Đề nghị UBND thị xã Dĩ An phản hồi về loạt bài trên Báo Một Thế Giới

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 12:12, 31/08/2017

Cuối tháng 5.2017, Báo điện tử Một Thế Giới có nhận được đơn thư kêu cứu của bạn đọc, phản ánh việc 8 hộ dân đồng loạt khởi kiện UBND thị xã Dĩ An ra trước TAND thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương (TAND Dĩ An) để yêu cầu Tòa án hủy các Quyết định thu hồi GCNQSDĐ mà UBND thị xã Dĩ An đã cấp cho họ trước đó.

Ngay sau khi xác minh vụ việc, Báo điện tử Một Thế Giới đã viết loạt bài 2 kỳ với tựa đề là “Sổ đỏ hợp pháp không được xem là hợp pháp” đăng trên báo điện tử Một Thế Giớivào các ngày 1.6.2017 và 4.6.2017 với nội dung lược thuật vụ việc và đặt vấn đề về các tình tiết đáng chú ý trong toàn bộ vụ án.

Sau khi loạt bài được xuất bản, ngày 28.6.2017, Báo điện tử Một Thế Giới đã gửi công văn đến thị xã Dĩ An, mong muốn nhận được câu trả lời chính thức từ phía các cơ quan chức năng địa phương để đăng tải cho rộng đường dư luận… Thế nhưng, sau nhiều ngày chờ đợi, nhiều lần liên lạc bằng các hình thức khác nhau, chúng tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời của UBND thị xã Dĩ An.

Chúng tôi có thể chờ thêm nữa, nhưng người dân thì không. Các thủ tục hành chính trong một đơn vị hành chính cấp thị xã không thể cứ chậm trễ như thế mãi… Do vậy, chúng tôi thấy cần phải đăng tải toàn văn công văn mà chúng tôi đã gửi cho UBND thị xã Dĩ An lên mặt báo, vẫn với một mong muốn nhận được câu trả lời chính thức xung quanh vụ việc báo chí đã nêu!

Toàn văn công văn Báo điện tử Một Thế Giới gửi UBND thị xã Dĩ An như sau:

“Kính gửi: Chủ tịch UBND Thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Vừa qua, Báo điện tử Một Thế Giới có nhận được đơn kêu cứu khẩn cấp của 8 hộ dân gồm: Trương Văn Khắng, thường trú tại 16/A14 Khu Phố Bình Thuận 2, phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương; Trần Văn Hạnh, thường trú tại 10/3 Khu Phố Hòa Long, phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương; Võ Thị Kim Hạnh, thường trú tại 10/3 Khu Phố Hòa Long, phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương; Võ Thị Lợi, thường trú tại 11/4B Khu Phố Hòa Long, phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương; Hồ Văn Xáng, thường trú tại 140/B3 Khu Phố Châu Thới, phường Bình An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương; Trịnh Thị Kim Hà, thường trú tại 9/2 Khu Phố Đông An, phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương; Trần Thị Kim Ngân, thường trú tại 140/B3 Khu Phố Châu Thới, phường Bình An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương; Nguyễn Thị Tuyết, thường trú tại 159B/19, tổ 19, khu phố Nội Hóa 2, phường Bình An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Các hộ dân này đồng loạt kêu cứu về việc bất ngờ nhận được yêu cầu của UBND thị xã Dĩ An về việc mời đến nhận Quyết định thu hồi các GCNQSDĐ đã cấp cho họ trước đó với lý do các GCNQSDĐ này đã được cấp trái pháp luật và nhằm thực hiện Bản án phúc thẩm số 164/2013/DS-PT ngày 20.05.2013 của TAND Tối cao tại TP. Hồ Chí Minh (Bản án số 164/2013/DS-PT) mà không có bất kỳ giải thích nào thêm. Sau đó, ngày 21.12.2015 những hộ dân này nhận được qua đường bưu điện các Quyết định hủy GCNQSDĐ của họ (lý do: “Hủy theo Điều 87 Nghị Định 43/2014/NĐ-CP ngày 15.5.2014 đã có Quyết định thu hồi giấy chứng nhận nhưng người được cấp giấy chứng nhận không giao nộp bản chính GCNQSDĐ”) của UBND Thị xã Dĩ An với ngày ban hành là ngày 01.12.2015.

