Triều Tiên công khai kế hoạch đánh đảo Guam
Quốc tế - Ngày đăng : 13:21, 10/08/2017
Ngày 10.8, Tướng Kim Rak Gyom, chỉ huy lưc lượng chiến lược Triều Tiên, gọi Tổng thống Trump là "gã mất trí"chỉ biết hành động vũ lực.
Ông nói lời dọa của ông Trump "vô nghĩa"và thông tin Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA) sẽ sớm hoàn thành kế hoạch bắn 4 tên lửa tầm trung để “trùm lửa” xuống đảo Guam trong tháng 8 này, sau khi đã bay qua lãnh thổ Nhật Bản.
Tuyên bố của tướng Kim cho biết tên lửa Sao Hỏa-12 sẽ được KPA phóng, bay qua các tỉnh Hiroshima, Shimani và Koichi của Nhật, vượt 3.356,7 km trong 1.065 giây và rơi xuống biển cách đảo Guam từ 30 - 40 km.
Kế hoạch phô trương thế lực này sẽ sẵn sàng vào trung tuần tháng 8, và chỉ chờ lệnh của Tổng tư lệnh Kim Jong-un.
Ngày 8.8, Tổng thống Trump tung ra lời đe dọa trút "lửa thịnh nộ"xuống Triều Tiên, giống như bắt chước giới truyền thông Triều Tiên thường dọa "nhấn chìm Hàn Quốc biển lửa".
Triều Tiên cũng tung ra nhiều video tuyên truyền, dàn dựng cảnh hai thành phố Mỹ Washington và New York bị cháy lớn sau khi bị Triều Tiên tấn công hạt nhân.
Ngày 9.8, Triều Tiên phản ứng, dọa đang tính kế hoạch "trùm lửa"đảo Guam thuộc lãnh thổ Mỹ. Ông Trump liền viết Twitter khoe Mỹ có vũ khí hạt nhân mạnh, nếu cần thiết sẽ dùng để đánh Triều Tiên.
Đảo Guam có 160.000 dân, 6.000 lính Mỹ và căn cứ không quân Andersen chứa 6 máy bay ném bom hạng nặng B-1B.
Các chiếc máy bay phi hạt nhân này đã có 11 lần bay tập kể từ tháng 5, sẵn sàng tấn công Triều Tiên.
Vào lúc Triều Tiên dọa nạt dùng tên lửa hạt nhân tấn công đảo Guam, báo Washington Times cũng cảnh báo Trung Quốc cũng có tên lửa hạt nhân độc địa hơn, mang tên Gió Đông- 31AG (DF-31 AG).
DF-31AG là phiên bản mới nhất của dòng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) DF-31, có tầm bắn khoảng 11.000 km tức có thể tấn công nhiều vùng đất Mỹ.
Ngày 30.7, trong cuộc duyệt binh hàng năm mừng ngày thành lập Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), ít nhất 16 chiếc DF-31AG được trình làng ở căn cứ Chu Nhật Hòa thuộc khu Nội Mông Trung Quốc.
Không có nhiều thông tin về loại tên lửa mới được gắn trên một hệ thống phóng di động trên mọi địa hình.
Đài truyền hình trung ương (CCTV) khoe Gió Đông-31 AF có thể mang nhiều đầu đạn và có tầm bắn xa hơn 2 kiểu DF-31 (chỉ có một đầu đạn) và DF-31A.
Dàn phóng di động có thể chạy trên nhiều địa hình, cho phép Gió Đông-31 AF không dễ bị đánh phủ đầu, vì có thể giấu nó trong những vùng núi.
Việc Trung Quốc khoe tên lửa DF-31AG không là bất ngờ, vì nhiều năm qua, các cơ quan tình báo Mỹ đã biết nó được phát triển.
Các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ nói nó có tên Đông Phong-31 trước khi Trung Quốc chính thức gọi là Gió Đông-31AG. Mỹ đã phát hiện vụ phóng thử đầu tiên vào ngày 25.9.2014.
Mỹ cũng khẳng định lực lượng tên lửa Trung Quốc tích cực phát triển tên lửa đạn đạo nhất thế giới, mở rộng cả về chủng loại và kích cỡ, gồm khoảng 40 chiếc 40 DF-31 và DF-31A, đồng thời đang phát triển tên lửa ICBM DF-41.
Nhà phân tích Rick Fisher chuyên theo dõi quân đội Trung Quốc, nói các đầu đạn của tên lửa DF-31AG là một bước trong nỗ lực Trung Quốc phát triển đầu đạn hạt nhân có thể tấn công nước Mỹ.
Vì thế, để bảo vệ Mỹ và đồng minh trước mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên, Mỹ cần tái triển khai nhiều vũ khí hạt nhân chiến thuật cho quân đội Mỹ.
Tướng không quân John E. Hyten, chỉ huy lực lượng hạt nhân Mỹ, gần đây đã cảnh báo khả năng tên lửa hạt nhân của Bình Nhưỡng đã có tiến bộ lớn, và ông cho rằng Bình Nhưỡng đã có thể dọa nạt nước Mỹ.
Trung Trực (theo Washington Times)