Thủ tướng yêu cầu cải cách triệt để hoạt động kiểm tra chuyên ngành

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 17:43, 05/09/2017

Thủ tướng yêu cầu quyết liệt hơn nữa trong việc rà soát, rút gọn quy trình, thủ tục, hồ sơ, yêu cầu, điều kiện và thời gian thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành (KTCN); kiên quyết cắt giảm, bãi bỏ các thủ tục, quy trình, giấy tờ KTCN không cần thiết, không hợp lý, nhằm cắt giảm thời gian, chí phí liên quan đến hoạt động KTCN.

Thủ tướng Chính phủ vừa nhất trí với Báo cáo của Tổ công tác và có kết luận về kết quả kiểm tra tháng 8.2017 của Tổ công tác.

Trong tháng 8, Tổ công tác đã tiến hành 2 cuộc kiểm tra chuyên đề về triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng năm 2017 tại 4 Tổng công ty gồm: Đường sắt Việt Nam, Cảng hàng không Việt Nam, Quản lý bay Việt Nam, Hàng không Việt Nam và 1 cuộc kiểm tra đối với các Bộ quản lý chuyên ngành trong việc thực hiện các nhiệm vụ giao liên quan đến hoạt động KTCN đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Kết quả kiểm tra cho thấy, đến nay, các Bộ đã thực hiện 64 nhiệm vụ tại Quyết định 2026/QĐ-TTg; còn 34 nhiệm vụ chưa hoàn thành. Theo Tổ công tác, công tác kiểm tra chuyên ngành vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, như tình trạng một mặt hàng bị điều chỉnh bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật, phải thực hiện nhiều thủ tục, KTCN của nhiều Bộ (tỷ lệ mặt hàng phải thực hiện 2 hoặc 3 thủ tục kiểm tra chuyên ngành, chiếm khoảng 58%).

Bên cạnh đó, phương pháp quản lý, kiểm tra chưa theo chuẩn mực quốc tế dẫn đến kéo dài thời gian thông quan hàng hóa, hầu hết hàng hóa (khoảng gần 100.000 nghìn mặt hàng) phải KTCN đều thực hiện kiểm tra tại cửa khẩu trong quá trình thông quan với tỷ lệ phát hiện vi phạm rất thấp (dưới 0,1%); không thực hiện công nhận chất lượng sản phẩm hàng hóa giữa các nước, nhất là hàng hóa có nguồn gốc từ các nước phát triển.

Với các tồn tại, hạn chế nêu trên, dẫn đến tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải KTCN tại giai đoạn thông quan chưa giảm nhiều, vẫn ở mức 35% (mục tiêu của Nghị quyết 19/NQ-CP, giảm xuống còn 15%), gây khó khăn, phiền hà, làm tăng chi phí cho doanh nghiệp. Mỗi năm doanh nghiệp phải bỏ ra khoảng 28,6 triệu ngày công và khoảng 14,3 nghìn tỉ đồng để thực hiện các quy định, thủ tục về KTCN…

Do đó, Thủ tướng đề nghị các Bộ cần khẩn trương hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật đã được giao tại các Nghị quyết 19 và Quyết định 2026/QĐ-TTg; việc sửa đổi, bổ sung phải bảo đảm tính hiệu quả, hiệu lực, không xung đột, chồng chéo, khắc phục triệt để tình trạng một mặt hàng phải thực hiện nhiều thủ tục, chịu sự KTCN của nhiều đơn vị thuộc một Bộ hoặc của nhiều Bộ khác nhau.

Các Bộ quản lý chuyên ngành khẩn trương rà soát, công bố danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện phải KTCN kèm theo mã số HS thuộc phạm vi quản lý chuyên ngành của Bộ mình, bao gồm cả danh mục hàng hóa bắt đầu thực hiện từ năm 2018 theo hướng không chồng chéo danh mục giữa các Bộ, giảm tối đa số lượng hàng hóa phải KTCN tại khâu thông quan; khẩn trương hoàn thành việc ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với danh mục hàng hóa thuộc diện phải KTCN khi nhập khẩu ở khâu thông quan để thuận lợi trong việc áp dụng quản lý rủi ro.

Thủ tướng yêu cầu quyết liệt hơn nữa trong việc rà soát, rút gọn quy trình, thủ tục, hồ sơ, yêu cầu, điều kiện và thời gian thực hiện thủ tục KTCN; kiên quyết cắt giảm, bãi bỏ các thủ tục, quy trình, giấy tờ KTCN không cần thiết, không hợp lý, nhằm cắt giảm thời gian, chí phí liên quan đến hoạt động KTCN. Đồng thời, công bố công khai quy trình, thủ tục, tiêu chuẩn, phương thức KTCN đối với từng mặt hàng; xây dựng và công bố công khai tiêu chí quản lý rủi ro đối với hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý chuyên ngành của từng Bộ.

Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Đẩy mạnh việc công nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp giữa các cơ quan quản lý chuyên ngành trong nước và công nhận chất lượng sản phẩm hàng hóa giữa các nước, nhất là hàng hóa có nguồn gốc từ các nước phát triển.

“Chấn chỉnh, khắc phục ngay tình trạng độc quyền trong đánh giá sự phù hợp (thử nghiệm, giám định, kiểm định, chứng nhận kiểm tra chất lượng). Thay bằng việc chỉ định duy nhất một đơn vị đánh giá sự phù hợp, các Bộ khẩn trương rà soát, chỉ định bổ sung nhiều đơn vị đánh giá sự phù hợp để tạo thuận lợi giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp”, Thủ tướng nêu.

Hoài Phong

Trí Lâm