Tàu ngầm ‘Cá mập hổ’ Ấn Độ chống Trung Quốc đe dọa
Quốc tế - Ngày đăng : 15:33, 04/08/2017
TheoBloombergngày 4.8, chiếc Kalvari, tàu ngầm tấn công đặt theo tên một loài cá mập hổ, là một phương tiện chiến đấu đáng sợ nhất và có khả năng tàng hình cao.
Ấn hiện chỉ có 15 chiếc tàu ngầm, trong khi Trung Quốc đang mở rộng hải đội lên gần 60 tàu ngầm, và đang tung chúng vào Ấn Độ Dương. Các nhà chiến lược ở New Delhi đã xem hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc là một thách thức an ninh quốc gia.
Vì thế, Ấn đang dần nâng cấp hải đội tàu ngầm. Chiếc "Cá mập hổ"Kalvari là chiếc tàu ngầm lớp Scorpene đầu tiên, trong đơn đặt hàng 6 chiếc trị giá 236 tỉ rupee (3,7 tỉ USD) mà chính phủ Ấn đã giao cho Xí nghiệp đóng tàu quốc phòng nhà nước Mazagon Dock Shipbuilders Ltd và Tập đoàn đóng tàu hải quân Pháp (trước đây là DCNS ).
Hồi tháng 7, thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ấn Subhash Bhamre nói chiếc đầu tiên sẽ được bàn giao cho hải quân Ấn Độ trong tháng 8.
Hồi tháng 2.2015, Ấn chấp thuận việc đóng 6 tàu ngầm tấn công chạy bằng hạt nhân. Không có nhiều thông tin về dự án 600 tỉ rupee này.
Và ngày 21.7, Ấn phát động một chương trình khác: đóng thêm 6 tàu ngầm chạy bằng diesel trị giá 500 tỉ rupee. Ấn đã gởi thông tin này cho 6 hãng đóng tàu là ThyssenKrupp Marine Systems GmbH (Đức), Tập đoàn đóng tàu hải quân Pháp, Navantia SA (Tây Ban Nha), Saab AB (Thụy Điển) Cục thiết kế Rubin Nga (liên doanh Nga -Ý) và Kawasaki Heavy Industries Ltd (Nhật).
Ngoài tàu ngầm tấn công, Ấn đang phát triển một khả năng đánh chặn hạt nhân dưới nước. Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên có thể phóng tên lửa đạn đạo đã được bàn giao cho Hải quân Ấn năm 2016, trong dự án đóng 3 chiếc.
Năm 2012, Hải quân Ấn cũng thuê một tàu ngầm chạy bằng hạt nhân của Nga, để huấn luyện thủy thủ.
Trong khi đó, Trung Quốc có 4 chiếc tàu ngầm chạy bằng hạt nhân mang tên lửa đạn đạo.
Hồi tháng 5, một tàu ngầm lớp Nguyên chạy bằng diesel đã vào Ấn Độ Dương và vẫn đang "lủi"ở đó, theo một sĩ quan hải quân Ấn đề nghị Bloomberg giấu tên.
Đó là một sự nhắc nhở Trung Quốc đang nhanh chóng phát triển sức mạnh hải quân, trong lúc binh lính Ấn - Trung đang ở thế gườm nhau trong một vụ tranh chấp biên giới ở Bhutan.
Hải quân Trung Quốc cần vào được Ấn Độ Dương ở những vùng hẹp, ví dụ Eo Malacca giữa Indonesia và Malaysia.Khu vực này đã có máy bay tuần thám Ấn kiểm soát, đã phát hiện chiếc tàu ngầm lớp Nguyên của Trung Quốc.
Hồi tháng 7, Trung Quốc chính thức khánh thành căn cứ hải quân đầu tiên ở Djibouti (cực tây Ấn Độ Dương) và gần đây Bắc Kinh rao bán tàu ngầm cho Bangladesh và kình địch Pakistan của Ấn.
Năm 2016, một tàu ngầm chạy bằng hạt nhân của Trung Quốc đã cập cảng Karachi (Pakistan).
Tất cả những động thái này cho thấy hải quân Ấn chưa sẵn sàng đónnhận những thách thức từ dưới biển sâu.
Theo Bloomberg, ngay cả với những chương trình đã công bố,nhiều khả năng là khi đến hạn chót năm 2030, Ấn không kịp mở rộng lực lượng tàu ngầm.
Để ngăn chặn cả Trung Quốc lẫn Pakistan, các nhà chiến lược Ấn xác nhận hải quân nước này phải có ít nhất 18 tàu ngầm chạy bằng diesel, 6 chiếc chạy bằng hạt nhân và 4 chiếc mang vũ khí hạt nhân.
Nhà phân tích quốc phòng độc lập K.V. Kuber nói: “Chính phủ cần có tàu ngầm do Ấn sản xuất để hải quân dùng trong chiến tranh.Nếu chúng tôi mời gọi quốc tế nhận thầu để đáp ứng các yêu cầu khẩn cấp của hải quân Ấn, chúng tôi vẫn sẽ phải chờ nhiều năm mới có được chúng. Nhưng đấy là con đường nhanh nhất".
Nhà nghiên cứu Pushan Das thuộc Chương trình an ninh quốc gia (ở New Delhi) nói Ấn cần phải có kế hoạch dài hơi để chống các hoạt động của hải quân Trung Quốc trong khu vực.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Ấn từ chối bình luận về kế hoạch hải đội tàu ngầm quốc gia.
Từ năm 1996, lực lượng tàu ngầm tấn công của Ấn giảm từ 21 xuống còn 13 chiếc chạy bằng diesel, do hải quân không thể thay những chiếc đã đến tuổi hưu.
Toàn bộ hải đội tàu ngầm Ấn - gồm các chiếc lớp Kilo của Nga và HDW của Đức - đều đã có niên hạn ít nhất 20 năm, đều đã được chỉnh sửa để có thể kéo dài tuổi thọ hoạt động đến chí ít năm 2025.
Ngược lại, Trung Quốc đã có 5 tàu ngầm tấn công chạy bằng hạt nhân và 54 chiếc tàu ngầm tấn công chạy bằng diesel. Đến năm 2020, dự kiến Trung Quốc sẽ có từ 69 đến 78 tàu ngầm, theo báo cáo mới nhất của Lầu Năm Góc về quân đội Trung Quốc.
Dù vậy, các nhà phân tích nói vẫn sẽ mất nhiều năm nữa, Trung quốc mới có thể là một mối đe dọa lớn cho Ấn tại Ấn Độ Dương.
Nhà nghiên cứu Pushan Das thuộc Đại học an ninh quốc gia (Úc) nói: “Riêng về địa lý, Ấn có lợi thế chiến lược ở Ấn Độ Dương. Và dù Trung Quốc cử tàu ngầm vào khu vực này, quývị nên nhớ có thể họ phải mất hàng chục năm để có thể thách thức Ấn ở vùng đó, nhất là khi có sự hiện diện của Mỹ”.
Vĩnh Thụy (theo Bloomberg)