Kuwait tính chuyện trừng phạt mạnh Triều Tiên

Quốc tế - Ngày đăng : 11:04, 15/08/2017

Vào lúc Mỹ và CHDCND Triều Tiên khẩu chiến nóng bỏng về chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng, Bộ Ngoại giao Kuwait thông báo đang lên kế hoạch trừng phạt mạnh Triều Tiên.

Bộ Ngoại giao Kuwait cho biết đã lập một Ủy ban quốc gia soạn những biện pháp trừng phạt, để thể hiện sự cam kết thực hiện nghị quyết trừng phạt kinh tế Triều Tiên mà Hội đồng bảo an LHQ đã nhất trí thông qua ngày 6.8.

Các hành động trừng phạt của Kuwait gồm:

1 Cấm hoàn toàn việc nhập khẩu hàng hóa Triều Tiên, ngưng cấp phép thương mại cho Triều Tiên.

2. Ngưng cấp visa lao động cho dân Triều Tiên đến Kuwait làm việc, chặn dòng tiền gởi về Triều Tiên của nhóm nhân công này.

3. Không cho Triều Tiên vay tiền của ngân hàng nhà nước Kuwait, và cấm hoàn toàn các chuyến bay thẳng đến và rời Triều Tiên.

Cho đến năm 2016, Kuwait là một trong số điểm đến ít ỏi của hãng hàng không dân dụng Triều Tiên.

Kuwait là một đồng minh chủ lực của Mỹ, trong khi Mỹ có căn cứ ở Kuwait để đánh quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Trung Đông.

Mỹ đã kêu gọi các nước có quan điểm cứng rắn với Bình Nhưỡng. Ban đầu, Kuwait từ chối tham gia, nhưng ngày 13.8, Bộ Ngoại giao Kuwait thông báo đang có kế hoạch trừng phạt mạnh Triều Tiên như đã nêu trên.

Dù Mỹ có quan hệ chặt chẽ với Kuwait-từ lúc Mỹ đưa quân qua Kuwait năm 1990 để đánh đuổi quân đội Tổng thống Iraq Saddam Hussein-nhưng Mỹ từng chật vật thuyết phục Kuwait giúp giải quyết sự lo ngại khả năng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của Triều Tiên đánh tới lãnh thổ Mỹ.

Hồi tháng 6, Bộ Ngoại giao Mỹ hoan nghênh Kuwait giảm cấp visa lao động cho dân Triều Tiên, nhưng ngày 10.8, Kuwait nói vẫn tiếp đón nhân công Triều Tiên và không dừng cấp visa lao động cho họ.

Bộ Ngoại giao Kuwait nói với hãng tin AP: không có kế hoạch trục xuất nhân công Triều Tiên và Kuwait sẽ không làm thế.

Hôm sau, hãng thông tấn Kuwait phủ nhận thông tin đang có hàng ngàn người Triều Tiên làm việc ở Kuwait, dù AP khẳng định chính phủ Kuwait cung cấp số liệu này.

Mỹ đã cáo buộc Triều Tiên đưa dân nước này đến Kuwait, Nga và Trung Quốc, nơi mà họ phải lao động nặng nhọc để lãnh lương nộp về chính phủ Triều Tiên dưới quyền lãnh đạo Kim Jong-un, tức là ‘lách’ các lệnh trừng phạt quốc tế.

Ngày 6.8, Hội đồng bảo LHQ thông qua nghị quyết tăng cườngtrừng phạt kinh tế Triều Tiên, do Bình Nhưỡng không chịu từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, phóng 2 quả ICBM vào các ngày 4.7 và 29.7.

Nghị quyết của HĐBA LHQ phải được thi hành trong 30 ngày kể từ khi được thông qua, có sự ủng hộ của Trung Quốc và Nga, được các chuyên gia nhận định sẽ khiến Bình Nhưỡng tổn thất 1 tỉ USD mỗi năm.

Ngày 14.8, Bộ Thương mại Trung Quốc ra lệnh cấm nhập khẩu nhiều loại khoáng sản của Triều Tiên, tuân thủ nghị quyết trên. Lệnh cấm nhập khẩu sẽ chính thức có hiệu lực từngày 15.8. Những mặt hàng bị cấm nhập khẩu gồm hải sản và nhiều loại khoáng sản như than, quặng sắt, chì.

Cục hải quan Trung Quốc nói sẽ cho dừng nhập các khoáng sản và hải sản Triều Tiên từ ngày 5.9 tới. Trước ngày đó, bất kỳ chuyến tàu hàng nào về Trung Quốc vẫn sẽ được thông quan.

Hồi tháng 2, Trung Quốc tuân thủ một nghị quyết khác của LHQ, công bố cấm nhập khẩu than Triều Tiên đến hết năm nay. Nhưng xem ra tổng thương mại Triều-Trung vẫn tăng, nên chính phủ Mỹ cáo buộc Bắc Kinh không dùng ưu thế kinh tế để buộc ông Kim Jong-un chấm dứt theo đuổi tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân.

Theo Newsweek, Mỹ đã kêu gọi Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) ‘thu nhỏ’ quan hệ với Bình Nhưỡng.

Ngoài quan hệ với các đối tác thương mại hàng đầu là Trung Quốc, Triều Tiên cũng có quan hệ đối tác với nhiều nước, nhất là ở châu Phi, theo Newsweek.

Trung Trực (theo Newsweek)

Trần Trí