Kỳ 1: Tiếng kêu bên dòng sông Hậu
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 08:54, 05/09/2017
Đã 13 năm trôi qua, những người dân còn sót lại của vùng bưởi Năm Roi, nay là KCN Bình Minh, vẫn kêu cứu như thế. Lúc đầu, còn có nhiều người kêu như một dàn đồng ca ai oán. Lâu dần, nhiều người bỏ cuộc, chỉ còn lại 14 hộ dân. Họ là những nông dân chính hiệu nên kiến thức pháp luật không nhiều, viết một lá đơn cũng không chỉn chu… Thế nhưng, nỗi đau và sự oan ức của những nông dân ấy lại rất nghiêm túc và rất đáng được lưu tâm, cho dù những dòng chữ họ gửi đến chúng tôi rất đơn sơ, không đủ ý.
Lá đơn của những người nông dân:
“…Quyết định đã ký ban hành từ ngày 8.7.2004 nhưng hầu như không ban hành đến các hộ dân mà chỉ giao bản sao y cho các hộ dân khi dân có đơn khiếu nại thông qua Văn phòng Luật sưVạn Lý và Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long đối thoại với dân, sao y ngày 29.12.2016.
Từ năm 2004 qua kiểm kê áp giá bồi hoàn (Ban Quản lý tự áp đặt giá, không có chữ ký của người dân), Áp giá bồi hoàn giải tỏa năm 2004 nhưng áp dụng Luật đất đai năm 1999, giá đất 35.100 đồng/m2, trong khi đây là vùng đặc sản bưởi năm roi, cạnh cầu Cần Thơ lại xây dựng Khu công nghiệp; các hộ dân đã nhiều lần khiếu nại nhưng chính quyền và cơ quan chức năng hầu như không giải quyết rõ ràng, dứt điểm, thường bác đơn người khiếu nại. Hiện nay những người dân trong vùng giải tỏa đã phải trải qua gần 13 năm cam chịu cảnh cơ cực, một số vườn, ruộng trong vùng quy hoạch không canh tác được do nước đọng không đường thoát, những công bưởi bị chết do ngập úng càng đưa người dân vào cảnh khó khăn.
Hôm nay chúng tôi nhận được Quyết định cưỡng chế số….của UBND tỉnh Vĩnh Long cưỡng chế theo từng hộ (chia đểdễ đàn áp, hù dọa); thiết nghĩ từ khâu ra quyết định đến nay hầu như người dân không được phát huy quyền làm chủ của mình, Chính quyền thực hiện lệnh cưỡng chế người dân phải sống thế nào với số tiền ít ỏi đó, nhưng sức yếu thế cô người dân không được những người đại diện chính quyền quan tâm.
Từ đó chúng tôi khẩn thiết mong cơ quan Thông tấn – Báo chí cả nước hỗ trợ quan tâm cứu giúp các hộ dân chúng tôi.
Trân trọng kính chào.
Mỹ Hòa ngày 9.8.2017
Người đại diện
Huỳnh Văn Sung
Đồng ký đơn…”
Trên đây là nội dung của một trong những lá đơn mà chúng tôi đã nhận được trong xấp giấy tờ ít ỏi, không đầu, không đuôi của những người dân còn sót lại, vẫn bám trụ giữ đất, quyết “một tấc không đi, một li không rời” ở xã Mỹ Hòa nằm ngay chân cầu Cần Thơ phía thị xã Bình Minh (Vĩnh Long), bên dòng sông Hậu.
Hồ sơ ít ỏi là phải, bởi những người dân ở đây chẳng hề được cung cấp thông tin gì nhiều từ phía các cơ quan chức năng địa phương trước khi nhận được quyết định (và sau đó là cưỡng chế) phải rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn của mình, nơi làm ăn sinh sống bao đời của dòng tộc (có gia đình đã xác lập lịch sử định cư tại đây hàng trăm năm). Một hành vi của chính quyền địa phương gây ảnh hưởng nghiêm trọng nơi an cư, lịch sử và nguồn sinh sống của hàng ngàn con người và cả một vùng đất, nhiều khi lại được thực hiện một cách đơn giản đến không ngờ…
Trâu, bò gặm cỏ trên những bãi đất trống trong Khu công nghiệp Bình Minh
Cố gắng tìm hiểu sự việc bằng cách gặng hỏi từng người dân, liên kết các sự kiện, tổng hợp lại, chúng tôi mới dần dần hình dung ra toàn bộ câu chuyện như sau:
Với hơn 2.700 ha đất bờ xôi ruộng mật, Mỹ Hòa từng là địa phương nổi tiếng của cả nước với đặc sản bưởi Năm Roi làm mưa làm gió trên thị trường cả nước. Lúc cao điểm, nơi đây có thể cho ra thị trường cả trăm ngàn tấn bưởi một năm. Đùng một cái, vùng đất trù phú bị tỉnh thu hồi, giao cho nhà đầu tư làm khu công nghiệp. Hơn 2.700ha đất trồng bưởi đặc sản chỉ còn lại 1.300ha, bưởi Năm Roi từng tung hoành thị trường ngày nào giờ lâm vào cảnh “hữu danh vô thực”. Một thế mạnh kinh tế vùng miền bị thủ tiêu một cách không thương tiếc.
