Myanmar cố tình đuổi tộc người Rohingya qua Bangladesh?

Quốc tế - Ngày đăng : 11:35, 10/09/2017

Trang báo Anh Observer ngày 10.9 đưa tin nhóm nổi dậy Đạo quân cứu tế Arakan Rohingya (ARSA) được chính phủ Myanmar cho quyền kiểm soát vùng biên giới, là cố tình đuổi tộc người Rohingya theo đạo Hồi chạy qua nước láng giềng Bangladesh.

Khuya 9.9, ARSA tuyên bố ngưng bắn 1 tháng để các tổ chức cứu trợ quốc tế có thể tiếp cận vùngtây bắc Myanmar, nơi mà ARSA mở các cuộc tấn công vào 9 đồn cảnh sát biên phòng và một căn cứ quân sự vào ngày 25.8, khiến quân đội Myanmar trả đũa.

Bạo lực đã khiến hơn 270.000 người Rohingya sơ tán qua Bangladesh trong hai tuần qua, theo Cao ủy tị nạn LHQ (UNHCR). Tổ chức này nói ‘ARSA khuyến khích các tổ chức nhân đạo nối lại hoạt động, giúp các nạn nhân của cuộc khủng hoảng nhân đạo này, không kỳ thị sắc tộc hoặc tôn giáo trong thời gian ngưng bắn’.

Báo Observer dẫn nhà báo Adil Sakhawat của tờ Dhaka Tribune (Bangladesh) rằng anh trông thấy các tay súng ASRA mặc quần áo màu đen kiểm soát các chốt biên giới Myanmar ở vùng Kutkhaki bên sông Naf giáp Bangladesh.

Nhà báo Sakhawat vừa từ bên Myanmar trở về, nói quân ARSA chỉ cầm gậy ở chốt biên giới, đứng yên quan sát dòng người tị nạn đi qua Bangladesh.

Việc để ARSA nắm quyền kiểm soát khu vực dẫn đến nỗi sợ: chính phủ Myanmar khuyến khích người tị nạn vượt qua biên giới vào Bangladesh, bằng cách mở hành lang an toàn ở các chốt biên giới do quân nổi dậy ARSA kiểm soát.

Đó là cách Myanmar đuổi hết người Rohingya khỏi bang Rakkine (bắc Myanmar) và vì tộc người này sợ quân đội Myanmar, sự hiện diện của quân ARSA nhằm trấn an người tị nạn rằng vùng Kutkhali là hành lang an toàn để họ rời khỏi Myanmar.

Ngày 9.9, Bộ trưởng An sinh xã hội-tái định cư Myanmar, ông Win Myat Aye nói: “Chỉ những ai chứng minh được đã sống ở bang Rakhine và là công dân thì mới được chấp nhận trở về nước”.

Các nhà quan sát cho rằng quân nổi dậy ARSA quá yếu và không được trang bị vũ khí, nên không thể thách thức quân đội Myanmar, và nhiều thành viên đã đào ngũ khỏi ARSA.

Theo UNHCR, người tị nạn nay rất cực khổ. Hàng ngàn người Rohingya phải xin ăn với người địa phương, và người Bangladesh đòi họ đưa tiền thì mới chịu chở người tị nạn Rohingya qua sông.

Trung Trực (theo Guardian)

Trần Trí