Chánh văn phòng Nhà Trắng ép cố vấn chống khủng bố ra đi
Quốc tế - Ngày đăng : 07:19, 27/08/2017
Một quan chức Nhà Trắng giấu tên cho biết cố vấn Gorka không còn làm việc cho chính phủ Mỹ, nói thêm rằng ông không từ chức nhưng không cho biết hoàn cảnh ông phải ra đi.
Trang tin Federlist dẫn nhiều nguồn tinnói cố vấn Gorka đã gởi thư báo cáo ông Trump, rằng ông ta có thể làm việc ở ngoài tốt hơn là ở ngoài Nhà Trắngvì bất mãn tình trạng rối ren của chính phủ.
Trong khi đó, báo New York Times đưa tin Chánh văn phòng Nhà Trắng Kelly đã nói thẳng: ông không muốn Gorka ở Nhà Trắng và đã ép ông này ra đi.
Theo Guardian, Gorka là phó cố vấn về mảng an ninh quốc gia của Tổng thống Trump, nhưng trách nhiệm của ông không rõ ràng.
Gorka cũng là người mới nhất trong nhóm cố vấn “diều hâu” và theo chủ nghĩa dân tộc phải rời khỏi Nhà Trắng trong vài tuần gần đây, cho thấy có chuyện đấu đá với nhóm cố vấn chính sách đối ngoại của ông Trump.
Nhóm này gồm Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng HR McMaster, Ngoại trưởng Rex Tillerson, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis.
Có thông tin Gorka tranh cãi với tướng McMaster, và bất mãn chuyện Tổng thống Trump ủng hộ tướng McMaster và quân đội Mỹ trong việc tăng quân đến Afghanistan để đánh Taliban.
Gần đây nhất, Gorka phải rút lại bình luận chỉ trích Ngoại trưởng Mỹ Tillerson, người trấn an dân Mỹ rằng sẽ không xảy ra chiến tranh hạt nhân giữa Mỹ với CHDCND Triều Tiên.
Theo một số quan chức tình báo lão làng, Gorga “chỉ giỏi nịnh hót” các chủ trương của Tổng thống trên TV, là một nhân vật gây chia rẽ trong chính phủ, và “chỉ giỏi lý thuyết chứ không có kinh nghiệm ở đời thật”.
Tờ báo Anhcòn cho biết Gorka người Mỹ gốc Hungary và sinh ở London, trong quá khứ có quan hệ với nhóm cực hữu ở Hungary.
Gorka phủ nhận thông tin này, nhưng ông bị chỉ trích mạnh vì những quan điểm bài Hồi giáo, ủng hộ ông Trump tạm thời cấm công dân 6 nước theo Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ.
Khi một quả bom nổ tại một đền thờ Hồi giáo ở vùng ngoại ô Minneapolis (Mỹ), Gorka bào chữaviệc Tổng thống Mỹ không lên án vụ tấn công này, bằng cách nói bóng gió có thể đó là “tội ác hận thù giả tạo”.
Phe tự do và tiến bộ từ lâu phàn nàn sự có mặt ở Nhà Trắng của Gorka. Phe tiến bộ và một số thành viên đảng Cộng hòa cũng cáo buộc Gorka và Steve Bannon ủng hộ phong trào thượng tôn da trắng, sau vụ phong trào này tập hợp ở Charlottesville (bang Virginia) và gây ra bạo lực chết người hồi 2 tuần trước.
Các tổ chức dân quyền đã kêu gọi Tổng thống Trump đuổi việc Gorka và Bannon, chiến lược gia trưởng của ông Trump cho đến khi Bannon mất chức này hồi tuần trước.
Bannon theo phe cực hữu, từng đề ra chủ trương “Nước Mỹ trên hết” cho chiến dịch tranh cử tổng thống 2016 của ông Trump, và là người đứng sau chủ trương chống toàn cầu hóa, theo chủ nghĩa dân tộc của Trump.
Sau khi thôichức chiến lược gia trưởng, Bannon quay lại chức chủ tịch hãng tin cực hữu Breitbart News.
Gorka từng viết về chuyên đề an ninh quốc gia cho hãng tin này, liên tục cảnh báo Hồi giáo cực đoan tấn công khủng bố. Bannon cũng là người đưa Gorka vào Nhà Trắng.
Vanita Gupta, Chủ tịch-Tổng giám đốc nhóm bảo vệ nhân quyền Leadership Conference on Civil and Human Rights,đã hoan nghênh việc Gorka ra đi.
Bà tuyên bố: “Không ai ủng hộ những quan điểm phát xít mới và thượng tôn da trắng được quyền phục vụ trong chính phủ này hoặc bất kỳ chính phủ nào”.
Bà cũng chỉ trích hai hành động khác của Tổng thống Trump hôm 25.8: ký luật cấm người chuyển giới gia nhập quân đội Mỹ, và ban ân xá cho Joe Arpaio, một cựu cảnh sát trưởng gây tranh cãi ở bang Arizona.
Bà nói: “Tấn công các công dân chuyển giới yêu nước phục vụ quân đội ta, tha Arpaio trong cùng ngày có vụ rút lui này, cho thấy các vấn đề không từ Bannon hoặc Gorka mà chính từ tổng thống”.
Ana Navarro, chiến lược gia của đảng Cộng hòa và thường chỉ trích chính phủ Mỹ, đã viết trên Twitter: chuyện Gorka ra đi cùng việc Tổng thống Mỹ ân xá Arpaio “không là chuyện tình cờ”.
Bảo Vĩnh (theo Guardian)