Đệ nhất phu nhân Zimbabwe đánh công dân Nam Phi nhưng 'được tha'

Quốc tế - Ngày đăng : 19:40, 19/08/2017

Theo nguồn tin của hãng tin Reuters ngày 19.8, chính phủ Nam Phi đã ban quyền miễn trừ ngoại giao cho Đệ nhất phu nhân Zimbabwe, ‘tha’ tội đánh công dân Nam Phi của bà Grace Mugabe.

Nguồn tin giấu tên nói vợ của Tổng thống Robert Mugabe được chính quyền Nam Phi cho hưởng quyền miễn trừ ngoại giao, giúp bà Grace khỏi bị nước này truy tố tội bà dùng dây điện đánh tét trán một nữ công dân Nam Phi, người mẫu Gabriella Engels, với cớ cô ‘sống chung’ với 2 con trai của bà.

Người mẫu Engels, 20 tuổi, đã kiện vợ Tổng thống Mugabe, nói cô bị đánh tối 13.8, trong lúc cô cùng hai người bạn trong một dãy phòng khách sạn hạng sang ở Johannesburg (Nam Phi) trong lúc chờ một trong hai con trai của ông Mugabe.

Mẹ của Engels nói sẽ rất đáng tiếc nếu bà Grace được trở về Zimbabwe.

Trước đó, cảnh sát Nam Phi đã đặt các cửa khẩu biên giới ở tình trạng ‘báo động đỏ’, nhằm không cho bà Grace trốn chạy, và nêu rõ bà sẽ không được ưu ái trong vụ đánh công dân Nam Phi.

Nhưng nguồn tin giấu tên củaReuters nói bà Grace đã được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao, và bà đã không có mặt ở một phiên tòa tại Johannesburg hôm 15.8.

Người mẫu Engels nói đây là “ác mộng ngoại giao” cho Nam Phi vốn đang có quan hệ khó khăn với Zimbabweláng giềng.

Tại Nam Phi, có khoảng 3 triệu dân Zimbabwe lưu vong, gọi Tổng thống Mugabe là “độc tài”, hủy hoại một trong những nền dân chủ đầy hứa hẹn nhất của châu Phi.

Ông Mugabe, 93 tuổi,cầm quyền ở Zimbabwe từ năm 1980, được nhiều người châu Phi đánh giá là “trưởng lão”, là “anh hùng” của công cuộc chống thực dân.

Hôm 18.8, một quan chức cấp cao Nam Phi nói chuyện bà Grace bị bắt là “không có cửa”, vì Zimbabwe sẽ có phản ứng mạnh.

Vi thế, ông Mugabe đã đến Pretoria (Nam Phi) hai ngày trước khi dự một hội nghị thượng đỉnh các nước nam châu Phi trong tuần này, để gỡ rối vấn đề pháp lý của vợ ông.

Nguồn tin từ chính phủ Nam Phi thừa nhận quan điểm của nhiều chuyên gia pháp lý: bà Grace không đáng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao, vì bà qua Nam Phi để chữa bệnh.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nam Phi nói chuyến đi của bà Mugabe là một chuyến đi tư nhân, chính phủ Nam Phi không liên quan.

Nhưng nguồn tin nói Nam Phi phải cho bà Mugabe hưởng quyền này, vì nhiều nước khu vực nam châu Phi ủng hộ Đại hội dân tộc Phi (ANC, đảng cầm quyền ở Nam Phi) từng đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc apartheid, nên việc xét xử bà Grace sẽ bị các nước trong vùng xem là một cúphản bội lại sự ủng hộ dành cho ANC.

Bích Ngọc (theo Reuters)

Trần Trí