Nga đưa người máy vào lực lượng bảo vệ phóng xạ

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 19:47, 08/08/2017

Từ năm 2020, lính người máy sẽ được đưa vào Lực lượng bảo vệ phóng xạ - sinh hóa Nga, theo hãng tin TASS. Chúng sẽ thay binh lính kéo giảm các hậu quả tai nạn, hoặc do kẻ thù phá hoại, ở những cơ sở nguy hiểm cho tính mạng.

Ngày 7.8, chỉ huy Lực lượng bảo vệ phóng xạ - sinh hóa là Thiếu tướng Igor Kirillov cho báo giới biết Nga đã bắt đầu sản xuất lính người máy này, sau thảm họa nhà máy điện hạt nhân Chernobyl.

Kinh nghiệm rút tỉa được từ quá trình giải độc tại vụ thảm họa do con người gây ra nghiêm trọng này được vận dụng vào Dự án Raznoboi (đã được cho phép sử dụng từ năm 2002) và Dự án Berloga với các robot RD-RHR do người điều khiển từ xa và đã được chuyển cho Lực lượng bảo vệ phóng xạ - sinh hóa Nga từ năm 2005.

Các lính người máy này đã được thiết kế để giải độc ở những cơ sở bị nhiễm độc do tai nạn hoặc do kẻ thù phá hoại.

Tướng Kirilov nói: “Các người máy hiện có của quân đội Nga có khả năng xử lý nhiều nhiệm vụ, nhưng chúng không đáp ứng các yêu cầu đối với người máy trong tương lai”.

Theo Newsweek, lực lượng người máy đặc biệt đã được thiết kế, để giúp Nga phòng chống hậu quả do các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) gây ra, như vũ khí phóng xạ, vũ khí hóa học và vũ khí sinh học.

Tướng Kirilov nói Lực lượng của ông sẽ có thế hệ robot mới nhất, có thể hoạt động trong những môi trường dễ gây chết người, và chúng sẽ giúp Nga đối phó với các mối đe dọa từ vũ khí phóng xạ, vũ khí sinh - hóa.

Thời Liên Xô, Lực lượng bảo vệ chống phóng xạ - sinh hóa đã được lập, với tên Lực lượng chiến tranh hóa học.Năm 1977, NATO ước tính mỗi trung đoàn quân Nga đều có một tiểu đoàn chống vũ khí hóa học, theo báo New York Times.

Năm 1984, quân đội Mỹ ước tính số quân của Lực lượng chống chiến tranh hóa học là từ 60.000 đến 70.000 quân. Đến năm 1996 thì số quân tăng gấp đôi, hoạt động như một đơn vị độc lập để hỗ trợ toàn bộ quân đội Nga, chủ yếu là giúp Bộ binh Nga, theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ.

Lực lượng chống chiến tranh hóa học từng hoạt động sau vụ thảm họa Chernobyl ở Ukraine năm 1986. Đây là vụ thảm họa hạt nhân nghiêm trọng nhất trong lịch sử loài người, vụ phóng xạ rò rỉ làm chết hàng chục người, hàng trăm ngàn người bị ảnh hưởng và tốn kém hàng trăm triệu USD. Đa phần nhà máy Chernobyl hiện vẫn cấm người dân đến gần.

Thảm họa Chernobyl đã giúp quân đội Nga có cảm hứng phát triển người máy RD-RHR được điều khiển từ xa, có thể tiến vào những vùng nhiễm độc.

Bích Ngọc (theo Newsweek)

Trần Trí