Bài 1: Điêu đứng vì không có nước sạch
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 18:46, 04/08/2017
Nước giếng bò cũng không uống được
Mỏ sắt Thạch Khê nằm trên địa bàn 6 xã của huyện Thạch Hà, bao gồm xã Thạch Khê, Thạch Đỉnh, Thạch Hải, Thạch Bàn, Thạch Trị và Thạch Lạc.
Từ năm 2007, dự án khai thác mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á này bắt đầu bóc tầng phủ. Cũng từ đó, hàng trăm hộ dân nằm trong khu vực mỏ đã di dời để bàn giao mặt bằng cho dự án. Cuộc sống của những hộ dân này đã bị xáo trộn nghiêm trọng vì môi trường sống thay đổi theo chiều hướng xấu, bên cạnh đó còn là những khó khăn về cuộc sống mưu sinh sau khi đất đai bị thu hồi.
Bãi thải đất bóc tầng phủ của mỏ sắt nhìn từ thôn Nam Hải, xã Thạch Hải
Với người dân phải di dời đến vùng tái định cư thì cái khổ lớn nhất là nước sinh hoạt. Sau khi di dời, những gia đình này được cấp 300m2 đất ở khu tái định cư tập trung để xây nhà. Khổ nỗi, vùng đất này có nước ngầm bị nhiễm phèn nên nguồn sống cơ bản nhất của họ đã bị triệt tiêu.
Khi chúng tôi tiếp xúc với những hộ dân tái định cư tại thôn Trường Xuân, xã Thạch Đỉnh (huyện Thạch Hà), ai cũng giành phần kể lể, bộc bạch cái khổ vì thiếu nước sạch đến mức điêu đứng ở đây.
Ông Bùi Quang Đào, di dời từ xóm 1 xã Thạch Đỉnh về đây, cho biết: “Về đây nhà nào cũng khoan giếng để lấy nước sinh hoạt, nhưng nước ở đây bị nhiễm phèn nặng không thể sử dụng được vào việc gì, ngay cả cho bò nó cũng không uống”.
Ông Đào mở vòi nước từ bể chứa cho chúng tôi xem, nước có màu vàng đục, nhìn là biết không ai dám sử dụng nước này để nấu ăn hay uống.
“Ở đây có 60 hộ tái định cư, giếng nhà tôi như vậy còn đỡ, có giếng của mấy nhà hàng xóm còn đục hơn. Có nhà bị phèn bám dày gây tắc ống máy bơm khiến máy bị cháy. Vì không sử dụng được việc gì nên có người đã bịt ống giếng khoan”, ông Đào nói.
Bà Phan Thị Tìu (thôn Trường Xuân, xã Thạch Đỉnh): “Vào mùa khô hạn mà đi xin nước ở xã Thạch Bàn họ không cho, phải mua nước đóng bình về dùng”
Nước giếng khoan đã qua bể lọc vẫn vàng đục vì nhiễm phèn
Vết phèn bám trên thành bể nước gia đình ông Nguyễn Duy Hước (thôn Trường Xuân, xã Thạch Đỉnh) khi nước đầy chảy tràn ra thành bể
Tương tự như vậy, nhưng gia đình ông Nguyễn Duy Hước ở cùng xóm lại cố gắng tìm biện pháp khắc phục để tận dụng nước giếng bị nhiễm phèn này.
Ông Hước nói: “Dù có lọc bằng cách nào thì cũng không hết phèn, vợ tôi phải mua phèn chua về lọc nước để giặt quần áo và tắm rửa, nhưng giặt xong quần áo cũng bị ố màu vàng”.
Những người dân ở đây cho biết, họ phải đi sang xã kế bên là xã Thạch Bàn để xin nước về ăn uống. Ngoài ra, mỗi nhà phải sắm một cái bể lớn hứng nước mưa để dành sử dụng.
“Hằng ngày chúng tôi phải chở can nhựa sang xóm 3 xã Thạch Bàn xin nước, nhưng vào thời điểm nắng hạn thì họ không cho nữa, các gia đình ở đây đều phải đi mua bình nước lọc đóng sẵn về để uống và nấu ăn”, bà Phan Thị Tìu ở xóm này cho biết.
