Từ 2018 các hãng sữa phải ghi rõ sữa bò tươi hay sữa bột pha nước trên vỏ hộp
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 07:37, 09/08/2017
Các hãng sữa như Vinamilk, Cô gái Hà Lan (Dutch Lady), TH true MILK... sẽ phải ghi rõ sữa bò tươi hay sữa bột pha nước ngay trên vỏ hộp sản phẩm của mình kể từ năm 2018, theo quy định mới.
Điều này nhằm mục đích giúpngười tiêu dùng không còn nhầm lẫn giữa sữa tươi nguyên chất và các sản phẩm sữa bột pha chế thêm nước như lâu nay.
Trên thị trường sữa hiện naycó 2 loại sữa gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, một là sữa sản xuất từ sữa tươi nguyên liệu, thu được từ bò, trâu, dê, cừu chưa bổ sung hoặc tách bớt bất cứ thành phần nào của sữa và hai là sữa sản xuất bằng cách nhập khẩu sữa bột về pha lại.
Loại sữa sản xuất từ sữa bột rẻ hơn, sản xuất nhanh hơn nhưng hiện nay cũngđược gắn mác sữa tiệt trùng, thanh trùng, giống như các loại sữa sản xuất từ sữa bò nguyên chất. Điều này khiến các doanh nghiệp sản xuất sữa tươi nguyên chất bị cạnh tranh không lành mạnh, còn người tiêu dùng không chọn được sản phẩm đúng như ý muốn.
Bộ Y Tếđã chính thức ra Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 5-1:2017/BYT đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng, thay thế Quy chuẩn QCVN 5-1:2010/BYT. Quy chuẩn 2017 lần này chính thức định nghĩa lại tên gọi các loại sữa.
Điểm quan trọng nhất trong quy chuẩn 2017 là một loạt khái niệm đã được phân tách rõ ràng hơn, giúp người tiêu dùng không bị nhầm lẫn. Trong quy chuẩn 2010, chỉ có 7 loại sữa: Sữa tươi thanh trùng - Sữa tươi nguyên chất thanh trùng - Sữa tươi tiệt trùng - Sữa tươi nguyên chất tiệt trùng - Sữa tiệt trùng - Sữa cô đặc - Sữa gầy cô đặc.
Tuy nhiên, cũng trong quy chuẩn 2017, các sản phẩm sữa được phân loại theocách mới:sữa tươi thanh trùng/tiệt trùng nằm trong nhóm sữa tươi, phải là sản phẩm được chế biến chủ yếu từ sữa tươi nguyên liệu, sữa tươi nguyên liệu phải chiếm tối thiểu 90% tính theo khối lượng sản phẩm cuối cùng.
Với định mức 90% phải là sữa tươi nguyên liệu, các loại sữa bột pha chế, nhưng gắn mác sữa tiệt trùng/thanh trùng sẽ phải chuyển sang tên gọi "sữa hoàn nguyên". Đây được định nghĩa là sản phẩm dạng lỏng thu được bằng cách bổ sung một lượng nước cần thiết vào sữa bột hoặc sữa cô đặc để tái lập tỷ lệ nước và chất khô thích hợp của sữa hoặc thu được bằng cách kết hợp chất béo sữa và chất khô không béo của sữa, có thể bổ sung nước để thu được thành phần thích hợp của sữa. Thành phần sữa hoàn nguyên chiếm tối thiểu 90% tính theo khối lượng sản phẩm cuối cùng.
Bộ Y Tế cho biết, Quy chuẩn 2017 được xây dựng trên nguyên tắc bảo đảm an toàn đối với sức khỏe người sử dụng, phù hợp với thực tế sản xuất, kinh doanh và nhập khẩu tại Việt Nam, hhù hợp với các tiêu chuẩn quốc gia và quy định của pháp luật Việt Nam, hài hòa với tiêu chuẩn, quy định quốc tế, bảo đảm tránh tạo ra rào cản trong giao lưu thương mại của Việt Nam với các quốc gia khác trên thế giới.
Quy chuẩn 2017 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.3.2018,được cập nhật theo các khuyến cáo về quản lý nguy cơ của cơ quan quản lý có thẩm quyền của Việt Nam và nước ngoài, Tổ chức Nông lương Quốc tế (FAO), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm quốc tế (CODEX).
T.H