Sẽ báo cáo Quốc hội để tìm hướng tháo gỡ khó khăn cho DN đóng tàu PPC
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 10:51, 09/08/2017
Liên quan đến vụ việc doanh nghiệp đóng tàu thuyền vật liệu PPC “kêu cứu” về vấn đề đăng kiểm trong thời gian qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chỉ đạo Ủy ban Khoa học -Công nghệ và Môi trường của Quốc hội trả lời vấn đề này cho doanh nghiệp.
Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, đoàn công tác của Ủy ban Khoa học -Công nghệ và Môi trường Quốc hội do ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban dẫn đầu sẽ làm việc, khảo sát tại Công ty cổ phần công nghệ Việt Séc (Bà Rịa- Vũng Tàu) để trả lời những thắc mắc của chuyên gia và doanh nghiệp trong vấn đề đăng kiểm tàu thuyền vật liệu PPC.
Tại buổi làm việc, ông Vũ Văn Đảo, Chủ tịch HĐQT Công ty Việt Séc cho rằng PPC là vật liệu có nhiều ưu điểm, không bị gỉ sét, không bị các loài thủy sinh bám vào đáy và thân tàu nên không tốn chi phí bảo trì, bảo dưỡng và không gây ô nhiễm môi trường. Công nghệ này đã được một số quốc gia như Thụy Sĩ, Đức, Cộng hòa Séc đưa vào sử dụng.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc đưa công nghệ này vào đóng tàu thủy lại gặp nhiều khó khăn do công tác đăng kiểm. Thời gian qua, phía doanh nghiệp cũng đã nhiều lần làm đơn kiến nghị gửi nhiều cơ quan có thẩm quyền nhưng chưa có kết quả.
Theo đó, ông Vũ Văn Đảo đã kiến nghị nhiều nội dung với Ủy ban Khoa học -Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy vật liệu mới trong sản xuất.
Ông Đảo kiến nghị cần xóa bỏ tình trạng độc quyền trong đăng kiểm như hiện nay để các cơ quan đăng kiểm có thể cạnh tranh nâng cao năng lực, đồng hành cùng doanh nghiệp trong sản xuất và ứng dụng khoa học công nghệ mới để tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, giá thành hạ.
Bên cạnh đó, cần tách bạch hoạt động quản lýnhà nước với hoạt động dịch vụ đăng kiểm để tránh tình trạng người làm công tác đăng kiểm không cần quan tâm đến doanh nghiệp sản xuất tàu thuyền làm được hay không làm được.
“Khi coi đăng kiểm là một dịch vụ thì cơ quan đăng kiểm sẽ song hành cùng doanh nghiệp, luôn muốn doanh nghiệp phát triển và tạo ra các sản phẩm tốt hơn”, ông Đảo nói.
Ông Đảo cũng cho rằng, điều quan trọng là cần đổi mới tư duy, nhận thức về tiêu chuẩn, quy chuẩn. Đã từ lâu các cơ quan quản lýnhà nước và cơ quan đăng kiểm phương tiện luôn cho rằng muốn đăng kiểm được phương tiện giao thông thì cần phải có tiêu chuẩn, quy chuẩn nhưng lại không nghĩlàm sao xây dựng được tiêu chuẩn, quy chuẩn.
“Trên thực tế sản phẩm phải có trước, tiêu chuẩn, quy chuẩn có sau. Do nhận thức không đầy đủ về tiêu chuẩn, quy chuẩn nên các cơ quan đăng kiểm đã lúng túng trong việc đăng kiểm phương tiện giao thông và xây dựng nên bộ quy chuẩn cản trở sự phát triển, sáng tạo của doanh nghiệp”, ông Đảo nói.
Vị này cũng đề nghị cần rà soát và sửa đổi các văn bản pháp luật hiện hành liên quan đến hoạt động giao thông thủy, vận tải thủy, đăng kiểm phương tiện thủy… để các quy định của pháp luật phù hợp với thực tiễn, với thông lệ quốc tế và thúc đẩy phát triển phương tiện thủy, giao thông thủy.
Tiếp tục nêu kiến nghị, ông Đảo cho biết hiện doanh nghiệp đang đề nghị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho đóng thử nghiệm tàu cá cho ngư dân có chiều dài thiết kế đến 24m và một số dòng tàu khách 2 thân kết hợp giữa vật liệu PPC và thép cùng nhiều loại phương tiện lưỡng tính khác, do vậy quy chuẩn QCVN 95:2016/BGTVT có hiệu lực thi hành từ ngày 28.7.2017 đang là rào cản lớn cản trở sức sáng tạo của doanh nghiệp cũng như nhu cầu về tàu thuyền công nghệ mới. Ông Đảo cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải tạm dừng quy chuẩn đóng tàu vật liệu PPC (QCVN 95:2016/BGTVT), chờ khi có đủ các căn cứ lýluận và thực tiễn thì mới ban hành quy chuẩn cho riêng tàu thuyền vật liệu PPC.
“Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kiến nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam kiểm tra các phương tiện doanh nghiệp đã sản xuất để tiến hành đăng kiểm ngay nếu phương tiện hoạt động tốt”, ông Đảo kiến nghị.
Vị này cũng cho biết, công nghệ đóng tàu vật liệu PPC là ý tưởng của các chuyên gia Cộng hòa Séc, Cơ quan đăng kiểm Cslloyd là người đã đồng hành cùng nhóm các chuyên gia Cộng hòa Séc để phát triển công nghệ đóng tàu PPC, họ cũng đã có thỏa thuận kývới Cục đăng kiểm Việt Nam. Đề nghị Bộ Giao thông Vận tải và Cục Đăng kiểm Việt Nam cho đăng kiểm Cslloyd được cung cấp dịch vụ đăng kiểm tàu thuyền cho doanh nghiệp và công nhận kết quả đăng kiểm của Cslloyd để cho tàu thuyền lưu thông và giúp cho doanh nghiệp phát triển tàu thuyền xuất khẩu đi các nước.
Kết luận buổi làm việc, ông Phan Xuân Dũng ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của Công ty cổ phần Công nghệ ViệtSéc vàkhẳng định, vật liệu PPC được các nước trên thế giới sử dụng từ lâu và được Công ty Việt Séc đưa vào ứng dụng tại Việt Nam có hiệu quả.
Theo vị này, việc ứng dụng công nghệ này về lâu dài sẽ rất có ích cho sự phát triển ngành công nghiệp đóng tàu của Việt Nam; và kiến nghị Công ty Công nghệ Việt Séc sớm phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và các cơ quan hữu quan tiến hành đóng thử nghiệm tàu đánh cá bằng vật liệu PPC; Ủy ban sẽ có báo cáo với Quốc hội để cơ quan có liên quan nhanh chóng tìm hướng xử lýphù hợpnhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Hoài Phong