Giảng dạy văn chương đồng tính trong nhà trường

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 15:31, 23/08/2017

Chục năm trở lại đây, văn đàn Việt chứng kiến những bước đi mới của văn học đồng tính. Trong khu vực giảng dạy, những hoạt động tiếp nhận văn học đồng tính cũng có nhiều câu chuyện đáng bàn. PV báo Một Thế Giới đã có buổi trò chuyện cùng ông Trần Xuân Tiến, Giảng viên Khoa KHXH&NV của Trường đại học Văn Hiến, xung quanh vấn đề này.

PV: Về tổng quan, chúng ta hiểu như thế nào về văn chương đồng tính, và tình hình văn học đồng tính của Việt Nam hiện tại ra sao, thưa ông?

Từng được xem là một đề tài cấm kỵ, văn học đồng tínhđến nay đã có vị trí nhất định trong bức tranh văn học Việt. Tuy nhiên,đó là vị trí chưa đúng mức so với giá trị nghệ thuật lẫn giá trị xã hội mà nó dung chứa.

Xuất hiện khá muộn so với thế giới, tác phẩm văn học đồng tính đầu tiên tại Việt Nam thường được gán cho bài thơ Tình traicủa Xuân Diệu ở miền Bắc, và tiểu thuyết Khung rêu(1969) của Nguyễn Thị Thụy Vũ ở miền Nam. Tuy vậy, chỉ khoảng chừng trên dưới 15 năm trở lại đây, đề tài đồng tính mới được giới sáng tác văn học khai thác mạnh mẽ; thậm chí có lúc trở thành làn sóng, là "mốt"thời thượng trong sáng tác. Những tên tuổi được nhắc đến nhiều có thể đến như Bùi Anh Tấn, Vũ Đình Giang, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Thơ Sinh, Nguyễn Ngọc Thạch…

Trong bối cảnh sự đấu tranh cho quyền tự do, bình đẳng của cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính & chuyển giới)được phổ rộng ở cấp độ toàn cầu, văn chương đồng tính sẽ còn có những bước tiến mới trong tương lai. Còn hiện tại, văn chương đồng tính đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.

Ông Trần Xuân Tiến, Giảng viên Khoa KHXH&NV của Trường Đại học Văn Hiến

Phải chăng cảm giác khó khăn đó xuất phát từ phía đội ngũ sáng tác?

Không hẳn là vậy nhưng cũng không hoàn toàn sai, vì đó là khó khăn xuất hiện trước nhất nhưng lại là khó khăn được sinh ra bởi tác động của dư luận xã hội. Thời gian đầu, những yếu tố đồng tính được nhắc đến trong văn học dưới hình thức của những ký hiệu, của lớp ý nghĩa ngầm ẩn. Sau dần, khi bối cảnh xã hội trở nên cởi mở, các cây bút mạnh dạn đưa vào trung tâm tác phẩm những nhân vật đồng tính mà vốn dĩ trước kia chỉ là những nhân vật phụ, được khắc họa một cách âm thầm, rụt rè.

Tuy nhiên, đến khi "lộ diện"thì bản thân văn học đồng tính lại vướng mắc vào một tình thế mới. Khi sáng tác, dù chú tâm vào đối tượng độc giả là người đồng tính hay chủ định viết cho tất cả mọi đối tượng độc giảthì các tác giả đều thường dấn sâu vào khuynh hướng hy vọng tìm ra những góc khuất, những ẩn lòng của những thân phận đồng tính để mọi người hiểu rõ hơn, chia sẻ hơn. Thế nên, nhiều cốt truyện, nhiều tình tiết còn chuộng vẻ hình thức, lên gân.

Đây cũng là một trong những lý do khiến văn học đồng tính còn na ná nhau về nội dung, cách thức biểu đạt,khiến cho độc giả cảm thấy hụt hẫng, nhàm chán, nhất là những tác phẩm viết sau của cùng một tác giả. Văn chương đồng tính dường như vẫn đang loay hoay tìm chỗ đứng. Trong hoàn cảnh dò dẫm ấy, đôi lúc khiến độc giả cảm nhận thấy tính chất "câu khách", giật gân.

Trên thế giới, dòng văn học đồng tính đã có lịch sử lâu đời

Theo ông, đâu là những khó khăn khi giảng dạy văn chương đồng tính?

Mặc dù đã có những biến chuyển mang tính khởi sắc, nhưng văn chương đồng tính đã và vẫn đang ở vị trí ngoài lề, không chỉ trong không gian sáng tác, không gian nghiên cứu giảng dạy mà còn ở trong không gian tiếp nhận đại chúng.

Sự dè dặt của đội ngũ sáng tác cũng là thái độ chung của đội ngũ nghiên cứu giảng dạy và độc giả tiếp nhận đối với các tác phẩm văn chương đồng tính hoặc có yếu tố đồng tính. Những định kiến xã hội trở thành những khung giới hạn quy định những nhận thức về văn chương đồng tính là một sự thật chúng ta dễ dàng nhận thấy.

Trong không gian giảng đường, có một chi tiết rất cần lưu ý là định kiến về LGBT không chỉ tồn tại trong thái độ tiếp nhận của những sinh viên là người dị tínhmà còn cả trong tư duy của những người giảng dạy là người dị tính. Không phải giảng viên là người dị tínhnào cũng hoàn toàn hiểu rõ về những kiến thức xung quanh khái niệm LGBT, từ đó dẫn đến việc không thiện cảm với văn học đồng tính. Họ gạt nó rakhỏi bức tranh văn học.

Vậy gợi ý nào cho vấn đề giảng dạy văn học đồng tính trong thời gian tới, thưa ông?

Để công tác giảng dạy văn học đồng tính phát triển cần có những thay đổi cả từ phía người dạy và người học, trong đó thay đổi căn bản là thay đổi về mặt tư duy, nhìn nhận vấn đề. Chỉ khi thấu hiểu đúng đắn về LGBT, chúng ta mới có được những nhận thức đúng đắn về văn học đồng tính, cho dù bản thân chúng ta là đồng tính hay dị tính.

Vậy nên, giảng dạy văn học đồng tính có thể xem là một kênh thông tin để tuyên truyền về chống bất bình đẳng giới (trong đó có LGBT); và ngược lại, đẩy mạnh tuyên truyền về chống bất bình đẳng là để rộng đường cho việc tiếp nhận văn học đồng tính. Áp dụng các thuyết phê bình mới trong việc tìm hiểu, phân tích các tác phẩm văn học đồng tính cũng là một hướng đi khả dĩ.

Văn học đồng tính phản ánh phần nào đời sống vốn dĩ còn nhiều bí ẩn của cộng đồng LGBT. Đó có thể là những mảng màu tươi sáng nhưng cũng có thể là góc khuất ảm đạm, phức tạp. Vì vậy, cần hướng đến khai thác những yếu tố xã hội lành mạnh, khơi mở những tính chất văn hóa, nhân văn trong các tác phẩm văn học đồng tính.

Cuối cùng, cũng không kém phần quan trọng, rất cần chỉ ra những hạn chế nhất định trong các tác phẩm văn học đồng tính, cả về mặt nhận thức lẫn nghệ thuật. Tránh tạo nên những ấn tượng không thiện cảm về cộng đồng LGBT nói chung và văn học đồng tính nói riêng.

Vâng, xin cảm ơn ôngvề buổi phỏng vấn nhiều ý nghĩa này.

Khải Vân

Chí Thiện