Còn khu công nghiệp được các cơ quan chức năng “dự kiến” sẽ thay thế mạnh kinh tế vùng miền mang thương hiệu bưởi Năm Roi, tạo đột phá cho nền kinh tế tỉnh nhà… thì theo thời gian, từng bước biến thành một bãi đất nhìn rất hoang phế, trải dài mút tầm mắt, sau 13 năm mà mới chỉ có lèo tèo ít nhà máy, xí nghiệp hoạt động èo uột.
Hàng trăm căn nhà do công ty Hoàng Quân xây dựng, không người ở như thế này từ nhiều năm nay
Về phía nhà đầu tư, sau khi được giao đất đã nhanh chóng làm thủ tục chuyển một phần đất trong dự án thành đất thương mại rồi vội vã rao bán nền. Thế nhưng, cả chục năm qua những dãy phố thương mại ở nơi đây vẫn chỉ mang hình hài của một “xác sống”, trống rỗng, với những căn nhà được xây thô nằm hoang tàn, lạnh vắng, không một bóng người…
Thế đấy, người ta “giết chết” một vùng đất, một thương hiệu đặc sản, những con người chân chất… có khi chỉ bằng những kế hoạch được lập ra vội vã, thiếu cân nhắc; những quyết định hành chính vô cảm… và khi kết quả trở thành hậu quả với bao nhiêu thứ bị hoang phí, thì chẳng có cái tên cụ thể nào chịu trách nhiệm về những hậu quả này.
Chỉ còn những người nông dân đứng chân trần trên mảnh đất hoang tàn của ông cha, giữa trời mưa nắng, kêu gào về những nỗi oan khuất đang đè nặng trên những thân phận người, tiếc nuối về một vùng đất trù phú của một thời đã qua…
Vì đâu nên nỗi?
Theo hồ sơ chúng tôi lục lại được trên các phương tiện truyền thông đại chúng thì, năm 2001, UBND tỉnh Vĩnh Long xin chủ trương quy hoạch xây dựng KCN Bình Minh rộng 162ha tại xã Mỹ Hòa và được Chính phủ chấp thuận. Ngày 28.5.2004, UBND tỉnh Vĩnh Long có công văn 905/UB do ông Phạm Văn Đấu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - ký chấp thuận cho Công ty Hoàng Quân Mê Kông (HQMK) điều chỉnh lấy 30ha đất trong 162ha của khu công nghiệp để “xây dựng nhà ở phục vụ chuyên gia và công nhân”.
Ngay sau đó, Hoàng Quân Mê Kông tiến hành san lấp, phân lô khu đất này và công khai rao bán với giá thấp nhất là 1,8 triệu đồng/m2. Trong thời điểm hiện nay, mỗi căn nhà có giá bán từ 1 đến 2 tỉ đồng, trong khi người nông dân chỉ được nhà đầu tư bồi thường 35.100 đồng/m2 đất màu mỡ.
Điều khó hiểu là: Sau khi cho phép Hoàng Quân Mê Kông chuyển 30ha làm khu nhà ở chuyên gia, công nhân, đến ngày 31.5.2007, UBND tỉnh Vĩnh Long mới ra Quyết định số 1048 phê duyệt quy hoạch chi tiết khu đất này. Và ngày 3.4.2008, UBND tỉnh Vĩnh Long mới có tờ trình gửi Chính phủ xin điều chỉnh diện tích KCN, chuyển 30ha sang xây cất nhà ở cho chuyên gia, công nhân, làm thương mại và dịch vụ. Ngày 13.5.2008, Thủ tướng có công văn 700/TTg-KTN chấp thuận điều chỉnh diện tích trên.
Công văn nhấn mạnh: “Thủ tướng đồng ý chuyển 30ha trên tổng số 162ha đất khu công nghiệp Bình Minh sang xây dựng nhà ở cho chuyên gia, công nhân và dịch vụ, chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định của pháp luật hiện hành về đất đai, đầu tư và xây dựng”. Tức, tính về mặt thời gian, UBND tỉnh Vĩnh Long đã thực hiện công khai việc điều chỉnh dự án trước khi được Chính phủ cho phép hơn 4 năm.
