Chuyên gia nói gì trước đề xuất tăng thuế VAT của Bộ Tài chính
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 16:03, 21/08/2017
Ủng hộ tăng thuế để tái cấu trúc hệ thống thuế
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính):
Các nước trên thế giới đánh thuế VAT tương đối cao, ngay cả các nước trong khu vực cũng thế.
Mức thuế VAT ở nước ta so với thế giới ở thời điểm hiện tại tương đối thấp. Thuế VAT đánh trên giá trị gia tăng ở Việt Nam từ 5 đến 10%, mức bình quân dưới 10%. Trong khi đó, trên thế giới mức chung là từ 5 đến 20% nhưng trong những năm gầy đây thì hầu hết quốc gia trên thế giới ở mức 15 đến 20%.
Chúng ta sắp phải bỏ thuế xuất nhập khẩu và cấu trúc lại toàn bộ hệ thống thuế để tương đồng với các nước ASEAN và các nước trên thế giới.
Tăng VAT lên 12% thì cũng không tăng được nhiều tiền, chỉ khoảng 5.000 tỉ. Trong khi đó, riêng thuế nhập khẩu giảm đi hàng chục nghìn tỉ. Thuế thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp cũng phải giảm đi nhiều.
Vấn đề tăng thuế này nằm trong chiến lược tái cấu trúc ngành thuế chứ không phải chỉ nhìn riêng vấn đề thu thuế VAT.
Thuế VAT là thuế gián thu, thu hộ cho nhà nước, thu vào người tiêu dùng chứ không thu cho người sản xuất nên nó không ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh.
Mặt khác, trong khi thuế xuất nhập khẩu giảm, các nguyên vật liệu giảm, thuế thu nhập doanh nghiệp giảm, thu nhập cá nhân giảm, thuế khác giảm thì việc đánh thuế tiêu dùng sẽ không làm giá cả của các mặt hàng hóa tăng.
Như vậy, xét trong tổng thể thì người tiêu dùng không hề chịu thiệt. Để đáp ứng nhu cầu về tái cấu trúc ngành thuếkhi nguồn thu có thay đổi bởi vấn đề đã giảm hàng loạt các loại thuế như: thuế xuất nhập khẩu, thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp thì việc nâng thuế đánh tiêu dùng thành đòi hỏi bắt buộc. Ở một góc độ khác thì thu nhập của người dân tăng lên. Nên bắt buộc phải tăng thu thuế VAT để thu ngân sách nhà nước cân đối.
Rồi dần dần thuế VAT còn phải tăng lên chứ không chỉ 12% thôi đâu, nhưng việc tăng lên phải từ từvà phù hợp với mức độ mở rộng của sản xuấtvà mức tăng thu của người dân. 12% là mức tương đối thấp so với các nước trong khu vực chứ không phải là cao.
Chuyên gia Đinh Tuấn Minh, Giám đốc điều hành Công ty nghiên cứu thị trường MarketIntello:
Cùng với một lượng thu ngân sách từ thuế, việc thu thuế tiêu thụ tốt hơn từ thuế thu nhập và cần có một lộ trình để chuyển sang hướng này.
Về tính công bằng, tất cả mọi người đều phải đóng thuế. Người giàu tiêu thụ nhiều sẽ phải đóng thuế nhiều, người nghèo tiêu thụ ít sẽ phải đóng thuế ít. Thường với cũng một loại hàng hóa, người giàu tiêu thụ các loại hàng hóa cao cấp hơn nên trên thực tế với cùng mức thuế họ đóng thuế nhiều hơn người nghèo.
Bên cạnh đó, hệ thống thuế dựa trên thu nhập cực kỳ phức tạp và rối rắm. Để công bằng thì cần phải đặt ra rất nhiều mức thuế khác nhau, rất nhiều khoản giảm trừ khác nhau, dẫn đến hệ thống thuế cồng kềnh phức tạp. Sự cồng kềnh phức tạp dẫn đến hiện tượng trốn thuế lại tạo ra sự mất công bằng.
Trong khi đó hệ thống thuế dựa trên tiêu thụ lại cực kỳ đơn giản, đặc biệt nếu như đó là một hệ thống chỉ có một mức thuế tiêu thụ. Mọi người đều tiêu dùng và đều phải chịu thuế.
Hệ thống thuế dựa trên thu nhập rất dễ bị thay đổi do quan điểm về “công bằng” thường xuyên thay đổi theo các nhóm lợi ích có quyền lực chi phối. Thu nhập cũng có xu hướng tăng, giảm thất thường do các chu kỳ kinh tế, dẫn đến các chính sách thay đổi mức thuế.
Trong khi đó hệ thống thuế dựa trên tiêu thụ sẽ ổn định hơn vì mức thuế ít chịu tác động của các nhóm lợi ích; mức thu sẽ tự động tăng khi nền kinh tế bùng nổ và tự động giảm khi nền kinh tế thu hẹp. Nhà nước vì vậy sẽ có thể tiên liệu được khả năng thu để lên kế hoạch chi hợp lý.
