Nhà vận động dân chủ 'Dù Vàng' ở Hồng Kông bị bỏ tù 8 tháng
Quốc tế - Ngày đăng : 17:29, 17/08/2017
Thủ lĩnh Dù Vàng Hoàng Chí Phong (Joshua Wong) là bộ mặt của phong trào Dù Vàng xuống đường suốt 79 ngày đòi tổ chức cuộc bầu cử chức Đặc khu trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông (thuộc Trung Quốc) bị kết án 6 tháng tù.
Hai đồng thủ lĩnh Alex Chow và Nathan Law bị kết án 8 tháng tù.
Một năm trước, cả ba thủ lĩnh trẻ thoát án tù vì tội “tham gia hoặc kích động một cuộc tập kết trái phép”, chỉ bị xử án treo và phải lao động công ích.
Nhưng rồi chính quyền đặc khu quyết trừng phạt họ nặng hơn để làm đẹp lòng Bắc Kinh. Bản án mà tòa phúc thẩm vừa tuyên trưa 17.8 có hiệu lực lập tức.
Sở Tư pháp Hồng Kông bào chữa bản án nặng hơn là hợp pháp, nói 3 thủ lĩnh Dù Vàng không bị tù vì thể hiện quyền tự do dân sự, mà vì vai trò của họ trong cuộc chiếm đóng công sở chính quyền suốt 79 ngày hồi tháng 9.2014 là ‘vi phạm pháp luật’.
Tòa án tuyên tội của họ là dẫn dắt người biểu tình xông vào một cơ quan chính quyền, phản đối những qui định chặt chẽ của Trung Quốc về cách tổ chức bầu đặc khu trưởng.
Nhưng Hoàng Chí Phong nói trước khi bản án được tuyên: “Chính quyền không muốn chúng tôi tham gia tranh cử, trực tiếp đàn áp phong trào của chúng tôi. Ở Hồng Kông không còn luật lệ”.
Suzanne Pepper, một học giả về chính trị Hồng Kông nói với báo New York Times: các bản án mới là do Bắc Kinh phản đối phong trào đòi dân chủ ở Hồng Kông. Đó là một chiến lược kép, nhắm vào các thủ lĩnh, bắt họ phải trả giá để làm gương cho những ai có thể muốn noi theo bước họ, cũng như ban thưởng cho những ai chịu thần phục. Đó là chiến lược cây gậy và củ cà rốt hoặc “giết gà dọa khỉ”.
Theo báo New York Times, những bản án là một thất bại cho thành phố Hồng Kông, vào lúc đặc khu này đấu tranh để được tiếp tục thụ hưởng nhiều quyền tự chủ, như quyền tự do ngôn luận và là nơi duy nhất thuộc lãnh thổ Trung Quốc được phép xuống đường phản đối.
Các quyền này được nêu trong Luật cơ bản của Đặc khu hành chính Hồng Kông, bảo đảm cho thành phố này được tự do trong ít nhất 50 năm tính từ năm 1997và được thụ hưởng chính sách “Một quốc gia hai chế độ” mà Bắc Kinh đã thỏa thuận với Anh, khi Anh trả xứ nhượng địa này cho Trung Quốc vào ngày 1.7. 1997.
Nhưng hiện người dân Hồng Kông cho rằng Trung Quốc đang từ bỏ chính sách “Một quốc gia hai chế độ”, can thiệp sâu vào việc điều hành thành phố này.
Hồi đầu tháng 7, khi đến Hồng Kông dự lễ kỷ niệm 20 năm ngày Anh trả nhượng địa này cho Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cảnh cáo “Hồng Kông chớ trở thành địa bàn thách thức chính quyền”.
Sau khi ông Tập về nước trưa 1.7, hàng chục ngàn dân Hồng Kông xuống đường thách thức “nền cai trị của Bắc Kinh” bằng cuộc tuần hành hàng năm để kỷ niệm ngày Hồng Kông được trả về Trung Quốc.
Trung-Anh còn từng có Bản tuyên bố chung 1984mang nội dung Trung Quốc cho Hồng Kông hưởng quyền tự do, tự chủ vốn không có ở Hoa lục, bảo đảm sự tự do và lối sống không thay đổi cho đến tận năm 2047.
Văn bản này là cơ sở để Anh đồng ý trả Hồng Kông cho Trung Quốc.
Nhưng cuối tháng 6.2017, Bộ Ngoại giao chính thức bác bỏ Tuyên bố chung. Người phát ngôn Lục Khảng nói Tuyên bố chung chỉ là một tài liệu lịch sử, không còn ý nghĩa thực tiễn và không hoàn toànbắt buộc đối với cách chính quyền trung ương quản lý Hồng Kông”.
Người ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông nói Trung Quốc “vứt thùng rác” Tuyênbố chung 1984.
Trung Trực (theo Guardian)