Sau khi nhận được đơn kêu cứu khẩn cấp và tiến hành xác minh, nhận thấy đây là một sự việc có thật, Báo điện tử Một Thế Giới đã viết loạt bài 2 kỳ với tựa đề là “Sổ đỏ hợp pháp không được xem là hợp pháp” đăng trên http://motthegioi.vn vào các ngày 1 và 4.6.2017 với nội dung phản ánh vụ việc trên.

Để rộng đường dư luận, tòa soạn Báo điện tử Một Thế Giới xin gửi đến quý lãnh đạo UBND thị xã Dĩ An công văn này, mong muốn được trao đổi thêm về các vấn đề có liên quan trong vụ việc để trả lời thắc mắc của người dân.

Nội dung cần trao đổi xung quanh tính hợp pháp của các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) được liệt kê: GCNQSDĐ có số H5889 đối với thửa đất 1142, 1143, tờ bản đồ số 02, diện tích 3.238 m2 tọa lạc tại ấp Nội Hóa, xã Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương, cấp ngày 26.5.2006 cho bà Nguyễn Thị Tuyết; GCNQSDĐ số H06763, diện tích 350 m2, thửa đất số 4021, tờ bản đồ số 2BA.4, cấp ngày 18.3.2009 cho bà Bùi Thị Dung; GCNQSDĐ số H06763 đối với 350 m2 đất cấp ngày 11.7.2009 cho ông Trương Văn Khắng; GCNQSDĐ số H06764, diện tích 197,4 m2, thửa đất số 4026, tờ bản đồ số 2BA.4 cấp ngày 18.3.2009 cho ông Trần Văn Hạnh; GCNQSDĐ số CH01320 đối với 197,4 m2 đất cấp ngày 14.9.2011 cho bà Võ Thị Lợi; GCNQSDĐ H06765, diện tích 390,8 m2, thửa đất số 4024, tờ bản đồ số 2BA.4 cấp ngày 18.3.2009 cho ông Trần Văn Thắng; GCNQSDĐ số CH01296 đối với 390,8 m2 đất cấp ngày 06.9.2011cho bà Võ Thị Lợi; GCNQSDĐ số H06777, diện tích 577,1 m2, thửa đất số 4023, tờ bản đồ số 2BA.4 cấp ngày 07.4.2009 cho bà Bùi Thị Dung; GCNQSDĐ số CH01321 đối với 577.1 m2 đất cấp ngày 14.9.2011 cho ông Võ Hữu Nghĩa; GCNQSDĐ số CH01992 đối với 577.1 m2 đất cấp ngày 08.6.2012 cho bà Võ Thị Kim Hạnh; GCNQSDĐ số H06776, diện tích 350 m2, thửa đất số 4022, tờ bản đồ số 2BA.4 cấp ngày 07.4.2009 cho ông Trần Văn Hạnh; GCNQSDĐ số H06766, diện tích 404,6 m2, thửa đất số 4025, tờ bản đồ số 2BA.4 cấp ngày 18.3.2009 cho ông Trần Văn Dũng; GCNQSDĐ số CH00504 đối với 100 m2 đất cấp ngày 30.9.2010 cho bà Trần Thị Kim Ngân; GCNQSDĐ số CH01297 đối với 304,6 m2 đất cấp ngày 06.9.2011cho ông Hồ Văn Xáng; GCNQSDĐ số H06836, diện tích 968,1 m2, thửa đất số 1143, tờ bản đồ số 02 cấp ngày 26.6.2009 cho ông Võ Hoàng Tuyên; GCNQSDĐ số CH02038 đối với 968,1 m2 đất cấp ngày 04.7.2012 cho bà Trịnh Thị Kim Hà.

Những thắc mắc chúng tôi đặt ra là:

1. Những GCNQSDĐ chúng tôi đã liệt kê ở trên có phải là GCNQSDĐ hợp pháp do chính UBND thị xã Dĩ An cấp?

2. Nếu những GCNQSDĐ này không hợp pháp, tại sao UBND thị xã Dĩ An lại để những GCNQSDĐ lưu hành hợp pháp, công nhận hành vi chuyển nhượng và hợp pháp hóa hành vi chuyển nhượng đó?