“Việc tất cả người dân phải nộp thuế cũng sẽ tạo ra sức ép lớn hơn đối với chính quyền trong việc chi thuế sao cho công bằng”, ông Minh nói.
Về tác động đến nền kinh tế, hệ thống thuế dựa trên thuế thu nhập thực chất là hệ thống thuế đánh vào tiết kiệm. Nó khiến cho giảm đầu tư và giảm tăng trưởng kinh tế về dài hạn. Trong khi đó hệ thống thuế dựa trên thuế tiêu thụ lại khuyến khích tiết kiệm và đầu tư, do vậy tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn cho nền kinh tế. Làm tăng thu nhập của người dân và dẫn đến tăng chi tiêu trong tương lai.
Không ủng hộ vì làm “tổn thương” người thu nhập thấp
TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển (Bộ kế hoạch và Đầu tư):
Việc tăng thuế VAT sẽ đi ngược lại với thông lệ quốc tế, bởi theo xu hướng trên thế giới thì đa phần các quốc gia đều tính đến việc giảm thuế. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay trong bối cảnh ngân sách đang căng thẳng thì đây là tình thế bắt buộc.
Đây chỉ là giải pháp ngắn hạn mang tính chất tạm thời. Về lâu dài, việc thu thuế phải đảm bảo tính minh bạch, bền vững, nhất là ở nước đang phát triển như Việt Nam thì phải tính tới hình thức thu thuế ổn định, và giảm thuế xuống.
Thuế VAT là thuế gián thu, đánh vào người tiêu dùng nên vấn đề tăng thuế sẽ tạo ra tác động đến người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp, tác động đến phần "cầu" của nền kinh tế. Trong quá trình thu thuế, Bộ Tài chính nên kiểm soát tốc độ tăng giá đồng thời chú ý đến vấn đề lạm phát. Việc gì cũng có 2 mặt nên chúng ta phải cân nhắc cẩn thận.
Bộ Tài chính nói tăng thuế VAT lên để phù hợp với thông lệ quốc tế là không thuyết phục, bởi vì sự phát triển của mỗi nước đều khác nhau nên mức thuế của mỗi nước cũng khác nhau.
TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright:
Nên cẩn trọng với quyết định tăng thuế VAT với ít nhất 3 lý do:
Thứ nhất, thuế VAT nhìn chung có tính “lũy thoái”, do vậy sẽ đánh vào người thu nhập thấp nặng nề hơn. Người tiêu dùng, bất kể thu nhập cao hay thấp, đều phải đóng cùng một mức thuế VAT cho cùng một sản phẩm chịu thuế. Song do người thu nhập thấp phải dành một tỷ trọng thu nhập lớn hơn cho tiêu dùng nên gánh nặng thuế họ phải chịu sẽ chiếm một tỷ trọng cao hơn so với thu nhập. Tăng thuế VAT vì vậy sẽ làm người thu nhập thấp bị tổn thương nhiều hơn - do vậy khó được chấp nhận dưới góc độ công bằng.
Thứ hai, tỷ trọng đóng góp của VAT trong tổng thu ngân sách của Việt Nam hiện đã khá cao, cao hơn hẳn so với các nước EU - là những nước có thuế suất VAT thuộc nhóm cao nhất thế giới. Với thuế suất VAT phổ thông hiện nay là 10%, VAT đã chiếm tới 27,5% tổng thu ngân sách của Việt Nam. Trong khi đó, với mức thuế suất phổ thông trung bình cao hơn hẳn (21,3%), VAT cũng chỉ chiếm trung bình 21,4% tổng thu ngân sách của các nước EU. Điều này cũng ngụ ý rằng, việc tăng thuế suất VAT không hiển nhiên cải thiện vai trò của sắc thuế này trong tổng ngân sách.
Thứ ba, và quan trọng nhất, nguồn gốc của nợ công và thâm hụt ngân sách nặng nề ở Việt Nam không phải do thiếu khả năng huy động ngân sách mà chính là do hiệu quả chi ngân sách thấp, trong khi tỷ lệ chi ngân sách hiện đã rất cao, lên tới 28 - 29% GDP. Việc tăng thuế VAT để tăng thu ngân sách không những không giải quyết được gốc rễ của vấn đề mà còn tạo điều kiện và dung dưỡng cho việc chi ngân sách “vung tay quá trán” hay các dự án nghìn tỉ đắp chiếu và kém hiệu quả.
PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính):
Thu thuế phải đảm bảo tính lâu dài và công bằng, minh bạch. Việc Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế trong thời điểm này cần phải tính toán kỹ.
Tôi nghĩ là nên thận trọng và tính toán kỹ tác động. Những loại thuế tăng lên đều có ảnh hưởng đển sản xuất. Thuế VAT là thuế gián thu, đánh vào người tiêu dùng. Trong bối cảnh tăng trưởng hạn chế, cầu còn trì trệ mà tăng như vậy có nên hay không?
Hoài Phong