Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt sẽ đề xuất cho thuê đất 99 năm
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 18:31, 10/08/2017
Phát biểu tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2017 chủ đề Tìm bước đột phá, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định năm 2017, dù phải đối phó với nhiều thách thức nội tại, cũng như những biến đổi mạnh mẽ của kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam tiếp tục có chuyển biến tích cực.
Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, triển khai một loạt chính sách nhằm thu hút hiệu quả nguồn lực đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân trong nước và đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó là việc hoàn thiện các chương trình hành động, ban hành, sửa đổi cơ chế, chính sách về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, xử lý nợ xấu...
Đặc biệt, Bộ trưởng đề cập đếntính đột phá điển hình trong hành động của Chính phủ qua3 bộ luật quan trọng đã được ban hành hoặc đang trong quá trình xây dựng, thông qua. Đó là Luật Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa được Quốc hội thông qua tháng 6.2017 có hiệu lực từ ngày 1.1.2018, còndự thảo Luật Quy hoạch và Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua vào kỳ họp tháng 10.2017.
Riêng về luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ tạo khuôn khổ pháp lý để hình thành 3 đơn vị hành chính, kinh tế tại Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) với những thể chế vượt trội, tiên tiến so với trong nước và cạnh tranh so với quốc tế; hình thành nên các khu vực tăng trưởng cao làm động lực và tạo sức lan tỏa góp phần vào sự phát triển của đất nước; tạo nên một sân chơi mới với các luật chơi mới thông thoáng, để các doanh nghiệp, các nhà đầu tư thỏa sức sáng tạo, thỏa sức phát triển.
Theo Bộ trưởng Dũng, trên thế giới những khu vực này đã hình thành và phát triển trên 75 năm với nhiều hình thức khác nhau như khu kinh tế mở, kinh tế tự do. Việt Nam cũng có nhiều mô hình như khu công nghiệp, kinh tế cửa khẩu nhưng chưa thực sự hấp dẫn để thu hút các thể chế.
Bộ trưởng trao đổi với các nhà đầu tư tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2017 - Ảnh: A.T
Chia sẻ thêmtại diễn đàn vấn đề đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm, Bộ trưởng nói hiệnViệt Nam phát triển dựa vào quá nhiều tiềm năng tĩnhnhư tài nguyên, lao động, vị trí địa lý. Những điều này đang đến giới hạn.
Để tăng tính cạnh tranh, Việt Nam cần phải thành lập sân chơi mới đủ sức hấp dẫn, cạnh tranh với các khu vực thế giới. Cùng với đó là định hướng tốt hơn như xanh, sạch, công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, tất cả những gì hay của thế giới đều có thể đầu tư thỏa sức tại đây, từ đócó thể lan tỏa ra nhiều khu vực kinh tế khác trong nước.
"Các khu hành chính đặc biệt này còn tạo ra sân chơi mới cho nhà đầu tư, họ cần gì, muốn gì thì Việt Nam sẽ xây dựng thể chế đáp ứng nhu cầu đó, chứ không phải Nhà nước có gì thì cho nhà đầu tư cái đó như trước đây", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cũng cho hay, những thể chế này sẽ không vượt Hiến pháp, không ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh, chủ quyền lãnh thổ, môi trường, văn hóa, sức khỏe người dân. Còn lại sẽ tạo môi trường thông thoáng.
Đáng lưu ý về đất đai, luật pháp hiện nay cho phép thuê 50 năm nhưngtrong luật Đơn vị hành chính kinh tế Đặc biệt sẽđưa ra kiến nghị cho kéo dài thời gian thuê đất lên 99 năm. Mô hình chính quyền 3 đặc khu cũng được đơn giản hóa chỉ có 1 cấp, không có hội đồng nhân dân…
Và cả 3 khu trên đều được Trung ương thí điểm để đầu tư kinh doanh không chỉ casino mà còn nhiều ngành nghề khác nhưVân Phong có điều kiện rất tốt để phát triển cảng trung chuyển, logistics; Vân Đồn có thể phát triển công nghệ sinh học, giáo dục, công nghệ dược phẩm… Các ngành nghề đầu tư sẽ không xung đột lẫn nhau mà bổ sung cho nhau để cùng phát triển.
"Nếu chúng ta chọn con đường đi đúng thì sẽ đi nhanh và đi bền vững", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định.
Đối với Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các quy tắc thị trường được tôn trọng, theo đó việc hỗ trợ được thực hiện thông qua tạo cơ chế, chính sách, điều kiện thuận lợi để các tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ hỗ trợ trên nền tảng khung pháp lý khuyến khích, huy động các nguồn lực từ khu vực tư nhân, của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Luật Quy hoạch sẽ tạo sự đổi mới toàn diện về công tác quy hoạch; góp phần thay đổi phương thức quản lý nhà nước hiện nay theo hướng nhà nước kiến tạo và phục vụ; tạo sự thống nhất trong chỉ đạo điều hành từ Trung ương đến địa phương; tăng cường liên kết vùng, phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế của từng vùng, từng địa phương; phát huy hiệu quả trong khai thác và sử dụng nguồn lực của đất nước để thúc đẩy phát triển bền vững, góp phần bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cùng vớiluật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, những yếunói trên sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước, sẽ là một sân chơi mà ở đó nhiều hình thức đầu tư được thực hiện, trong đó hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A), một hình thức được dự báo là sẽ nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư chiến lược.