Ông Trầm Bê, Sacombank và Ngân hàng Nhà nước
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 15:27, 10/08/2017
Vụ việc ông Trầm Bê bị khởi tố do cho vay sai quy định khiến dư luận trong xã hội lại quan tâm tới các khoản nợ mà ông Trầm Bê nhận trách nhiệm giải quyết ở ngân hàng Sacombank (khoản nợ 35.400 tỉ đồng) và vai trò của ông trong thương vụ sáp nhập Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và Ngân hàng TMCP Phương Nam.
Một trong những hệ quả rất rõ của việc sáp nhập Ngân hàng Phương Nam với Sacombank là nợ xấu của Sacombank tăng lên đáng kể sau sáp nhập. Theo số liệu ước tính ngay sau khi sáp nhập, các khoản nợ có khả năng mất vốn và các khoản phải thu của Sacombank tăng lên nhiều lần (chẳng hạn nợ có khả năng mất vốn tăng hơn 3 lần, các khoản phải thu tăng 3-4 lần, tỷ lệ nợ xấu tăng hơn 3 lần). Sacombank trở thành ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất trong số các ngân hàng niêm yết.
Có ý kiến cho rằng việc sáp nhập Sacombank với Phương Nam có thể xem là một phần của chính sách tái cấu trúc hệ thống ngân hàng do đó nợ xấu của Sacombank tăng cũng là một phần trong tiến trình đó khi Sacombank nhận vào một ngân hàng yếu để tái cấu trúc.
Tuy nhiên, lý luận lại có một vấn đề là sự tổn hại lợi ích của các cổ đông hiện hữu của Sacombank trước khi sáp nhập. Một số cổ đông đã phản đối và một số báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán đã tỏ ra lo ngại về chuyện sáp nhập của Phương Nam vào Sacombank sẽ gây tổn hại đến an toàn vốn và dòng tiền cũng như giá trị cổ phiếu ngân hàng Sacombank. Nhưng chuyện sáp nhập vẫn diễn ra.
Nếu sáp nhập Sacombank - Phương Nam không diễn ra, với tình trạng nợ xấu của Phương Nam khi đó thì liệu ngân hàng này có tồn tại được không cũng là một vấn đề. Nếu ngân hàng này không tồn tại được, ông Trầm Bê với tư cách là cổ đông lớn nhiều khả năng sẽ phải ra đi và tổn thất tài sản (chẳng hạn nếu ngân hàng bị Nhà nước mua lại với giá 0 đồng).
Trái lại, ông Trầm Bê lại thâu tóm thành công Sacombank và thương vụ Sacombank - Phương Nam đã diễn ra. Thật khó mà nói ông Trầm Bê đã không vi phạm lợi ích của một số cổ đông Sacombank khi đã “phù phép” để thông qua thương vụ sáp nhập này. Giả sử ông Trầm Bê không nắm quyền quản lý Sacombank và không được sự ủng hộ của nhóm cổ đông lớn Sacombank khi đó thì thương vụ này sẽ khó thành công. Do đó, cũng không khó hiểu khi mà nhiều cổ đông Sacombank bức xúc đòi chất vấn ông Trầm Bê về thương vụ gây tổn hại giá trị của Sacombank tại đại hội đồng cổ đông ngân hàng này.
Việc các cổ đông lớn vi phạm quyền lợi của cổ đông nhỏ và thực hiện các thương vụ thâu tóm gây tổn hại giá trị công ty cũng là chuyện thường trong thị trường chứng khoán Việt Nam và nước ngoài mấy năm qua và đó là một chủ đề khác. Vấn đề người viết muốn đặt ra ở đây là vấn đề về vai trò của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc thông qua thương vụ này.
Ông Trầm Bê là một người quản lý một ngân hàng yếu hơn, có thành tích quản lý tệ hơn, nhưng lại thành công thâu tóm nghịch ý (hostile takeover) một ngân hàng mạnh hơn rồi buộc ngân hàng mạnh hơn đó phải gánh lấy một danh mục tài sản tệ hơn của ngân hàng mình sở hữu (Ngân hàng Phương Nam) thông qua thương vụ sáp nhập gây tổn hại cho cổ đông Sacombank. Với vai trò nhà quản lý, chốt chặn cuối cùng của an toàn hệ thống, NHNN lại bỏ qua tình huống này là một điều cần suy nghĩ.
Nhìn lại cả chặng đường từ khi ông Trầm Bê và nhóm cổ đông bên ngoài thâu tóm Sacombank cho đến thương vụ Sacombank - Phương Nam, đã hơn một lần người viết thấy có người đặt ra những câu hỏi về tiền đâu để nhóm cổ đông bên ngoài thâu tóm Sacombank (một câu hỏi đã được đại biểu Quốc hội đặt ra) và liệu thương vụ Sacombank - Phương Nam có nên được thông qua không khi mà cổ đông Sacombank đối mặt với số nợ xấu “khủng” sau sáp nhập. Thế nhưng không thấy không có một động thái cụ thể nào từ phía NHNN để có thể trả lời các câu hỏi này và như thế mọi việc diễn ra như bình thường.
Đây là một việc hết sức khó hiểu nếu chúng ta nhìn lại khối lượng báo cáo các ngân hàng thương mại (NHTM) phải nộp cho NHNN hàng ngày, hàng tuần và hàng quí và cách mà NHNN can thiệp vào hoạt động kinh doanh của NHTM (đặt trần lãi suất), áp dụng lãi suất đô la Mỹ 0%... trong khuôn khổ đảm bảo ổn định hệ thống tiền tệ, ngân hàng. Rõ ràng NHNN không hề đi theo tiêu chuẩn tránh can thiệp vào kinh doanh ngân hàng và để thị trường tự quyết (laissez-faire) trong rất nhiều vụ việc trước đó và sau này. Thế nhưng không rõ vì sao trong thương vụ sáp nhập Sacombank - Phương Nam thì có vẻ như NHNN lại “thả lỏng” như vậy?
Ngân hàng là một lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm, việc bổ nhiệm nhân sự cao cấp của ngân hàng phải thông qua NHNN và sở hữu ngân hàng cũng là một lĩnh vực nhạy cảm. Thế nhưng trong các thương vụ nhiều khuất tất liên quan đến ông Trầm Bê và Sacombank - những thương vụ mà NHNN có tiếng nói cuối cùng với tư cách cơ quan quản lý đảm bảo ổn định ngành ngân hàng - đặt ra một câu hỏi về trách nhiệm của NHNN vào thời điểm đó.
Nếu nhìn lại khối lượng báo cáo các ngân hàng thương mại phải nộp cho NHNN hàng ngày, hàng tuần và hàng quí và cách mà NHNN can thiệp vào hoạt động kinh doanh của NHTM để đảm bảo ổn định hệ thống tiền tệ, ngân hàng, rõ ràng NHNN không đi theo tiêu chuẩn để thị trường tự quyết. Thế nhưng, trong thương vụ sáp nhập Sacombank - Phương Nam thì có vẻ như NHNN lại “thả lỏng”, vì sao?
Hồ Quốc Tuấn - Giảng viên Đại học Bristol tạiAnh/The Saigon Times