Những món nợ nghìn tỉ của BIDV dưới thời ông Trần Bắc Hà
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 06:58, 03/06/2018
Dưới thời ông Trần Bắc Hà, mặc dù Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) được xem là một những ngân hàng lớn nhất cả nước, nhưng tiềm ẩn bên trong đó vẫn là những khoản nợ nghìn tỉ khó đòi, đầy rủi ro.
Đầu tiên phải kể đến khoản vay của Hoàng Anh Gia Lai. Nếu tính cả khoản cho vay tín dụng đơn thuần và phát hành trái phiếu thì Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) nợ BIDV tới 10.500 tỉ đồng tính đến cuối tháng 4.2016. Ở thời điểm này, tình hình tài chính của HAGL gặp rất nhiều khó khăn khi thua lỗ triền miên, buộc Ngân hàng Nhà nước phải vào cuộc thông qua phương án tái cơ cấu nợ cho công ty.
Số nợ hơn 10.000 tỉ đồng này từng khiến cổ đông của BIDV hoang mang, lo lắng. Lúc đó, nhiều thông tin cho rằng ông Trần Bắc Hà đang "giải cứu" HAGL khi vị Chủ tịch này thừa nhận HAGL chậm trả lãi.
Tuy nhiên, ông Hà đã ngay lập tức lên tiếng trấn an: "Không được dùng từ giải cứu với HAGL. Doanh nghiệp này quan hệ với BIDV 20 năm nay, vay trả sòng phẳng nhưng do tình hình thị trường nên có chậm. Khi họ khó khăn, cả 10 ngân hàng cho vay đều thấy cần trách nhiệm đồng hành, hỗ trợ".
Tiếp đến là Hợp đồng tín dụng với BIDV và một số ngân hàng đối với Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ (PVTex) ghi nhận mức nợ 221,3 triệu USD (tương đương với hơn 5.000 tỉ đồng).
PVTex là một trong những dự án thua lỗ triền miên, nhiều lần đắp chiếu, vì vậy không có nguồn để trả nợ. Nhà máy hiện đang đứng trước nguy cơ phá sản.
Khoản nợ của Khoáng sản Na Rì (KSS) trị giá 948 tỉ đồng cũng được cho là "mơ hồ", khó đòi khi giá trị khoản vay cao gấp 2 lần vốn điều lệ của công ty. Đây là khoản nợ mà BIDV chi nhánh Bắc Kạn đã cho KSS vay.
Đáng chú ý là vụ việc BIDV cho Ngân hàng Xây dựng vay 4.700 tỉ đồng, một vụ việc mà thời điểm khi được đưa ra công chúng đã rộ lên tin đồn ông Trần Bắc Hà bị bắt. Theo hồ sơ vụ án đang xét xử, Phạm Công Danh đã dùng 3.070 tỉ đồng của Ngân hàng Xây dựng (CB Bank) gửi sang BIDV. Sau đó, ông này đã chỉ đạo lập hồ sơ vay của 12 công ty để vay BIDV 4.700 tỉ đồng. Tài sản đảm bảo là bất động sản và tiền gửi của CB Bank tại BIDV. Toàn bộ số tiền vay, Phạm Công Danh dùng cho mục đích cá nhân là tăng vốn điều lệ của CB Bank và chi tiêu cho Tập đoàn Thiên Thanh (công ty Phạm Công Danh là Chủ tịch trước đó).
12 công ty này đều không có hoạt động kinh doanh vật liệu xây dựng như mục đích sử dụng vốn đã khai với BIDV, toàn bộ hồ sơ vay đều được lập khống. BIDV đã giải ngân 4.700 tỉ đồng cho các công ty này. Sau đó Phạm Công Danh lại rút tiền từ CB Bank để trả nợ gốc và lãi cho BIDV.
Tại kỳ họp 26 diễn ra mới đây, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Cụ thể, Ban Thường vụ Đảng ủy BIDV nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, để BIDV có nhiều vi phạm nghiêm trọng mang tính hệ thống trong thực hiện quy chế làm việc, quy định về phân cấp thẩm quyền và quy trình, thủ tục cấp tín dụng, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm tăng nợ xấu, nhất là các khoản nợ có khả năng mất vốn; để nhiều cán bộ vi phạm kỷ luật đảng và pháp luật nhà nước, bị xử lý hình sự; làm giảm nguồn thu ngân sách, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, đến thu nhập, việc làm và đời sống của người lao động Ngân hàng BIDV.
Trong đó, ông Trần Bắc Hà, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020. Ông Hà đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, có biểu hiện áp đặt, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành; vi phạm nghị quyết của Ban Thường vụ Đảng ủy về nghĩa vụ, trách nhiệm của người giữ chức vụ trong hệ thống BIDV; vi phạm quy trình, thủ tục, thẩm quyền, quy định về tín dụng trong việc phê duyệt chủ trương, quyết định một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ, trong đó có việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỉ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng.
"Những vi phạm của ông Trần Bắc Hà là rất nghiêm trọng, vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy BIDV nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020 nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và Ngân hàng BIDV, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật", Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị.
Tuyết Nhung