Vụ BOT Cai Lậy: Có ghi hình tài xế gửi công an cũng không có căn cứ xử lý

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 14:12, 11/08/2017

Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, hiện nay chưa có bất kỳ một quy định pháp luật nào quy định là người dân không được bỏ tiền lẻ trong ống nhựa để thanh toán tiền khi qua trạm thu phí giao thông.

Như báo điện tử Một Thế Giớiđã đưa tin, sau khi trạm thu phí đường tránh TX. Cai Lậy, Tiền Giang vận hành, hàng loạt tài xế đã dùng tiền lẻ có mệnh giá 500 đồng, 1.000 đồng bỏ vào chai nhựa mua vé qua trạm để phản đối mức phí mà trạm đưa ra.

Theo cánh tài xế, điểm bất hợp lý nằm ở chỗ hiện nay đường cao tốc Trung Lương - TP.HCM dài 45km có 4 làn cao tốc cho phép xe lưu thông vận tốc 80 - 100 km/giờ, nhưng chỉ thu phí có 40.000 đồng đối với các loại xe từ 7 chỗ ngồi trở xuống. Thế nhưng đường tránh thị xã Cai Lậy chỉ dài 12,2km, 2 làn đường lưu thông, tốc độ tối đa chỉ bằng quốc lộ 1A mà thu 35.000 đồng/xe từ 7 chỗ ngồi trở xuống là quá đắt.

Đáng nói, ông Nguyễn Phú Hiệp, Giám đốc BOT Tiền Giang nói với báo chí rằng, từ khi đi vào hoạt động đến nay, Trạm thu phí tuyến tránh TX. Cai Lậy đã ghi nhận có khoảng 15 trường hợp tài xế dùng tiền lẻ mệnh giá nhỏ 200 đồng, 500 đồng,… bỏ vào chai nhựa hoặc bao nhựa để mua vé qua trạm.

“Trước mắt, những trường hợp đưa tiền lẻ để mua vé qua trạm sẽ được giải quyết bằng cách cho xe chạy qua trạm và chờ ở làn dự phòng. Khi nhân viên thu phí đếm đủ tiền sẽ cho phương tiện đi tiếp. Bên cạnh đó, công ty cũng đã làm văn bản gửi đến Công an tỉnh Tiền Giang, Sở GT-VT tỉnh Tiền Giang và cơ quan chức năng đề nghị xử lý những trường hợp tài xế cố tình dùng tiền lẻ mua vé qua trạm”, ông Hiệp cho biết.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới về việc này, Luậtsư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, hiện nay chưa có bất kỳ một quy định pháp luật nào quy định là người dân không được bỏ tiền lẻ trong ống nhựa để thanh toán tiền khi qua trạm thu phí giao thông.

Theo vị này, về nguyên tắc pháp luật không cấm thì người dân được làm. Do vậy, rất khó có căn cứ để xử lý tài xế về hành vi này.

Cũng theo ông Hùng, việc nhân viên trạm thu phí ghi hình tài xế và giao cho công an cũng không trái quy định. “Quan trọng là nhân viên miễn không được ghi hình ảnh của tài xế để xúc phạm nhân phẩm, nhân thân mà pháp luật bảo vệ cho mọi người”.

“Nếu ghi hình vì những mục đích làm ảnh hưởng đến tài xế thì tài xế có quyền khởi kiện yêu cầu chấm dứt và bồi thường, xử lý. Nếu việc anh ghi hình, tố cáo tài xế không đúng, không có căn cứ thì tài xế có quyền tố cáo nhân viên có hành vi vu khống để được cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định”, ông Hùng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, cũng theo các đơn vị vận tải, trạm BOT này mang danh nghĩa là thu cho tuyến tránh nhưng lại được đặt ngay trên Quốc lộ. Trên thực tế, trạm BOT Cai Lậy được đặt trên tuyến Quốc lộ 1A, cách điểm vào tuyến tránh Cai Lậy khoảng 1km theo hướng Cần Thơ - Tiền Giang.

Nêu quan điểm về điều này, ông Hùng cho biết tuyến tránh như vậy không giúp cho các phương tiện giao thông thuận lợi, nhanh chóng và an toàn hơn như mọi người mong đợi. Việc đặt sai vị trí có thể xảy ra tình trạng xe không đi vào đường tránh nhưng vẫn bị thu tiền.

“Thay vì chỉ thu phí đối với các phương tiện đi qua đường tránh, nhưng vì trạm thu phí đặt trên Quốc lộ 1 nên tất cả các loại phương tiện đi từ các tỉnh miền Tây về TP. HCM và ngược lại đều phải nộp phí với giá quá cao, cho dù họ không có sử dụng đường tránh”, ông Hùng nêu.

Cũng theo vị này, với lưu lượng trung bình hơn 50.000 lượt ô tô các loại lưu thông trên Quốc lộ 1 qua địa phận Tiền Giang mỗi ngày đêm, nếu lấy mức phí thấp nhất là 35.000 đồng/lượt (ô tô dưới 12 chỗ ngồi) thì mỗi ngày trạm thu phí sẽ thu được ít nhất là 1,75 tỉ đồng. Với thời gian được phép thu phí là 6 năm 4 tháng thì chủ đầu tư sẽ thu được ít nhất hơn 4.000 tỉ đồng. Trong khi tổng đầu tư cho tuyến đường tránh này chỉ 1.400 tỉ đồng.

Luật sư này cũng cho biết giới tài xế phàn nàn rằng với tuyến đường dài chỉ nhích hơn 12 km (2 làn xe) nhưng mức thu phí thấp nhất là 35.000 đồng/lượt là quá cao. Thử so sánh với tuyến cao tốc Trung Lương - TP.HCM, dài 40 km (6 làn xe), mức thu phí tương ứng chỉ 40.000 đồng/lượt.

Như vậy, ông Hùng cho rằng với vị trí của trạm và mức thu phí như trên là bất cập và tài xế phản đối, bức xúc, không hài lòng là có căn cứ. Cơ quan chức năng cần phải xem xét đặt lại vị trí trạm (nếu có thể) và mức thu phí nhằm bảo đảm quyền lợi cho đôi bên, tránh gây bức xúc và dư luận phản đối gần đây.

Hoài Phong

Trí Lâm