DN Việt 'è cổ' với chi phí kinh doanh
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 17:27, 23/08/2017
Ngày 23.8, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Giảm gánh nặng chi phí, thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển”.
Theo nghiên cứu “Khảo sát về môi trường kinh doanh” của Ngân hàng Thế giới năm 2017, chi phí kinh doanh của Việt Nam về cơ bản vẫn cao so với các nước trong khu vực ASEAN. Doanh nghiệp Việt Nam phải chịu chi phí nộp thuế ở mức 31,9% so với lợi nhuận; cao hơn 2 lần so với Singapore. Ngoài ra, chi phí về tuân thủ chứng từ xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam cũng ở mức cao nhất, gấp gần 4 lần so với Singapore, hơn 3 lần so với Philippines.
Bình luận về con số này, ông Ngô Văn Điểm, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam cho biết, chi phí đầu vào cao không những ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh quốc gia mà còn ảnh hưởng đến năng lực kinh doanh của doanh nghiệp. Chi phí cao thì lợi nhuận thấp, doanh nghiệp khó mở rộng kinh doanh. Chi phí cao cũng ảnh hưởng đến sinh hoạt, người nghèo bị tác đông lớn.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết không chỉ chi phí chính thức mà chi phí phi chính thức cũng khá cao, dù không có con số chính xác. Tuy nhiên, theo báo cáo PCI do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố thì có hơn 60% được hỏi cho biết phải trả chi phí phi chính thức. “Con số này tương đối lớn”.
Bên cạnh đó, vị này cũng cho rằng chi phí chính thức chưa được lượng hóa cũng rất khổng lồ, trong số đó có chi phí thời gian và chi phí cơ hội. “Thủ tục hành chính kéo dài đều tổn thất tiền bạc. Mỗi thủ tục hành chính mà hàng vạn doanh nghiệp phải thực hiện có thể tốn hàng trăm tỉ, vậy hàng nghìn thủ tục hành chính thì thế nào? Việc không biết bao giờ mới xong một thủ tục thì có thể mất đi cơ hội kinh doanh, hoặc bị phạt hợp đồng…”.
Nêu quan điểm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng nên nhìn nhận con số đó một cách khách quan và phải xem đó là một lời cảnh báo. Cơ quan quản lý Nhà nước cần nhìn vào đó xem có thể điều chỉnh được gì, rà soát lại để làm tốt hơn cho cộng đồng doanh nghiệp chứ không nên soi xem nó sai ở đâu.
“Tham nhũng vặt nhưng hậu quả không nhỏ. Cần giảm thiểu sự giao tiếp trực tiếp giữa con người và con người trong thủ tục hành chính. Xây dựng Chính phủ điện tử cung cấp dịch vụ công thông qua trực tuyến”, ông Đông nói.
Thứ trưởng Đông cũng dẫn ra ví dụ đang rất nóng trong thời gian gần đây, đó là các dự án BOT. Ông Đông cho rằng các dự án này không theo một nguyên tắc nào. “Chúng tôi đã phản đối mạnh nhưng không được. Sao không công khai cụ thể chi phí hết bao nhiêu? Không công khái số lượng lưu thông? Chừng nào còn tù mù thì dân còn chịu thiệt”.
“Các cơ quan nhà nước cần đối thoại sòng phẳng với nhau, đừng né tránh, đừng giấu. Nhiều chính sách cứ bí mật, không hiểu sao phải thế vì chính sách là cho xã hội. Nêu vấn đề nhưng không bàn giải pháp thì không ý nghĩa, đã nói thì phải nói tận cùng chứ không phải cuộc họp mỗi người nói 5 phút là xong”, Thứ trưởng Đông nhấn mạnh.
Để cải thiện môi trường kinh doanh, các Nghị quyết 19 và 35 của Chính phủ ra đời. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá những Nghị định này chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.
Nêu quan điểm về điều này, ông Đặng Huy Đông cho biết, trên thực tế các Nghị quyết này đều có hiệu quả. Chỉ số đánh giá của WB cho thấy có những tiêu chí nhảy tới 9-12 bậc, mức độ thu hút đầu tư đều tăng lên. Tuy nhiên, “chúng ta tốt so với chúng ta trước kia nhưng các nước họ cũng tăng lên, tốt lên. Cho nên chúng ta vẫn không bằng họ. Do đó, chúng ta không thể chỉ so với chính mình được”.
Theo ông Phan Đức Hiếu, vẫn có tình trạng các cơ quan ban hành chính sách, sau đó lại phải rà soát, cắt bỏ chính sách mình vừa ban hành. Trong khi các nước thì có cơ quan độc lập rà soát và phối hợp với các bộ ngành để cắt bỏ.
“Chúng ta đang tự giao cho các bộ ngành rà soát, không có một cơ quan giám sát mà cần phải có một cơ quan song song, kết quả khảo sát phải được trình trực tiếp Chính phủ, Quốc hội”, ông Hiếu nói.
Ủng hộ quan điểm này của ông Hiếu, Thứ trưởng Đông đồng thời kêu gọi các hiệp hội nên phản biện chính sách nhiều hơn nữa xem quy trình, thủ tục đã tường minh chưa, ngăn được tham nhũng hay chưa để góp ý.
Cũng ủng hộ quan điểm này và cho rằng cần có một cơ quan độc lập xem xét lần cuối trước khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ông Ngô Văn Điểm cũng chia sẻ rằng nhiều cơ quan công quyền nói chung đang cài cắm vào các quy định dễ kiểm soát và khó thực hiện.
“Cơ quan chức năng trọng tiền kiểm nhưng hậu kiểm nhiều khi vẫn có thỏa thuận ngầm. Ở phường, xã chỉ cần cơi nới một chút thì cơ quan chức năng đã đến kiểm tra, còn xin giấy phép thì lại rất lâu”, ông Điểm nói.
Cũng tại hội thảo, các khách mời cũng đồng tình với việc nâng cao đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp.
Ông Điểm cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp phải đứng vững trên đôi chân của mình, hoạt động theo cơ chế thị trường. “Quyền kinh doanh dành cho tất cả nhưng cơ hội chỉ dành cho những người biết tận dụng thị trường”.
Hoài Phong