Ngay tại thời điểm UBND Tỉnh Vĩnh Long thuận cho HQMK chuyển đổi một phần đất KCN làm “khu chuyên gia, khu nhà ở công nhân” vào năm 2004, hơn 100 hộ dân ở ấp Mỹ Hưng 2 (xã Mỹ Hòa) đã đâm đơn khiếu nại. Với cách hiểu đơn sơ của người dân, việc HQMK trả cho dân số tiền 1m2 đất chỉ tương đương giá một quả bưởi Năm Roi, sau đó phân lô bán nền với giá cao gấp cả trăm lần là điều… quá phi lý. Và như thế, họ kiện.
Sau suốt 13 năm khiếu nại, số hộ dân còn đủ sức mang đơn gõ cửa các cơ quan chức năng chỉ còn 14 hộ. Số hộ kia vì quá mỏi mòn, đã nhận tiền rồi bỏ đi nơi khác. Trong số những hộ còn khiếu nại, có 3 người do già yếu nên đã mất, ủy quyền cho con cháu tiếp tục đi đòi công bằng.
Một chuỗi sự kiện hình thành nên một vấn đề bao gồm cả kinh tế, chính trị, xã hội… chỉ được các phương tiện truyền thông tóm tắt lại trong vài dòng là đã đủ khắc họa nên những mâu thuẫn, bất cập. Nhưng, những thân phận người bị ảnh hưởng từ câu chuyện kể ngắn ngủi này lại kéo dài đằng đẵng mười mấy năm, và chưa biết khi nào mới chấm dứt…
Năm 2001, UBND tỉnh Vĩnh Long xin chủ trương quy hoạch xây dựng khu công nghiệp (KCN) Bình Minh rộng 162 ha tại xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh và được Thủ tướng chấp thuận. Đến tháng 7.2004, chủ đầu tư (Công ty Hoàng Quân) phát hành tờ rơi quảng cáo về dự án KCN và khu dân cư mới Bình Minh (quy mô 30 ha), đồng thời rao bán nền với giá 1,8 triệu đồng/m2 dù hạ tầng KCN vẫn chưa hoàn chỉnh, công ty cũng chưa được giao quyền sử dụng đất.
Theo bảng báo giá, biệt thự xây thô có giá từ 1,8 đến trên 2 tỉ đồng, còn nhà phố xây thô từ 700 triệu đến 1,9 tỉ đồng/căn. Căn cứ để Hoàng Quân rao bán đất KCN là do ngày 20.5.2004, Công ty có đơn gửi cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Long xin điều chỉnh chức năng sử dụng 30 ha đất của KCN Bình Minh để xây nhà ở phục vụ chuyên gia và công nhân. Sau đó, ngày 28.5.2004, UBND tỉnh Vĩnh Long có công văn “chấp thuận chọn vị trí quy hoạch xây dựng nhà ở cho chuyên gia và công nhân với diện tích 30 ha trong 162 ha của KCN Bình Minh”.
Tháng 9.2004, ông Cao Thế Nhân, Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Long, có văn bản khẳng định việc chuyển đổi trên phù hợp Nghị định 36/1997 (việc cho phép chuyển đổi này chỉ mới là chủ trương của tỉnh Vĩnh Long). Gần 4 năm sau (tháng 3.2008), UBND tỉnh mới chỉ đạo Ban quản lý các KCN làm thủ tục xin thay đổi diện tích KCN Bình Minh và khu nhà ở chuyên gia, công nhân. Đến ngày 13.5.2008, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải có công văn cho phép KCN Bình Minh thay đổi hình thức đầu tư, đồng thời điều chỉnh giảm diện tích đất KCN này, chuyển đổi 30 ha đất sang xây dựng nhà ở chuyên gia, công nhân và dịch vụ.
Theo quyết định của UBND tỉnh Vĩnh Long, Công ty Hoàng Quân có trách nhiệm giới thiệu địa điểm, hướng dẫn các nhà đầu tư thứ cấp đầu tư vào KCN Bình Minh. Dù quy định không cho phép thuê đất trong KCN để đầu tư khu du lịch sinh thái nhưng tại KCN Bình Minh đã xuất hiện dự án khu du lịch sinh thái Bình Minh có quy mô 8 ha, chủ đầu tư là Công ty Hoàng Quân Mêkông - Tân Phú với tổng vốn đầu tư 240 tỉ đồng.
Hiện nhà đầu tư đã san lấp mặt bằng hoàn chỉnh, nhiều hạng mục như nhà hàng, bể bơi, sân tennis... đang xây dựng dở dang. Cuối tháng 5.2010, Ban quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Long tiến hành kiểm tra toàn bộ dự án khu du lịch sinh thái trên...
Hữu Phú
Kỳ 2: Những phận người dưới chân cầu Cần Thơ