Âu lo mối họa bệnh tật
Ở thôn Thanh Long, xã Thạch Bàn cũng bị tình trạng nước nhiễm phèn tương tự xã Thạch Đỉnh. Ở đây có mấy chục hộ dân nằm trong quy hoạch di dời,nhưng do chưa nhận được tiền đền bù nên họ đang bám trụ lại nơi vùng ven mỏ sắt, bên cạnh bãi đổ thải của mỏ.
Ông Nguyễn Viết Hải, chủ tịch UBND xã Thạch Bàn cho biết, thôn Thanh Long có 50 hộ thuộc diện phải di dời. Hiện tại đã có 23 hộ nằm sát mỏ sắt đã nhận được tiền đền bù nên chuyển đi trước, một số hộ tự nguyện di cư tự do, còn lại đang bám trụ lại nơi đây.
Chỉ khu vườn đất bạc trắng, bà Nguyễn Thị Tịnh (thôn Thanh Long) cho biết: “Từ khi mỏ sắt hoạt động, nước ngầm ở đây bị rút hết, vì vậy trồng cây gì cũng khó sống do thiếu nước, nhưng khi có mưa thì nước theo kênh thoát nước từ mỏ sắt lại tràn về ngập cả vườn. Vụ lạc vừa rồi chúng tôi phải thu hoạch non trước cả tháng vì nước mưa ngập hết, sợ lạc bị thối”.
Bà Tịnh cho biết, nước dùng để ăn uống thì phải đi sang thôn 8 thuộc xã này mua về, vì ở đó có một cơ sở chiết xuất nước từ khe trên núi để bán.
Chị Lê Thị Liên ở thôn này cho hay, trong vườn nhà chị không trồng được cây hoa màu gì vì đất khô cằn thiếu nước. Bên cạnh đó, nguồn nước giếng khoan bị nhiễm phèn quá nặng nên không dùng được cho sinh hoạt.
“Hai đứa con nhỏ của tôi cứ bị nổi mẩn ngứa vì tắm nước giếng khoan nhiễm phèn. Anh nhìn thấy đó, ngứa quá nên chúng cứ gãi liên hồi, tôi cứ lo sống ở đây lâu dài sẽ bị bệnh tật trầm trọng, mà việc di dời thì đã lâu rồi không nghe chính quyền nói gì”, chị Liên nói.
Bà Nguyễn Thị Tịnh (thôn Thanh Long, xã Thạch Bàn) chỉ khu vườn khô cằn và luống trầu sắp chết héo vì thiếunước
Ông Nguyễn Xuân Thức (thôn Thanh Long, xã Thạch Bàn) cho biếtnước từkênh thoát của mỏ sắt chảy ra luôn có màu vàng sẫm
Ở xã Thạch Hải, từ khi mỏ sắt hoạt động, ở thôn Thượng Hải có nhữngtrường hợp tử vong vì căn bệnh ung thư khiến dân nơi đây hoang mang, nghi ngờ không rõ lý do có phải vìnguồn nước bị nhiễm sắt hay không?
Ông Bùi Đình Lâm, Phó chủ tịch UBND xã Thạch Hải nói: “Thôn Thượng Hải này nằm sát bãi thải của mỏ sắt, toàn bộ đất sản xuất của thôn bị thu hồi. Mặc dù xã Thạch Hải nằm trong quy hoạch di dời toàn bộ dân cư nhưng kế hoạch chưa được triển khai nên người dân đang sinh sống như cũ. Sau khi cóngười bị mắc bệnh ung thư qua đời, nguyên nhân từ đâu thì chưa biết nhưng người dân rất lo lắng và nghi ngờ do nguồn nước, bởi dân ở đây vẫn đang dùng nước từ giếng khoan”.
Ông Ngô Văn Ngọc, Bí thư xã Thạch Đỉnh cho biết: “Ở xóm 2, thôn Vân Sơn cách moong mỏ khoảng 150m, trước đây dân khoan giếng sâu khoảng 4m là có nước dùng rất tốt, nhưng thời gian gần đây nước đã bị nhiễm phèn, dù khoan sâu hơn chục mét cũng bị phèn.
Với thực trạng này, từ chính quyền đến người dân các xã bị ảnh hưởng bởi mỏ sắt Thạch Khê đang có chung một nỗi lo ngày càng lớn thêm.
(bài cuối: Nhấp nhổm tiến lùi kế sinh nhai)
Quang Cường