Trương Tân - Nghệ sĩ tiên phong đưa văn hóa LGBT đến với nền mỹ thuật Việt Nam

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 15:26, 30/08/2017

Từ trước đến nay, nghệ thuật đã và đang là một trong những phương tiện hiệu quả nhất giúp cho cộng đồng LGBT khẳng định sự hiện diện của mình.

Ngày 26.5 vừa qua, Tòa án Tối cao Đài Loan chính thức thông qua luật hôn nhân đồng giới. Phán quyết này mở ra hy vọng cho cộng đồng LGBT khắp nơi trong khu vực, đặc biệt tại Trung Quốc và Việt Nam.Nhìn về quá khứ, sự kỳ thị đồng tính ở Việt Nam từng là cản lực rất lớn. Từ năm 2001, đồng tính luyến ái mới được loại khỏi danh sách các bệnh lý thần kinh. Ngày nay, LGBT vẫn là một chủ đề nhạy cảm với nhiều người.

Khoảng20 năm trở lại đây, một số khởi sắc nhất định trong nỗ lực công nhận chỗ đứng của cộng đồng LGBT đã được nhìn thấy. Đáng chú ý nhất có thể kể đến tháng tự hào đồng tính - Viet Pride đã được tổ chức thường niên từ năm 2012.

Tại Việt Nam, chặng đường của phong trào LGBT vẫn còn dài. Thế nhưngtrong thế giới nghệ thuật, một họa sĩ đa tài đã sớm tạo nên những dấu ấn tiên phong quan trọng, giúp đưa văn hóa đồng tính đến gần hơn với công chúng đương đại.

Những năm 1990, làn sóng nghệ thuật đương đại dần hình thành ở Hà Nội. Hàng loạt phòng tranh mới được mở, giới sưu tập nghệ thuật quốc tế bắt đầu biết đến Việt Nam. Và dẫu khi ấy vẫn đang chịu sức ép từ chính sách “thắt chặt” văn hóa, nhiều nghệ sĩ trong nước đã tìm thấy tự do sáng tác.Trương Tân là điển hình thú vị trong số này. Ông rất có thể là họa sĩ đầu tiên đưa khái niệm "nghệ thuật sắp đặt"và yếu tố đồng tínhvào làng mỹ thuật Việt.

Hình ảnh trong buổi triển lãm tổng hợp "No Country"năm 2013 tại Mỹ của họa sĩ Trương Tân

Nhà nghiên cứu, phê bình nghệ thuật Bùi Như Hương xem họa sĩ Trương như người tiên phongcho nghệ thuật đương đại Việt Nam. Không ít nghệ sĩ trẻ hiện thời cũng thể hiện sự ngưỡng mộ đối với Trương Tânkhi ông đã dũng cảm đấu tranh vì người đồng tínhlẫn niềm tin vào nghệ thuật, giữa một giai đoạn cũ còn quá nhiều rào cản.

“Bứt mình” khỏi rào cản

Bức "Rạp xiếc"ra mắt lần đầu năm 1992

"Rạp xiếc"- bức họa với nội dung đồng tính đầu tiên do Trương Tân sáng tác, xuất hiện trong một buổi triển lãm tổng hợp của Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 1992. Bấy giờ, ông đang là giảng viên tại đây.

Quyết định ra mắt tác phẩm này đánh dấu bước chuyển trong cuộc đời họa sĩ Trương. "Tôi đã đặt ra mục đích cho mình",ông lígiải. Đây chính là lời tuyên bố công khai xu hướng tính dục thật, cũng như thiết lập cột mốc mở đầu sự nghiệp hội họa của Trương Tân.

Dĩ nhiên ban đầu, mọi thứ không hề dễ dàng. Đã có lúc chàng họa sĩ Hà thành phải cất giấu những sáng tác mang yếu tố đồng tính. Rạp xiếc,trên thực tế, cho thấy sự bức bối bởi rào cản bên ngoài, thông qua hình ảnh hai cổ chân người trói chặt. Chi tiết sợi dây thừng cũng thường xuất hiện trong nhiều tác phẩm thời kì đầu của họa sĩ Trương. Chúng là ẩn dụ cho sự ràng buộc, định kiến xã hội khi này hãy còn nặng nề. Ngược lại, loạt tranh mới do Trương Tân thực hiện, toát lên nét tươi vui, sống động và tự do của tình yêu đồng giới.

Bức "Cái chạm của thiên thần"bằng chất liệu sơn mài, vẽ năm 2010

Triển lãm độc lập đầu tiên của Trương Tân diễn ra năm 1994 tại Hà Nội, khai thác đa dạng góc nhìn về đề tài khỏa thân. Thông qua sự kiện này, ông muốn thử “kiểm chứng” khả năng chấp nhận của xã hội đối với nội dung đồng tính luyến ái.

