Cựu Tổng thống Pakistan trở thành kẻ đào tẩu

Quốc tế - Ngày đăng : 13:52, 01/09/2017

Một trong những phiên tòa gây tranh cãi nhiều nhất trong lịch sử Pakistan kết thúc, với cựu Tổng thống Pervez Musharraf bị tuyên là kẻ đào tẩu. Ông bị nghi chủ mưu vụ ám sát nữ Thủ tướng Benazir Bhutto hồi 10 năm trước.

Theo báo Guardian, tài sản của nhà độc tài quân sự Musharraf cũng bị tịch thu.

2 quan chức cảnh sát cấp cao bị kết án 17 năm tù, nhưng phán quyết không tuyên ai là thủ phạm giết bà Bhutto. Hai quan chức cảnh sát chỉ bị buộc tội “cẩu thả”, “xử lý kém” bằng chứng, và 5 nghi phạm khủng bố được tuyên trắng án.

“Phiên tòa trò hề”

Vụ án này tưởng như đã không thể kết thúc, nhưng khi không thể buộc tội nghi phạm chính Musharraf, Tòa án chống khủng bố ở thành phố Rawalpindi “đã tạo một tiền lệ nguy hiểm”, theo luật sư Saroop Ijaz, cũng là nhà nghiên cứu của tổ chức Giám sát nhân quyền ở Pakistan. Ông còn nói: “Đây là một phiên tòa trò hề. Musharraf vẫn sống sờ sờ, thường xuyên xuất hiện trên truyền hình”.

Tướng Musharraf bị buộc tội chủ mưu giết bà Bhutto, đã quyết sống lưu vong ở Dubai từ năm 2016, khi ông ta rời bỏ Pakistan sau một thời gian bị quản thúc tại gia, nhờ Bộ Nội vụ nước này dỡbỏ lệnh cấm đi lại đối với ông.

Aseefa, một trong những con gái của bà Bhutto, viết Twitter phàn nàn: “10 năm sau, chúng tôi vẫn chờ đợi công lý. Kẻ tiếp tay bị trừng phạt, nhưng kẻ thật sự phạm tội giết mẹ tôi vẫn được tự do”.

Bilawal, con trai bà Bhutto, nói kết quả phiên tòa “đáng thất vọng, không thể chấp nhận được”.

Các nhà quan sát còn bị bất ngờ, khi phiên tòa tuyên xử trắng án 5 nghi can dính líu bọn khủng bố Taliban Pakistan (TTP). Chúng bị kết tội dính líu vụ mưu sát bà Bhutto.

Đảng Nhân dân Pakistan (PPP) của bà Bhutto ra tuyên bố: “Việc xử trắng án bọn khủng bố Al-Qaeda/Taliban dù có chứng cứ ngược lại gây bất ngờ và đặt ra nhiều câu hỏi. Trên mặt họ xem là chiến thắng của bọn Al-Qaeda”.

PPP khẳng định chính Musharraf đứng sau vụ ám sát bà Bhutto. Nhưng vị cựu tướng phủ nhận các cáo buộc.

‘Thế lực đen tối’ ám sát bà Bhutto

Lúc sinh thời, bà Bhutto có hai lần làm Thủ tướng Pakistan. Phương tây xem bà là người đem đến nền dân chủ cho Pakistan. Tạp chí People từng chọn bà là một trong 50 người đẹp nhất thế giới.

Người ủng hộ bà Bhutto cảm phục bà, người vận động cho nữ quyền, nhưng phe đối lập công kích bà tham nhũng, bất tài và theo chủ nghĩa gia đình trị.

Bà Bhutto chào đời trong một gia đình quý phái ở Karachi, từng học đại học Cambridge, Harvard và Oxford.

Nhiều năm sau khi cha bà bị chính quyền độc tài quân sự Zia ul-Haq giết, bà Bhutto làm lãnh đạo PPP (do cha bà lập) năm 1987. Năm sau, bà trở thành người phụ nữ đầu tiên được bầu cử dân chủ làm Thủ tướng Pakistan.

Ở nhiệm kỳ thứ hai, bà Bhutton bị cáo buộc tham nhũng, nên bà bỏ qua Anh, mãi 8 năm sau mới quay về nước và được người dân chào đón.

Trong một cuộc tranh cử trước kỳ bầu cử quốc hội năm 2008, bọn khủng bố bắt đầu tấn công bà, bằng cách cài hai quả bom trong đám đông. Bà Bhutto sống sót trong vụ tấn công làm chết 149 người này.

Nhưng trong cuộc tranh cử khác hai tháng sau đó, vào ngày 27.12.2007 ở thành phố Rawalpindi, xe chở bà bị bắn, trước khi một tay đánh bom tự sát đến gần rồi kích nổ.

Bà Bhutto chết trong xe, trong hoàn cảnh gây tranh cãi sau đó. Điều tra ban đầu nói bà chết vì bị vỡ hộp sọ do trần xe sụp xuống trong vụ nổ. Nhưng PPP bác bỏ nhận định này, nhấn mạnh bà Bhutto chết vì vết thương do đạn gây ra.

Trước khi bị giết, bà Bhutto cũng từng nói có một “thế lực đen tối” âm mưu giết bà: những quan chức tình báo và trợ lý của Tổng thống Musharraf. Bà còn nói Musharraf phải bị qui trách nhiệm, nếu như bà có mệnh hệ gì. PPP vẫn giữ quan điểm này.

Phiên tòa kéo dài 10 năm, với hơn 300 lần nghe 121 nhân chứng, còn có những lần bị hoãn và những vụ mờ ám.

Năm 2013, công tố viên trưởng điều tra Musharraf trong vụ giết bà Bhutto, đã bị bắn chết trong xe của ông ở Islamabad.

Từ năm 2007, có 7 tên TTP bị buộc tội dính líu vụ ám sát bà Bhutto, đã bị giết trong những chiến dịch quân sự, gồm tên chỉ huy TTP Baitullah Mehsud bị máy bay không người lái tấn công năm 2009.

Bích Ngọc (theo Guardian)

Trần Trí