PVN mất 5.000 tỉ nếu không bán được Nhà máy đóng tàu Dung Quất

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 17:30, 29/08/2017

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) kiến nghị cho phép bán Nhà máy đóng tàu Dung Quất, trong trường hợp bán không thành công sẽ triển khai ngay phương án phá sản, đấu giá tài sản và chịu mất 5.000 tỉ đồng không thu hồi được.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vừa có báo cáo gửi Bộ Công Thương về tình hình xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ.

Theo đó, với dự án Nhà máy đóng tàu Dung Quất, PVN cho biết đã có báo cáo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ và Bộ Công Thương về phương án xử lý các khó khăn đối với Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS - chủ quản Nhà máy đóng tàu Dung Quất) vào ngày 25.7 vừa qua.

Trong đó, tập đoàn này kiến nghị được phép bán DQS theo Nghị định 128 ngày 31.12.2014 của Chính phủ về bán, giao và chuyển giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.

Nếu bán không thành công sẽ triển khai ngay phương án phá sản, đấu giá tài sản. Đồng thời, ủy quyền cho HĐTV PVN quyết định toàn bộ các vấn đề liên quan đến quá trình triển khai thực hiện phương án được duyệt.

PVN cho biết nếu thực hiện phương án phá sản nhà máy, tập đoàn có thể mất 5.095 tỉ đồng đầu tư vào DQS (trong đó có 1.900 tỉ đồng góp vốn điều lệ và 3.104 tỉ đồng để thanh toán nợ) không thu hồi được.

Bên cạnh đó, PVN cũng đề xuất Bộ Công Thương sớm có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Kiểm toán nhà nước tiến hành kiểm toán hồ sơ đối với tàu 104.000 DWT để xác định giá trị bàn giao nhằm xử lý dứt điểm việc bàn giao giữa PVN và Tổng công ty công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam.

Liên quan đến việc xử lý các tài sản không cần dùng, chờ thanh lý theo quy định, PVN cho biết Hội đồng thành viên tập đoàn đang xem xét phê duyệt kế hoạch thanh lý có thể sẽ hoàn thành trong tháng này.

Tại cuộc họp riêng giữa PVN và Bộ Công Thương vào hồi đầu tháng 7 vừa qua, ông Phan Tử Giang, Tổng giám đốc DQS từng chia sẻ để bán nhà máy này với mức nợ khủng như hiện nay thì không ai mua. Nếu thị trường tốt lên thì có đối tác nhưng họ sẽ đưa ra điều kiện phải giải quyết nợ.

Ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV PVN thừa nhận cho phá sản DQS là phương án tốt nhất, bởi vì không xin được ưu đãi, cơ chế đặc thù.

Năm 2016, DQS đạt doanh thu 436,5 tỉ đồng, trong khi các khoản chi phí lại "ngốn" tới 557,58 tỉ đồng, khiến lợi nhuận trước thuế của công ty âm tới 121,08 tỉ đồng.

Báo cáo tài chính tại thời điểm 30.6.2016 cho thấy DQS có vốn điều lệ là 1.900 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu âm 1.108 tỉ đồng. Tổng các khoản nợ phải trả vẫn còn hơn 6.893 tỉ đồng, trong đó vay ngân hàng 1.227 tỉ đồng.

Công ty còn khoản lỗ lũy kế hơn 3.674 tỉ đồng, trong đó lỗ phát sinh giai đoạn từ ngày 1.7.2010 đến ngày 30.6.2016 là 2.438,9 tỉ đồng. DQS đã có lãi trở lại vào năm 2014, 2015 nhưng do tình hình khó khăn nên quay trở lại lỗ vào năm 2016 khoảng 103,7 tỉ đồng.

Với các khoản nợ vay, DQS có 3 khoản vay lớn, bao gồm: vay Công ty Tài chính Công nghiệp tàu thủy (VFC) 490 tỉ đồng; vay Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) 528 tỉ đồng và vay Nhà thầu YMC-Transtech 548 tỉ đồng. Công ty vẫn còn nợ phí bảo lãnh Chính phủ đối với khoản vay YMC-Transtech là 64,2 tỉ đồng và khoản đầu tư vào công ty cổ phần đóng tàu mới Nhơn Trạch 119,6 tỉ đồng.

Nhà máy đóng tàu Dung Quất là dự án được Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) thành lập vào năm 2006 và chuyển giao về cho PVN quản lý năm 2010 trong bối cảnh Vinashin bên bờ phá sản. Dù được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đổ tiền giải cứu nhưng dự án vẫn gặp nhiều khó khăn về tài chính và chưa thoát khỏi nguy cơ phá sản dai dẳng từ nhiều năm nay.

Tuyết Nhung

tuyetnhung