TP.HCM muốn chấn chỉnh hoạt động Uber, Grab
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 15:19, 03/09/2017
Xử phạt Grab, Uber vì thiếu thông tin nhận diện
Sở Giao thông vận tải TP.HCM (Sở GTVT TP) mới đây đã giao thanh tra Sở kiểm tra xử lý nghiêm đối với các phương tiện ô tô tham gia sử dụng phần mềm Grab, Uber nếu vi phạm không niêm yết tên, số điện thoại của đơn vị kinh doanh ở bên ngoài xe theo quy định.
Theo Thanh tra Sở GTVT TP, thời gian qua việc kiểm tra, xử lý hoạt động vận tải hành khách có sử dụng phần mềm Grab, Uber chưa thường xuyên bởi lực lượng thanh tra đảm nhận nhiều công việc. Mặc dù đã có kế hoạch liên ngành giữa Thanh tra giao thông với cảnh sát giao thông nhưng công tác phối hợp còn hạn chế nên hiệu quả chưa cao.
Thanh tra Sở GTVT TP cho rằng do thẩm quyền còn hạn chế nên công tác kiểm tra, xử lý xe Grab, Uber còn khó khăn. Trường hợp phương tiện chở khách đang lưu thông thì thanh tra giao thông không thể dừng xe nếu không có hành vi vi phạm ban đầu.
Ngoài ra, để xác định xe Uber, Grab có vi phạm hay không còn phải có bản tường trình, hợp tác của hành khách đi xe. Thế nhưng, hầu hết hành khách có tâm lý sợ phiền hà nên không hợp tác, khi lực lượng chức năng kiểm tra thì đối phó bằng cách trả lời là xe gia đình, bạn bè…
Theo ông Trần Quang Lâm - Phó giám đốc Sở GTVT TP, từ đầu năm đến nay đã phát hiện và xử phạt 97 trường hợp xe Grab, Uber vi phạm với số tiền 348 triệu đồng.
Các hành vi vi phạm chủ yếu của tài xế sử dụng phần mềm Grab, Uber chở khách như không có đăng ký kinh doanh vận tải bằng ô tô, dừng đậu không đúng quy định, không niêm yết tên, số điện thoại đơn vị kinh doanh, không niêm yết khẩu hiệu “tính mạng con người là trên hết”… ở vị trí dễ nhận biết. Trên thực tế hiện nay có rất nhiều xe sử dụng phần mềm Grab, Uber vận chuyển hành khách không tuân thủ các các quy định trên.
Đề xuất đưa Grab, Uber vào loại hình “taxi mới”
Phó giám đốc Sở GTVT TP cho biết Sở này đã có văn bản báo cáo UBND TP.HCM về góp ý dự thảo thay thế Nghị định 86/2014/NĐ- CP của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô.
Theo đó, để có đủ cơ sở quản lý, đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động kinh doanh vận tải giữa các loại hình kinh doanh vận tải, Sở GTVT TP đề xuất đưa loại hình như Grab, Uber vào loại hình “taxi mới”, nhưng đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh vận tải theo loại hình taxi truyền thống.
Bởi lẽ, taxi truyền thống phải thực hiện kê khai, niêm yết giá cước và thực hiện theo đồng hồ tính tiền được gắn trên xe sau khi được cơ quan có thẩm quyền về đo lường kiểm định và kẹp chì. Mặt khác, taxi truyền thống còn phải đăng ký và thực hiện sơn biểu trưng (logo) không trùng với biểu trưng đã đăng ký của đơn vị kinh doanh vận tải taxi trước đó và số điện thoại giao dịch cho các xe thuộc đơn vị.
Trong khi đó, “taxi mới” chưa có quy định cụ thể. Do đó, “taxi mới” phải xây dựng phương án nhận diện gửi cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
Cũng liên quan tới đề xuất này, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng đã có văn bản gửi Bộ GTVT kiến nghị Bộ xác định lại loại hình kinh doanh Uber, Grab tại Việt Nam là kinh doanh vận tải bằng taxi, không phải xe hợp đồng và áp dụng các điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi để bình đẳng trong kinh doanh vận tải.
Về đề nghị trên, Bộ GTVT nói rằng trường hợp các đơn vị vận tải hoạt động theo đúng loại hình, chấp hành đầy đủ các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh mà có sử dụng các phần mềm ứng dụng nhằm mục đích hỗ trợ cho điều hành hoạt động vận tải, quản lý doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và hiệu quả của doanh nghiệp thì Bộ này luôn đồng tình ủng hộ.
Vỡ quy hoạch về xe taxi
Số liệu từ Sở GTVT TP cho thấy tính đến hết ngày 30.6.2017, Sở này đã cấp phù hiệu xe hợp đồng cho 23.820 xe từ 9 chỗ trở xuống thuộc 282 đơn vị vận tải. Trong đó, xe được cấp phù hiệu xe hợp đồng tham gia ứng dụng phần mềm Grab là 14.100 xe (tính đến ngày 31.7.2017). Tổng lượng loại xe vận tải này hoạt động trên địa bàn TP.HCM (chủ yếu hoạt động khu vực trung tâm thành phố) hiện lên tới 34.880 xe (gồm 11.060 xe taxi và 23.820 xe hợp đồng). Không những vậy, còn một lượng xe đáng kể không đăng ký kinh doanh vận tải, đang tham gia hoạt động ứng dụng phần mềm Uber.
Theo đề án quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe taxi trên địa bàn TP.HCM đến năm 2025, số lượng xe taxi dự kiến đến năm 2020 là 14.500 xe, đến năm 2025 là 16.500 xe. Như vậy, số lượng xe hiện hữu trên địa bàn TP.HCM hiện nay đã vượt gần 3 lần quy hoạch đến năm 2020 và hơn 2 lần quy hoạch đến 2025. Đây chính là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông tại TP.HCM ngày càng nghiêm trọng.
Phan Diệu