Bộ Công Thương: Quy định vùng nguyên liệu là gây khó cho thương nhân
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 18:46, 31/08/2017
Trong văn bản góp ý với Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng việc giảm các rào cản kinh doanh sẽ mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, an sinh xã hội. Khi có thêm nhiều doanh nghiệp gia nhập thị trường sẽ giúp mở rộng thị trường tiêu thụ trên thế giới, làm đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, tăng cơ hội để xây dựng thương hiệu quốc gia.
“Việc tồn tại ổn định các doanh nghiệp trên thị trường (không có doanh nghiệp mới và không có doanh nghiệp rút khỏi thị trường) làm tăng nguy cơ thỏa thuận ngầm “phân chia địa bàn” thu mua lúa gạo. Việc hạ các điều kiện gia nhập thị trường giúp nông dân có thêm lựa chọn khi bán gạo cho các doanh nghiệp, nâng cao vị thế của nông dân trong đàm phán giá bán, tránh bị ép giá”, VCCI nêu rõ.
Theo VCCI, quy định doanh nghiệp phải có cơ sở xay xát không thực sự liên quan đến điều hành an ninh lương thực. Giả sử trong trường hợp mất an ninh lương thực, việc huy động các máy xay xát (cả quy mô công nghiệp, quy mô hộ gia đình, loại cố định hay di động) để phục vụ xay xát thóc gạo là việc tương đối đơn giản. Do đó, đề nghị bỏ quy định yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải có cơ sở xay xát thóc gạo.
Đối với mặt hàng lúa gạo, cơ quan này cho rằng biện pháp quản lý của Nhà nước, nếu có, chỉ nên nhằm 2 mục đích: Dự trữ lúa gạo để bảo đảm an ninh lương thực và thứ 2 là liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Các vấn đề khác nên để thị trường tự quyết định sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.
Trả lời điều này, Bộ Công Thương cho biết cơ quan này thống nhất về nguyên tắc với cách tiếp cận về việc cần xây dựng Nghị định theo hướng loại bỏ các rào cản không cần thiết. Quy định các điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo cần phù hợp với thực tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo theo cơ chế thị trường.
Tuy nhiên, Bộ này cho rằng Nghị định cũng cần đảm bảo định hướng đầu tư lâu dài của thương nhân đối với lĩnh vực kinh doanh xuất khẩu gạo. Thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải có năng lực chủ động nguồn hàng, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Theo đó, việc quy định các điều kiện kinh doanh là đúng đắn và phù hợp để đạt được mục tiêu xây dựng thương hiệu, nâng cao hiệu quả, giá trị gia tăng, đảm bảo ổn định, bền vững của sản xuất, xuất khẩu lúa gạo.
Bộ này cũng cho rằng, kho chứa, nhà máy xay xát, chế biến có vai trò rất quan trọng nâng cao chất lượng chế biến, bảo quản sản phẩm đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu.
Như vậy, để tránh tạo ra các rào cản về quy mô, gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ gia nhập thị trường, dự thảo Nghị định đã điều chỉnh theo hướng không buộc thương nhân phải sở hữu các cơ sở này, giảm quy mô tích lượng kho chứa xuống 3.000 tấn, không quy định quy mô cơ sở xay, xát, chế biến và yêu cầu phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.
Cũng theo VCCI, cơ chế điều hành xuất khẩu gạo vẫn chưa đủ minh bạch và chi tiết. Cần nghiên cứu quy định chi tiết hơn cơ chế này. Ví dụ xây dựng các cấp độ xanh, vàng, đỏ cảnh báo về an ninh lương thực. Tương ứng với từng cấp độ là những tiêu chí xác định cụ thể và các quyền, nghĩa vụ cụ thể của cá nhân, tổ chức.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo cần hai yêu cầu bắt buộc. Thứ nhất là có cơ sở xay xát và chế biến đảm bảo yêu cầu quy trình sản xuất, chế biến, xuất khẩu. Thứ 2 là có vùng nguyên liệu và hợp đồng bao tiêu lâu dài với nông dân.
“Hai điều kiện này có thể quy định mang tính chất định hướng, tạo điều kiện truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu và hưởng chính sách về xây dựng vùng nguyên liệu”, Bộ này nêu.
Bên cạnh đó, cơ chế điều hành xuất khẩu gạo là lĩnh vực thuộc chức năng quản lý nhà nước, không nên giao cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) để đảm bảo công khai, minh bạch. Đồng thời không nên quy định ban hành quy chuẩn kỹ thuật đối với gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng vì thị phần các loại gạo này thấp so với tổng lượng gạo xuất khẩu; nên quản lý chung là đạt tiêu chuẩn quốc gia gạo Việt Nam và theo yêu cầu thị trường.
Trả lời điều này, Bộ Công Thương cho rằng việc quy định xây dựng vùng nguyên liệu là điều kiện kinh doanh bắt buộc thương nhân thực hiện hiện nay chưa phù hợp, gây khó khăn cho thương nhân.
Tỉnh Thái Bình cũng đề nghị xem xét việc quy định thu hồi Giấy chứng nhận nếu 12 tháng liên tục không xuất khẩu là chưa hợp lý vì thương nhân đủ điều kiện mới được cấp Giấy chứng nhận. Ngoài ra, hiện đã bãi bỏ quy định về đầu mối nên không cần phải quy định điều này.
Bộ Công Thương không tiếp thu ý kiến này do xuất khẩu gạo là một kênh để tiêu thụ thóc, gạo cho người nông dân. Quy định này là cần thiết để gắn kết trách nhiệm của doanh nghiệp với người nông dân và thúc đẩy xuất khẩu. Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, dự thảo Nghị định đã sửa đổi quy định thương nhân bị thu hồi Giấy chứng nhận nếu trong vòng 18 tháng liên tục không xuất khẩu.
Hoài Phong