Có phải tăng thuế VAT thì người giàu chịu gánh nặng thuế nhiều hơn?

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 15:21, 03/09/2017

Đây là câu hỏi của TS Huỳnh Thế Du, Giám đốc đào tạo tại Khoa Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam khi phản biện lại quan điểm của ông Sebastian Eckhardt, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam trước việc tăng thuế VAT của Bộ Tài chính.
          

Liên quan đến đề xuất tăng thuế VAT của Bộ Tài chính, dư luận lại tiếp tục tranh luận sôi nổi khi Bộ này cho rằng tăng thuế VAT không ảnh hưởng nhiều đến người nghèo. Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8.2017, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nhận định: “Việc điều chỉnh thuế VAT có tác động đến người dân, nhưng Bộ Tài chính đánh giá rằng với mức điều chỉnh như vậy, tác động đối với người thu nhập thấp, người nghèo là không nhiều”.

Theo bà Mai, hiện luật thuế VAT quy định 25 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế, 15 nhóm dịch vụ, hàng hóa chịu thuế 5%.

Dựa trên kết quả khảo sát mức sống dân cư được công bố năm 2014, Bộ Tài chính nhận thấy nhóm người có thu nhập thấp dành tới 59,6% thu nhập để chi cho y tế, thực phẩm và giáo dục. Ngược lại, nhóm người thu nhập cao nhất chỉ dành 39,6% tổng chi cho các nhóm hàng hóa thiết yếu này.

Trong khi đó, y tế và giáo dục hiện đang là đối tượng không chịu thuế, lương thực - thực phẩm do người dân sản xuất trực tiếp bán ra cũng không chịu thuế, chỉ có khâu kinh doanh - buôn bán mới chịu thuế ở mức thấp 5%. Các mặt hàng thiết yếu khác như thuốc chữa bệnh, các mặt hàng đầu vào của nông nghiệp… đều ở mức thuế suất thấp 5%, dự kiến tăng lên 6%. Thuế suất phổ thông hiện là 10%, dự kiến tăng lên 12%.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Mai cho rằng, với nhóm người thu nhập thấp, người nghèo, hiện Chính phủ vẫn có những chính sách an sinh xã hội khác nhằm giúp đỡ những đối tượng này từ y tế, giáo dục, nhà ở…

Bình luận về chương trình tăng thuế VAT của Bộ Tài chính Việt Nam, ông Sebastian Eckhardt chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng: Tranh luận về tác động tới phân bổ thu nhập của thuế VAT, đặc biệt là đối với người nghèo, là rất quan trọng. Đây là vấn đề gây tranh cãi khắp nơi trên thế giới. Không giống như thuế thu nhập có tính chất lũy tiến, thuế VAT không phân biệt đối tượng nộp thuế. Tất cả các hộ gia đình đều phải trả thuế VAT như nhau, bất kể mức thu nhập thế nào. Vì vậy, thuế VAT có tính chất lũy thoái.

“Bởi vì các hộ gia đình giàu thường có xu hướng tiêu dùng nhiều hơn, và dùng nhiều hàng hóa đắt đỏ hơn nên họ trả phần lớn thuế VAT. Tại Việt Nam, theo tính toán của chúng tôi thì 20% hộ gia đình nghèo nhất chỉ trả khoảng 9% tổng số thu thuế VAT. Trong khi đó, 20% hộ gia đình giàu nhất trả gần 40% tổng số thu thuế VAT. Điều này có nghĩa là nếu một hộ nghèo tiết kiệm được trung bình 10.000 đồng do thuế suất thuế VAT thấp, thì hộ giàu tiết kiệm được 40.000 đồng. Vì vậy, thuế suất thuế VAT thấp thực sự mang lại lợi ích cho người giàu hơn người nghèo”, ông Sebastian Eckhardt nói.

Không đồng tình với phân tích này của chuyên gia kinh tế trưởng WB, TS Huỳnh Thế Du, Giám đốc đào tạo tại Khoa Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam đặt câu hỏi: “Có thực sự là thuế suất VAT thấp mang lại lợi ích cho người giàu hơn người nghèo? Hay nói cách khác là tăng thuế VAT thì người giàu chịu gánh nặng thuế nhiều hơn?”

Ông Du nêu rằng, theo điều tra mức sống hộ gia đình năm 2014 của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân/tháng của một nhân khẩu thuộc 20% dân số có thu nhập nhất là 660 nghìn đồng. Con số này ở nhóm 20% dân số có thu nhập cao nhất là 6,413 triệu đồng - gấp 9,7 lần nhóm thấp nhất. Tính ra, tổng thu nhập của nhóm thấp nhất (20%) chỉ chiếm 4,2% tổng thu nhập của các hộ gia đình cả nước, trong khi nhóm cao nhất (20%) là 48,6%.

Theo đó, khi nhóm thấp nhất phải nộp khoảng 9% và nhóm cao nhất nộp gần 40% thuế VAT thì thuế suất trên một đồng thu nhập của nhóm thấp nhất gấp hơn 2,6 lần nhóm cao nhất [(9%/4,2%)/(<40%>

“Nói cách khác là thuế VAT ở Việt Nam đang có tính lũy thoái rất cao và so với tỷ phần thu nhập thì người giàu đang phải nộp thuế ít hơn rất nhiều so với người nghèo. Như vậy, kết luận phải là khi tăng thuế VAT thì gánh nặng của người nghèo cao hơn người giàu chứ không phải là ngược lại như phát biểu được báo trích dẫn của ông Sebastian Eckhardt”, TS Huỳnh Thế Du cho hay.

Nói trên tờ VnExpress, TS Vũ Thành Tự Anh, Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng kết luận của Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai là “hết sức phiến diện”. Bởi vì theo lý thuyết rất cơ bản của kinh tế học, người nghèo có tỷ lệ thu nhập dành cho tiêu dùng cao hơn người giàu. Vì vậy gánh nặng thuế VAT họ phải chịu sẽ chiếm một tỷ lệ cao hơn so với thu nhập. Tăng thuế VAT hiển nhiên sẽ làm người thu nhập thấp bị tổn thương nhiều hơn.

Theo ông Vũ Thành Tự Anh, thực tế tại Việt Nam, trong khi 20% hộ giàu nhất có mức thu nhập trung bình cao hơn tới 8,5 lần so với 20% hộ nghèo nhất (Theo Báo cáo Điểm lại, tháng 7.2014 của Ngân hàng Thế giới - WB, tại Việt Nam), mức đóng thuế VAT của 20% hộ giàu nhất chỉ cao hơn chưa tới 4,5 lần so với 20% hộ nghèo nhất.

“Có nghĩa là, nếu số liệu của WB là đúng thì gánh nặng thuế VAT so với thu nhập của nhóm 20% hộ nghèo nhất sẽ bằng 1,9 lần so với nhóm 20% hộ giàu nhất. Do đó, khi thuế VAT giảm thì gánh nặng thuế của nhóm nghèo nhất sẽ giảm và ngược lại, khi thuế VAT tăng thì nhóm nghèo nhất sẽ phải chịu gánh nặng thuế cao hơn so với thu nhập của họ”, vị này cho hay.

Hoàng Lân

   

Trí Lâm