gây dị ứng. Trong không khí chứa rất nhiều tác nhân xấu, gây kích ứng niêm mạc mũi như bụi, khí thải, vi khuẩn, nấm mốc, khói thuốc lá, hóa chất… Cần tránh và hạn chế sự xâm nhập của các yếu tố này bằng cách sử dụng khẩu trang hoạt tính khi làm việc trong môi trường độc hại, ô nhiễm khi đi ra ngoài đường. Thường xuyên vệ sinh vùng tai, mũi, họng…
Giữ ấm cơ thể
Vào mùa lạnh cần phải giữ ấm cơ thể đặc biệt khu vực vùng cổ, ngực và mũi, không nên tắm nước lạnh. Đối với những ai phải làm việc quá khuya, dậy quá sớm cần lưu ý vì thời điểm này dễ bị cảm.
Tránh hít phải luồng không khí lạnh, khô một cách đột ngột, hoặc để mũi tiếp xúc với luồng gió máy lạnh, điều hòa đều có thể làm tổn thương, làm khô niêm mạc mũi xoang. Thực hiện một vài động tác giúp làm ấm vùng mũi vào buổi sáng: dùng hai bàn tay chụp lại hai bên vùng cánh mũi và miệng, tay xoa xoa tập thở ra hít vào, thực hiện như vậy chừng vài phút.
Không lạm dụng thuốc
Không nên lạm dụng một số thuốc nhỏ mũi, xịt mũi vì có thể bị lệ thuộc thuốc, gây nhờn thuốc, nhỏ thuốc đúng liều để tránh những tác dụng phụ đi kèm. Ngoài ra những người đã bị viêm xoang mãn tính nên nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý và đi khám sớm khi có những nghi ngờ biểu hiện của viêm mũi, viêm xoang, viêm đường hô hấp.
Thanh Hải (TH)