Mỹ đòi tịch thu tài sản lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un
Quốc tế - Ngày đăng : 12:38, 07/09/2017
Hãng tin Reuters nói đã được xem bản dự thảonghị quyết, nêu Mỹ muốn cấm vận nguồn cung xăng - dầu khí cho Triều Tiên, ngưng xuất khẩu vải sợi và trả lương cho người Triều Tiên xuất cảnh lao động ở nước ngoài, nhằm cắt đứt thu nhập của chế độ Kim Jong-un.
Đây là cách phản ứng của Mỹ, trước việc Triều Tiên thử bom nhiệt hạch ngày 3.9. Sau đó, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley nói “Triều Tiên ăn xin chiến tranh” và Mỹ muốn HĐBA LHQ bỏ phiếu chấp thuận lệnh trừng phạt mới vào ngày 11.9 tới.
Các đề xuất cấm vận mạnh nhất này nhắm trực tiếp vào ông Kim Jong-un, đề nghị niêm phong tài sản của ông và giai cấp lãnh đạo đảng Lao động Triều Tiên cùng cán bộ chính phủ nước này.
Ông Kim Jong-un cũng bị đưa vào danh sách đen chịu trừng phạt của LHQ, nhằm cấm ông và 4 quan chức khác ra nước ngoài.
Hãng hàng không quốc gia Air Koryo cũng sẽ bị niêm phong tài sản, cùng Quân đội nhân dân Triều Tiên (KPA) và 8 tổ chức thuộc chính phủ, quân đội và đảng Lao động Triều Tiên.
Các nước cũng được phép “sử dụng mọi biện pháp cần thiết” để tịch thu và kiểm tra tàu hàng của Triều Tiên bị đưa vào danh sách cấm vận, theo bản dự thảo nghị quyết 13 trang.
Có thêm 9 tàu buôn Triều Tiên bị đưa vào danh sách đen. Các công ty liên doanh với Triều Tiên cũng phải đóng cửa.
Nga phản đối sự trừng phạt kinh tế có thể gây trầm trọng thêm cho cuộc khủng hoảng nhân đạo.
Các đề xuất của Mỹ chắc chắn gây tranh cãi với Nga và Trung Quốc.
Trung Quốc hiện là đồng minh lớn duy nhất của Triều Tiên, mỗi năm bán khoảng 500.000 tấn dầu thô và 270.000 tấn sản phẩm hóa dầu qua biên giới, theo số liệu của LHQ.
Năm 2016, Trung Quốc chỉ giao 96.000 tấn xăng và gần 45.000 tấn diesel cho Triều Tiên, nơi chúng được dùng cho nền kinh tế, từ ngư dân và nông dân đến xe tải và quân đội.
Bắc Kinh phản đối bất kỳ biện pháp nào có thể gây bất ổn và lật đổ chế độ Kim Jong-un, điều sẽ gây ra khủng hoảng tị nạn ở vùng biên giới Trung - Triều, đồng thời cho phép hàng chục ngàn quân Mỹ - Hàn hành quân qua miền Bắc và áp sát biên giới Trung Quốc.
Trong cuộc điện đàmtối 6.9 với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh việc đánh Triều Tiên không là "lựa chọn số 1"của ông, và hai nhà lãnh đạo khẳng định Mỹ - Trung vẫn muốn giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên thông qua đối thoại hòa bình.
Ông Trump và ông Tập lên án Triều Tiên thử bom nhiệt hạch, nói đó là "hành động khiêu khích và gây bất ổn, đường lối của Bình Nhưỡng gây nguy hiểm cho thế giới".
Hai nhà lãnh đạo cam kết tăng cường phối hợp nỗ lực loại bỏ mối đe dọa hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Ông Trump "quan ngại sâu sắc"về tình hình bán đảo Triều Tiên, đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của Trung Quốc trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng này. Ông cũng muốn liên lạc chặt chẽ với Bắc Kinh hơn để tìm ra giải pháp sớm nhất có thể.
Theo các nghị sĩ Mỹ, trong các cuộc họp kín với Quốc hội Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis, Ngoại trưởng Rex Tillerson và Giám đốc tình báo quốc gia Dan Coats đều nhấn mạnh việc tìm giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng.
Dân thường Triều Tiên sẽ phải đẩy xe buýt
Tại cuộc gặp bên lề Diễn đàn kinh tế phương Đông lần 3 (EEF) ở thành phố Vladivostok (Nga), Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in không thể thuyết phục Tổng thống Nga Vladimir Putin cắt nguồn cung dầu khí cho Bình Nhưỡng, dù ông nói đó là cách ép Triều Tiên ngồi vào bàn đối thoại, và phải củng cố các lệnh trừng phạt của LHQ.
Nhưng ông Putin đáp: Nga lo ngại việc ngưng cung ứng dầu sẽ gây hại cho dân thường Triều Tiên, gồm các bệnh viện sẽ bị ảnh hưởng.
Ông Putin cũng nói Nga xuất khẩu chỉ 40.000 tấn dầu/năm cho Triều Tiên, và Nga sẽ tiếp tục thực hiện các dự án 3 bên với Triều - Hàn, cụ thể là dự án đường dẫn khí đốt từ Nga đến Hàn Quốc và liên kết mạng lưới điện.
Ông Putin khẳng định Nga không công nhận Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân, vì chương trình tên lửa của nước này vi phạm nghị quyết của HĐBA LHQ và vi phạm nguyên tắc không phổ biến vũ khí hạt nhân, đe dọa hòa bình ở khu vực Đông Bắc Á.
Ông Putin còn nói Nga - Trung đã có đề xuất giải quyết khủng hoảng Triều Tiên: Mỹ - Hàn ngưng tập trận thì Triều Tiên ngưng chương trình hạt nhân. Ông nhấn mạnh trừng phạt và gây sức ép sẽ không hiệu quả.
Tại EEF (hội nghị kinh tế nhằm thúc đẩy hợp tác khu vực), ông Moon cũng sẽ gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, người cũng gặp ông Putin vào ngày 7.9, chủ yếu nói về chủ đề căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Các chuyên gia nói lệnh cấm cung cấp dầu sẽ gây thiệt hại cho dân thường Triều Tiên. Viện nghiên cứu Nautilus báo cáo: “Người dân sẽ phải đi bộ hoặc không thể nào di chuyển, và họ sẽ phải đẩy xe buýt thay vì ngồi trên xe. Trong nhà sẽ không có điện vì không có xăng chạy máy phát điện”.
Báo cáo còn nêu: lệnh cấm vận sẽ khiến người dân phá rừng để có than, dẫn đến “sự xói mòn đất, lũ lụt và làm tăng nạn đói” ở Triều Tiên đã sẵn đói nghèo.
Và chế độ Kim Jong-un sẽ lập tức hạn chế cung cấp nhu yếu phẩm cho dân, và lệnh cấm sẽ “không ảnh hưởng lập tức” đến quân đội hoặc chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.
Những hoạt động ngoại giao không giấu được căng thẳng gia tăng, khi Trung Quốc tiến hành tập trận không quân để bảo vệ bờ biển phía đông “nhằm đề phòng vũ khí hạt nhân và vũ khí sinh học”.
Bích Ngọc (theo Reuters)