Phê xấu lý lịch công dân là để giáo dục gia đình không đạt văn hóa!

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 16:20, 01/09/2017

Báo cáo giải trình về việc phê xấu vào lý lịch công dân làm họ mất cơ hội việc làm, chính quyền xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) khẳng định đó là chủ trương chung của địa phương đề ra với mục đích nhằm có biện pháp giáo dục những gia đình hằng năm ở địa phương không đạt gia đình văn hóa.

Biện pháp giáo dục mới?

Ngày 29.8, Báo điện tử Một Thế Giới đăng bài viết “Thêm một quan xã chứng lý lịch 'bêu xấu' công dân” nói về việc chính quyền xã Tịnh Khê đã phê xấu vào lý lịch con gái ông Trần Tấn Huyên (hộ khẩu thường trú tại thôn Tư Cung) khiến bà này mất cơ hội việc làm, phải về quê bán áo quần.

Cũng trong ngày này, ông Trương Thanh Thảo, Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê đã có báo cáo giải trình gửi lên các cấp chính quyền tỉnh Quảng Ngãi.

Ông Thảo xác nhận: “Vào cuối năm 2016, ông Trần Tấn Huyên (hộ khẩu thường trú tại thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê, TP.Quảng Ngãi) có đến UBND xã Tịnh Khê để yêu cầu xác nhận vào sơ yếu lý lịch cho con gái là bà Trần Thị Thành để xin việc làm. Qua xem xét nội dung yêu cầu xác nhận của lý lịch, công chức văn phòng UBND xã có phê xác nhận: “Bà Trần Thị Thành có hộ khẩu xã Tịnh Khê, TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi. Gia đình bà chưa chấp hành tốt chủ trương của địa phương” và trình cho ông Đỗ Minh Cường, Phó chủ tịch UBND xã ký”.

Ông Đỗ Minh Cường, Phó chủ tịch UBND xã Tịnh Khê

“Việc công chức văn phòng UBND xã Tịnh Khê phê xác nhận như nội dung nêu trên không phải là theo cảm tính hoặc ý của một vài cá nhân mà là thực hiện theo chủ trương chung của địa phương đề ra với mục đích nhằm có biện pháp giáo dục những gia đình hằng năm ở địa phương không đạt gia đình văn hóa, thường xuyên vi phạm pháp luật hoặc gây khó khăn cản trở đối với phong trào, những chủ trương mà cấp ủy, chính quyền địa phương đề ra”, ông chủ tịch cho hay.

“Đối với ông Trần Tấn Huyên, trong những năm gần đây gia đình ông thường xuyên gây khó khăn cho chính quyền địa phương trong việc thực hiện chủ trương của nhà nước, gây mất đoàn kết trong khu dân cư, ảnh hưởng đến cộng đồng và phong trào địa phương”.

“Trong đó, có một số vụ việc điển hình như: gia đình ông chưa chấp hành tốt trong việc bàn giao mặt bằng để địa phương thi công xây dựng công trình nghĩa trang nhân dân xã, trong khi tất cả các hộ dân có đất đai, cây cối bị ảnh hưởng của công trình như ông thì đều ủng hộ hưởng ứng thực hiện; từ đó làm ảnh hưởng đến phong trào và tiến độ xây dựng nông thôn mới tại địa phương”.

“Thường xuyên có đơn thư vượt cấp, gây mâu thuẫn tranh chấp với các hộ dân tại nơi cư trú, như tranh chấp đất với gia đình bà Trương Thị Hồng, tranh chấp đất với gia đình ông Nguyễn Hòe làm mất an ninh trật tự địa phương. Mặc dù được thôn xóm và chính quyền địa phương hòa giải rất nhiều lần nhưng vẫn không đạt kết quả do sự thiếu thiện chí từ phía gia đình ông Trần Tấn Huyên.

Với lối sống và quan hệ của gia đình ông Huyên đã gây bất bình trong nhân dân; trong hai năm 2015, 2016 gia đình ông không được công nhận là gia đình văn hóa. Vì vậy, việc xác định gia đình ông chưa chấp hành tốt chủ trương của địa phương là có cơ sở”.

Đổ lỗi cho cả Sở Tư pháp?

Ông Thảo cho rằng: “Với việc báo đài đưa tin cho rằng việc phê vào lý lịch công dân là sai với hướng dẫn của Bộ Tư pháp là chưa có cơ sở. Vì từ năm 2014 đến nay UBND xã vẫn chưa nhận được văn bản chỉ đạo của Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi về việc hướng dẫn xác nhận sơ yếu lý lịch”.

Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó giám đốc Sở Tư pháp Quảng Ngãi lại nói: “Nếu chính quyền địa phương thấy lời khai trong lý lịch của công dân đúng thì xác nhận là đúng, còn sai thì từ chối không xác nhận và yêu cầu làm lại cho đúng. Chứ không đượctùy tiện phê vào lý lịch của chị Thànhnội dung như vậy”.

“Các văn bản, hướng dẫn mới liên quan về tư pháp được ban hành, chúng tôi đều gửi và tổ chức tập huấn cho các địa phương. Có thể do ông Cường (phó chủ tịch xã) mới được điều động, phân công phụ trách mảng này; hoặc trước đó vì bận việc không dự tập huấn hướng dẫn nên chưa nắm bắt được quy định này”.

Ông Trần Tấn Huyên kể về vụ việc

Báo cáo của xã Tịnh Khê còn cho rằng: “Hiện nay, về mẫu biểu sơ yếu lý lịch đang lưu hành thì cho thấy chưa có sự thống nhất giữa các bộ ngành và các đơn vị. Trong đó có mẫu chỉ yêu cầu chứng thực chữ ký, có những mẫu biểu lại yêu cầu nhận xét thêm việc chấp hành chủ trương và hoàn cảnh gia đình công dân. Trường hợp sơ yếu lý lịch của bà Trần Thị Thành thì yêu cầu nhận xét về hoàn cảnh gia đình”.

“Từ những lý do trên, UBND xã Tịnh Khê thấy rằng việc nhận xét vào lý lịch của bà Trần Thị Thành là không có cơ sở để báo đài cho là sai so với quy định, đặc điểm bản chất của vấn đề không phải là việc thực hiện các nghĩa vụ đóng góp kinh phí theo quy định của địa phương như một số vụ việc ở các tỉnh phía Bắc vừa qua thông tin, hơn nữa sự việc này đã xảy ra từ gần 1 năm về trước.

Thay vào đó, yêu cầu Chính phủ, bộ ngành, các cơ quan chức năng trong thời gian tớicần có quy định hướng dẫn cụ thể việc chứng thực và xác nhận vào sơ yếu lý lịch của công dân để cấp xã, phường có cơ sở thực hiện. Trong quá trình ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn cũng cần lưu ý đến tính công bằng xã hội, việc thực thi nhiệm vụ của cấp chính quyền cơ sở, các phong trào của mặt trận tổ quốc phát động, những quy định pháp luật và các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước hiện nay thực hiện”.

Tới Phan - Lê Đình Dũng

Lê Đình Dũng