Phản hồi vụ Quảng Ngãi vừa 'hoan nghênh' phản biện vừa quyết phá 50ha rừng
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 10:25, 30/08/2017
Muốn phản biện giúp địa phương
Sau khi Một Thế Giới đăng bài “Quảng Ngãi: Phá rừng làm dự án, phản biện thì hoan nghênh, nhưng đã quyết thì phải làm” truyền tải thông điệp của lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi liên quan các dự án nhà máy bột giấy VNT19 và thép Hòa Phát Dung Quất; PGS.TSVõ Văn Minh, Phó hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, Trưởng nhóm DN-EBR đã có những phản biện tiếp tục liên quan phát ngôn này.
Theo TSVõ Văn Minh, nhiều người gọi điện, email cho ông bày tỏ bức xúc vì sự cố chấp “phá rừng” dù lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi tự nhận rằng hiểu biết “có hạn” và “không đủ nhân lực”… Một Thế Giới xin giới thiệu bài viết của TSMinh.
Chúng tôi hết sức chia sẻ với mọi người và kể cả chia sẻ với chính quyền tỉnh Quảng Ngãi. Chúng tôi rất mong mọi người vì trách nhiệm công dân, hãy giữ được sự bình tĩnh, suy nghĩ tích cực, trên tinh thần xây dựng để phân tích, tư vấn, tham mưu cho các bên liên quan lựa chọn những phương án tối ưu nhất theo đúng tinh thần “không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế”.
Trước hết, có thể nói Quảng Ngãi vốn là 1 tỉnh thuần nông, tuy nhiên hơn mộtthập niên trở lại đây chính quyền tỉnh đã có chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hóa dẫn đến áp lực thu hút đầu tư cũng như những bất cập trong quản lý nhà nước về tài nguyên vàmôi trường nảy sinh là điều không thể tránh khỏi.
Có người còn chia sẻ với vẻ rất bức xúc rằng, có những dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh nhưng tỉnh cũng không quyết được. Công tác quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch ở nước ta nhiều lúc chẳng ăn khớp gì với nhau dẫn đến chính quyền địa phương bị động, lúng túng cũng là “bình thường”.
Năng lực quản lý nhà nước về tài nguyên vàmôi trường của một số địa phương còn rất hạn chế, trong khi yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày càng cao.
Chính những lý do khách quan trên dẫn đến công tác lãnh đạo điều hành của địa phương luôn bị lúng túng và thậm chí nhiều nơi lãnh đạo dành phần lớn thời gian đi giải quyết “điểm nóng”, tranh chấp môi trường.
Tất nhiên, Quảng Ngãi cũng không nằm ngoài thực trạng trên. Như vậy, khi nhìn nhận bức tranh chung thì cũng dễ cảm thông, nhưng không phải vì cảm thông mà chấp nhận những hệ lụy đáng lẽ có thể lường trước và tránh được.
Nhóm nghiên cứu – giảng dạy “Môi trường vàTài nguyên sinh vật” thuộc Đại học Đà Nẵng (DN-EBR) luôn kiên trì 3 mục tiêu: sáng tạo tri thức (tức nghiên cứu khoa học), truyền bá tri thức (tức giảng dạy, bồi dưỡng) và tư vấn phục vụ cộng đồng.
Với những hiểu biết, kinh nghiệm của nhóm trong lĩnh vực môi trường và tài nguyên sinh vật, chúng tôi muốn phản biện, tư vấn các dự án phát triển giúp cho địa phương, doanh nghiệp thực hiện đúng mục tiêu phát triển bền vững. Tất nhiên, chúng tôi cũng rất mong nhận được sự phản biện, tranh luận trên tinh thần khoa học, xây dựng để cùng phát triển.
Quyết rồi vẫn còn cơ hội điều chỉnh
Liên quan đến bài viết “Quảng Ngãi: Phá rừng làm dự án, phản biện thì hoan nghênh, nhưng đã quyết thì phải làm” và những phản hồi của độc giả, DN-EBR xin có một số ý kiến trao đổi lại như sau:
Đối với việc quyết định phá 50ha rừng dừa nước làm hồ chứa nước cho nhà máy giấy VNT19,chúng tôi xin khẳng định rằngnếu việc này đã quyết rồi thì vẫn còn có cơ hội điều chỉnh, vì hiện nay rừng dừa vẫn chưa bị phá.
Chúng tôi nhất trí với ý kiến đề nghị giám sát chặt chẽ môi trường các dự án, nhưng việc phá rừng để làm hồ chứa nước thì không nên làm, chứ không phải cứ phá đi và giám sát. Trong thực tế vẫn còn có phương án tìm vị trí khác thay thế cho khu vực rừng dừa. Quyết phá 50ha rừng dừa này là sai luật, chứ chưa nói đến việc làm hủy hoại 1 hệ sinh thái có giá trị lớn.