3. Nếu những GCNQSDĐ này là hợp pháp, tại sao lại thu hồi, hủy?

4. Sau khi thu hồi, hủy một cách hợp pháp những giấy GCNQSDĐ đã nêu, ai sẽ là người chịu trách nhiệm bồi thường những thiệt hại về tài sản đối với những người đang sở hữu GCNQSDĐ bị thu?

Ban biên tập Báo điện tử Một Thế Giới mong muốn được UBND thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương sắp xếp thời gian dành cho Báo điện tử Một Thế Giới một buổi gặp gỡ để trao đổi những vấn đề nêu trên. Nếu quý vị chưa có thời gian để tiếp xúc trực tiếp, chúng tôi mong nhận được công văn trả lời từ lãnh đạo UBND thị xã Dĩ An.

Trân trọng.”

Tuy nhiên, như chúng tôi đã nói ở trên, sau hơn 2 tháng công văn gửi đi, Báo điện tử Một Thế Giới vẫn chưa hề nhận được câu trả lời chính thức của UBND thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương!

Sau bài báo này, Báo điện tử Một Thế Giới sẽ không đề cập đến vụ việc này với UBND thị xã Dĩ An theo cách thức tương tự nữa, phần đánh giá về trách nhiệm và thái độ tiếp nhận vụ việc đối với báo chí, phương thức giải quyết vấn đề của UBND thị xã Dĩ An xin dành cho bạn đọc và các cơ quan chức năng cấp cao hơn.

Một tiền lệ đã được tòa án phân xử

TAND tỉnh Đồng Nai vừa tuyên buộc UBND huyện Trảng Bom (Đồng Nai) bồi thường cho một người dân hơn 2 tỉ đồng, do có sai phạm trong việc cấp và thu hồi đất đai. Vụ kiện này kéo dài gần 10 năm.

Mua đất đúng luật cũng bị thu hồi

Người thắng kiện UBND huyện Trảng Bom là bà Nguyễn Thị Nga (34 tuổi, ngụ xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom).

Theo bà Nga, đầu năm 2006, UBND huyện Trảng Bom cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) với diện tích 634m2cho vợ chồng bà ở xã Bắc Sơn, sau khi mua lại hợp pháp từ ông N.V.X. Tháng 5.2006, UBND huyện cho vợ chồng bà chuyển mục đích sử dụng 200m2trong thửa đất trên thành đất thổ cư.

Sau khi được cấp giấy tờ hợp lệvà được chuyển mục đích sử dụng, vợ chồng bà Nga làm hợp đồng cho thuê lại thửa đất trên. Bất ngờ, ngày 29.11.2007, UBND huyện Trảng Bom quyết định thu hồi lại giấy chứng nhận QSDĐ này theo chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai.

Việc thu hồi diễn ra bất ngờ khiến hợp đồng cho thuê đất không thực hiện được, vợ chồng bà phải bỏ tiền ra để bồi thường cho khách hàng.

Không đồng ý với quyết định vô lý này, vợ chồng bà Nga khiếu kiện khắp nơi. Hành trình gần 10 năm đi khiếu kiện, kêu cứu mà vợ chồng bà Nga ròng rã thực hiện kể từ đây.

Ngày 14.6.2013, TAND Đồng Nai thụ lý vụ kiện và đưa ra xét xử. Tòa xác định việc UBND huyện cấp sổ đỏ cho ông X. trước đó là trái pháp luật, đồng nghĩa việc ông X. chuyển nhượng đất cho vợ chồng bà Nga cũng trái pháp luật. Từ đó, tòa bác yêu cầu khởi kiện đòi đất của vợ chồng bà Nga.

Bà Nga cho biết bản án trên đã có hiệu lực nên hai vợ chồng phải chấp hành. Nhưng do tất cả thủ tục sang nhượng, mua bán, cấp giấy chứng nhận đối với thửa đất trên giữa vợ chồng bà và ông X. là hợp pháp, nên bà đã chuyển hướng khiếu kiện yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm Nhà nước đối với UBND huyện Trảng Bom do đã cấp sai giấy chứng nhận QSDĐ cho vợ chồng bà.

