Thổ Nhĩ Kỳ tràn quân sang Syria đánh đồng minh của Mỹ
Quốc tế - Ngày đăng : 09:12, 22/01/2018
Ngày 21.1, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu tiến đánh khu vực người Kurd tại Afrin, một động thái cho thấy cuộc chiến tại Syria 7 năm qua sẽ bước sang một chương mới. Ankara cho hay họ muốn lập một khu an toàn sâu 19 dặm bên trong lãnh thổ Syria để bảo vệ mình.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố họ đã thực hiện tới 153 lần công kích nhắm vào các mục tiêu tại miền Bắc Syria. Trong khi đó, lực lượng dân quân YPG của người Kurd cho hay quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang bị đẩy lùi.
Cuộc tấn công của Ankara nhắm vảo YPG khiến tình hình tại Syria rơi vào thế vô cùng phức tạp, khi quân đội Mỹ giờ đây có thể phải quay vào thế đối đầu với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vốn là một nước trong khối NATO. YPG là lực lượng đồng minh chính của Mỹ trong cuộc chiến chống lại IS, nhóm chiến binh này được Mỹ trang bị và yểm trợ trong cuộc chiến chống IS tại Raqqa hồi tháng 10 năm ngoái.
Tuy nhiên, việc người Kurd Syria gia tăng sức mạnh lại là một "cơn ác mộng" đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara coi YPG là cánh tay nối dài của đảng Công nhân người Kurd (PKK), vốn đã tổ chức một cuộc nổi dậy từ năm 1984 tới nay trong vùng lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ. Sự lớn mạnh của YPG được xem là một cái gai trong mắt Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, người từng mô tả nhóm dân quân này là "những kẻ khủng bố" và đòi quét sạch họ khỏi Syria.
Về phía Mỹ, cuộc tấn công vào Afrin không quá quan trọng, nước này đẩy trách nhiệm sang cho Nga, lực lượng kiểm soát quân sự trong khu vực này. Tuy nhiên, nếu Afrin bị rơi vào tay Thổ Nhĩ Kỳ thì đó lại là một động thái cho thấy Washington không muốn hoặc không có khả năng bảo vệ đồng minh của mình. Cả hai trường hợp này đều khiến uy tín của Mỹ tại Trung Đông suy giảm nghiêm trọng.
Theo Independent thì trên thực tế cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ tại Afrin còn chỉ ra rằng Mỹ đánh giá quá thấp tình hình căng thẳng tại miền Bắc Syria và đã gián tiếp gây tra cuộc khủng hoảng hiện tại. Cụ thể, hồi đầu tháng này Mỹcho hay đang chuẩn bị thành lập một lực lượng an ninh biên giới giữa Syria với Thổ Nhĩ Kỳ với lực lượng 30.000 quân mà nòng cốt là các chiến binh YPG. Hành động này chọc tức Thổ Nhĩ Kỳ và Ankara cho rằng Washington ủng hộ người Kurd.
Tình hình còn leo thang hơn khi Ngoại trưởng Rex Tillerson tuyên bố rằng 2.000 cố vấn quân sự Mỹ sẽ được giữ lại tại khu vực của người Kurd. Với Mỹ hành động này là để chặn sự hồi sinh của IS tại Syria là cũng là để kiềm chế sức mạnh của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad.
Với người Nga thì tuyên bố này đồng nghĩa với việc người Kurd đã chọn ngảtheo Mỹ hoàn toàn và họ quyết định không tiếp tục bảo vệ người Kurd ở Afrin. Động thái của Nga như là "bật đèn xanh" cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tấn công vào lực lượng người Kurd. Tuy nhiên, với những chiến binh có kỹ năng tốt, người Kurd tại Afrin đã đẩy lùi được đợt tấn công của Ankara.
Ái Vi (theo Independent)