Rắc rối từ việc kiểm duyệt

Nhóm tác phẩm gốm trưng bày của họa sĩ Trương

Cùng thời gian đó, một show trưng bày ở thành phố Hồ Chí Minh chứa hình ảnh khỏa thân nhạy cảm, khiến Trương Tân bất đắc dĩ gây chú ý với cơ quan quản lý văn hóa. Kết quả là một năm sau, 18 tác phẩm của ông bị loại khỏi triển lãm tại gallery Sông Hồng, Hà Nội. Tin tức về vụ việc nhanh chóng lan rộng. Đến cuối năm 1995, giới truyền thông quốc tế đã bắt đầu mô tả Trương Tân như "họa sĩ đồng tính đầu tiên công khai xu hướng tính dụcthật ở Việt Nam".

Trương Tân chưabao giờ từ bỏ sở thích vẽ. Tuy nhiên, vàogiữa những năm 1990, ôngbắt đầu dấn thân vào "nghệ thuật trình diễn"vốn cho phép ông tự do thể hiện, biểu đạt nhiều hơn.

Do nghệ thuật trình diễn không có lịch sử bắt nguồn tại Việt Nam cho nêntrong nước chưa hề có nền tảng phê bình, đánh giá về loại hình này. Những buổi trình diễn thường chỉ diễn ra ở một số phòng tranh sang trọng, nơi người nghệ sĩ liều lĩnh biểu diễn tác phẩm “sống” của họ trước nguy cơ kiểm duyệt gắt gao từ Bộ Thông tin Văn hóa.

Bất kể một số thành công đạt được, chính bởi rào cản xã hội, Trương Tân quyết định di dân sang Pháp năm 1997. Suốt giai đoạn tiếp theo, tin tức về những tác phẩm của ông vẫn được phổ biến khắp châu Á, trở thành nguồn cảm hứng cho hoạt động truyền bá văn hóa LGBT ở nhiều nơi.

Tác phẩm sắp đặt “Dream Center” xuất hiện trong buổi triển lãm “Gặp Việt Nam” ở Berlin, Đức, năm 1999


Thay đổi nhận thức

Quá trình “bức phá” của Trương Tân có thể chưa đủ để thật sự làm thay đổi quan điểm pháp lý về cộng đồng LGBT Việt. Tuy nhiên, những gì ông làm được đến nay đã đem lại niềm khích lệ đối với hàng loạt nghệ sĩ thuộc cộng đồng LGBT.

Hiện nay, xã hội Việt Nam đón nhận càng ngày càng nhiều các sản phẩm văn hóa mang màu sắc LGBT. Giới họa sĩ, nghệ sĩ đồng tính mong muốn mang lại sự tiếp cận - nhận thức rõ hơn về đề tài giới tính.

Poster triển lãm ảnh “Come Out” của Himiki Nguyễn

Triển lãm ảnh sắp đặt của nữ họa sĩ - nhiếp ảnh gia đa tài Himiko Nguyễn diễn ra năm 2011, là ví dụ điển hình cho nỗ lực này. Sự kiện tên gọi Come Outtái hiện góc nhìn, cảm nhận riêng của cô đối với câu chuyện giới tính, tính dục và sự kỳ thị xã hội.

Tương tự như điều Trương Tân từng làm, Himiko dùng nghệ thuật để “than khóc” về những bất cập cô chứng kiến giữa xã hội, về cách cô tuy thấu hiểu nhưng vẫn muốn thoát khỏi hệ tư tưởng bảo thủ trước đây.

Hai năm sau đấy, Nguyễn Quốc Thành - một đồng nghiệp của Himiko tại Hà Nội, khởi xướng festival nghệ thuật đặc biệt và đầu tiên dành riêng cho giới LGBT Việt, Queer Forever.Đáng kể còn có Vănguard (ra đời năm 2014), một tạp chí văn hóa độc đáo, được xây dựng nhằm tạo “sân chơi” và chốn giao lưu thân thiện với cộng đồng họa sĩ, văn sĩ đồng tính từ khắp nơi trong nước.

Có thể nhìn thấy một số thành quả tích cực nêu trên, không thể quên đi các cố gắng “mở đường” Trương Tân trải qua cách đây gần 30 năm. Bằng cách mang thêm hy vọng cho mọi người thông qua hội họa, ông đã góp phần thúc đẩy để cộng đồng LGBT nước ta được xã hội nhìn nhận một cách công bằng, cảm thông hơn.

Như Ý (theo The Conversation)

Chí Thiện