Những thiệt hại mà vợ chồng bà Nga yêu cầu được bồi thường gồm: tiền giá trị quyền sử dụng đất, tiền hợp đồng cho thuê đất mà vợ chồng bà đã nộp phạt, tiền thuế chuyển quyền, lệ phí trước bạ, lệ phí chuyển mục đích sử dụng đất..., tổng cộng hơn 2 tỉ đồng.

Ngày 23.9.2015, TAND huyện Trảng Bom mở phiên sơ thẩm vụ xử vụ kiện dân sự trên và chấp nhận một phần yêu cầu của bà Nga.

Làm sai, thua kiện, huyện đổ thừa tỉnh

Tại cấp sơ thẩm, đại diện UBND huyện Trảng Bom trình bày toàn bộ quá trình thu hồi đất của vợ chồng bà Nga là huyện thực hiện là theo quyết định của UBND tỉnh Đồng Nai.

Viện dẫn một số điều trong Luật tổ chức UBND - HĐND năm 2003, vị đại diện cho rằng cấp dưới phải chấp hành chỉ đạo cấp trên, nên trong trường hợp này UBND huyện Trảng Bom không có lỗi.

Đại diện UBND huyện Trảng Bom thừa nhận trong vụ việc này, người bị thiệt hại là vợ chồng bà Nga. Tuy nhiên, vị đại diện cho rằng UBND huyện chỉ trả lại cho vợ chồng bà Nga số tiền đã nộp thuế là hơn 10 triệu đồng và tiền lãi theo quy định.

Còn việc bồi thường thiệt hại giá trị quyền sử dụng đất, thiệt hại do thu nhập bị mất... thì UBND huyện Trảng Bom không chấp nhận. Vợ chồng bà Nga tiếp tục kháng cáo.

Ngày 20.4.2017, TAND Đồng Nai mở phiên phúc thẩm và nhận định: Việc chuyển nhượng thửa đất trên giữa vợ chồng bà Nga với ông X. là ngay tình.

Ngoài ra, UBND huyện Trảng Bom là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp và thu hồi giấy chứng nhận QSDĐ nhưng do trước đây UBND huyện đã cấp giấy chứng nhận sai cho ông X. nên dẫn đến việc cấp cho vợ chồng bà Nga sau khi họ mua đất cũng sai.

Như vậy, trong quá trình quản lýđất đai, UBND huyện Trảng Bom đã sai phạm nên phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại cho vợ chồng bà Nga hơn 2 tỉ đồng theo như yêu cầu ban đầu.

Vụ đầu tiên nên lúng túng

Trao đổi vớiTuổi Trẻ, một chấp hành viên được phân công thi hành bản án cho biết, phía UBND huyện Trảng Bom đã đồng ý thi hành bản án nhưng dođây là vụ đầu tiên kiểu thế này xảy ra ở địa phương, số tiền bồi thường lớn nên phía huyện còn lúng túng trong các thủ tục, khiến việc thi hành kéo dài hơn một tháng nay.

Vậy tiền ở đâu để bồi thường khi huyện làm sai? Luật sư Thái Văn Chung - giám đốc Hãng luật Nguyên Giáp, cho biết theo Điều 14 Luật trách nhiệm bồ thường Nhà nước, quy định cơ quan hành chính trực tiếp quản lý người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại là cơ quan có trách nhiệm bồi thường.

Như vậy, căn cứ theo nội dung bản án phúc thẩm của TAND Đồng Nai thì UBND huyện Trảng Bom phải chịu trách nhiệm bồi thường cho vợ chồng bà Nga, sau khi nhận được hồ sơ yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Ngoài ra, theo Khoản 2 Điều 52 Luật trách nhiệm bồ thường Nhà nước thì khoản tiền để bồi thường nêu trên sẽ được trích từ ngân sách Nhà nước do UBND huyện Trảng Bom quản lý.

TheoĐức Trong(Tuổi Trẻ)

Báo điện tửMột Thế Giới

Hữu Phú