Theo Luật Bảo vệ và phát triển rừng và Quy chế quản lý rừng sản xuất được ban hành kèm theo Quyết định số 49/2016/QĐ-TTg ngày 1.11.2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định "Không thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, kể cả các dự án, công trình đã được phê duyệt nhưng chưa triển khai, trừ các dự án phục vụ quốc phòng, an ninh phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đối với các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên".
Trong trường hợp này, không thể xem rừng dừa nước tại xã Bình Phước là rừng trồng được, đây đích thị là rừng tự nhiên. Đã là rừng tự nhiên thì theo quy định không được chuyển đổi mục đích sử dụng sang làm hồ chứa nước.
Chính lý do này, mặc dù UBND tỉnh Quảng Ngãi đã quyết nhưng theo chúng tôi vẫn phải đề nghị xem xét điều chỉnh phương án khác, giữ rừng lại vừa đúng luật vừa đúng tinh thần không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế bằng mọi giá.
Đối với việc tích nước ở khu vực rừng dừa mới trồng làm hồ chứa nước thô cho nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất, chúng tôi cho rằng cũng không nên làm.
Hiện nay, 38ha rừng dừa nước mới trồng chỉ được 1 năm tuổi với số tiền đầu tư lên đến hàng chục tỉ đồng. Mặc dù dừa mới trồng vẫn sống, nhưng chưa thể khẳng định có sinh trưởng, phát triển tốt lâu dài hay không.
Có thể trong xu thế xâm nhiễm mặn, môi trường khu vực này sẽ thay đổi và dừa nước sẽ phát triển tốt, tạo ra 1 hệ sinh thái vành đai khu công nghiệp. Tuy nhiên, nếu nhà máy thép Hòa Phát muốn sử dụng khu vực này làm hồ chứa nước và sẽ tích nước ngọt trong năm sau thì cũng đồng nghĩa với việc “khai tử”rừng dừa này.
Không thể suy diễn rằng, năm nay cây cao trung bình từ 0,85 đến 1,0m, sang năm 2019 cây sẽ cao khoảng từ 1,2m đến 1,5m, trong khi đó mực nước trữ thường xuyên trong hồ cho giai đoạn 1 là +0,50m, cây dừa nước vẫn sinh trưởng và phát triển bình thường.
Như vậy, nếu đã quyết giao hồ Cà Ninh (đang trồng mới dừa nước) cho Hòa Phát Dung Quất để tích nước thì chắc chắn sẽ gây lãng phí đầu tư hàng chục tỉ đồng. Tương tự nếu đã quyết phá 50ha rừng dừa nước để làm hồ chứa nước cho nhà máy giấy VNT19 chắc chắn là 1 sự mất mát rất lớn về môi trường tự nhiên và đương nhiên cũng vi phạm pháp luật.
Chúng tôi vẫn phải khẩn thiết đề nghị lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi xem xét, cân nhắc cẩn thận. Chúng tôi cũng xin khẳng định lại, chúng tôi không kêu gọi loại bỏ nhà máy giấy hay nhà máy thép, chỉ kêu gọi giữ rừng dừa nước cũ lẫn mới và tìm vị trí khác thay thế.
Xin nói thêm rằng, dự án đầu tư với quy mô hàng nghìn tỉ đồng, báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) do Bộ TN&MT thẩm định, nếu chủ đầu tư có thiện chí bảo vệ môi trường thì vẫn có thể tìm đơn vị tư vấn có đủ năng lực, kinh nghiệm tốt hỗ trợ thực hiện, không thể nói là thiếu hiểu biết được.
Chính quyền phải thể hiện sự kiên quyết đề nghị đối với chủ đầu tư như vậy, chứ không nên “chiều” nhà đầu tư, để nhà đầu tư xem tư vấn lập báo cáo ĐTM chỉ là thủ tục xin giấy phép để đầu tư.
Ngay từ khâu lập báo cáo ĐTM mànhà đầu tư và chính quyền đều xem nhẹ thì thảm họa trong tương lai chắc chắn không tránh khỏi. Bài học Formosa còn đó cho cả chính quyền trung ương lẫn địa phương.
Chúng tôi hoàn toàn chia sẻ với những khó khăn của chính quyền hiện tại, nhưng không thể yên tâm với những lời hứa của các nhà đầu tư. Bởi lẽ khi để xảy ra sự cố môi trường hoặc mất rừng thì không phải chỉ mất đi mấy chục ha rừng để ngắm nhìn hay mất đi 1 nguồn nước trong xanh mà còn mất đi nguồn sinh kế bền vững lâu đời của những ngư dân bám sông, bám biển kể cả kiên trì bám giữ quê hương ngay cả trong những năm tháng chiến tranh ácliệt.
>>Nhà máy bột giấy VNT19 ‘lộng hành’ ở Quảng Ngãi?
>>Rừng dừa nước Bình Sơn chưa hết sợ ‘giấy’ nay đối mặt với ‘thép’
PGS.TSVõ Văn Minh, Trưởng nhóm DN-EBR